A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ném còn, khát vọng và sự kết nối cộng đồng

Không chỉ là trò chơi và hoạt động thể thao dân gian, ném còn còn là nghi thức tín ngưỡng không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp miền núi phía Bắc và Tây Nghệ An, Thanh Hóa.

 Sự hào hứng của người Khơ Mú với ném còn

Trò chơi dân gian hấp dẫn

Được lưu truyền từ xa xưa, ném còn hay tung còn là sản phẩm do chính những người nông dân sáng tạo nên. Không gian và cách thức tổ chức, thực hành của nó cho đến nay dường như không thay đổi. Mỗi dịp hội xuân và hội làng, chủ thể văn hóa lại nô nức tham gia.

Quả còn hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

Cây nêu thường được làm bằng cây tre hay cây mai hoặc vầu, có chiều cao khoảng 15 m, phía trên có một vòng tròn để làm đích ném. Vòng tròn này có thể dán kín bằng giấy màu đỏ. Cây nêu phải dựng giữa bãi đất rộng để cho đông người cùng tham gia.

Ném còn hay tung còn có nhiều cách chơi. Theo cách gọi của người Thái, có cách ném “còn vòng” và “còn xai”. Ném “còn vòng”, người chơi cầm gần cuối đoạn dây vải quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi tung về phía ngọn nêu làm sao để quả còn bay lên lọt qua vòng tròn là thắng cuộc và được xem như là người sẽ có nhiều may mắn. Đây cũng là cách chơi phổ biến.

Với hình thức ném “còn xai”, một hình thức giao duyên, trong đó thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng được chia làm 2 hàng, nam đứng một bên, nữ đứng một bên. Đôi bạn trẻ nào để ý đến nhau thường ném còn cho nhau. Nếu ai bắt trượt làm quả còn rơi xuống đất sẽ phải có quà tặng cho người tung, thường là chiếc khăn piêu, vòng bạc...

 Những quả còn của người Tày ở Thái Nguyên

“Còn xổm” là kiểu mà người chơi đứng thành vòng tròn, xen kẽ một nam một nữ và người chơi phải tung còn theo thứ tự vòng tròn, ai cũng được tham gia. Đây là kiểu chơi phổ biến ở Mường Lò (Yên Bái).

Dù ở mỗi dân tộc, mỗi vùng khác nhau, cách chơi còn hay nghi thức thực hành có ít nhiều nét khác nhau nhưng nhìn chung, các cộng đồng dân tộc đều có chung quan niệm khi tung hay ném còn, quả còn được bay cao sẽ mang đi rủi ro, đau ốm… Lúc quả còn rơi xuống, người đón còn là đón sự may mắn, tốt đẹp cho một năm mới. Vì vậy, khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời xua đi mọi điều bất hạnh và người đón còn thế nào cho khéo không để còn rơi xuống đất.

Theo quan niệm của đồng bào Thái, trò tung còn được tổ chức để gửi gắm về sự hòa hợp âm – dương với mong muốn con cái trong nhà đông đúc. Vì vậy, những người Thái hiếm muộn con rất hào hứng tham gia hội ném còn để cầu tự.

Với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau, tìm hiểu để nên duyên vợ chồng. Theo luật chơi, bên thua sẽ phải để lại một vật làm tin và thường người thua là các chàng trai. Sau lễ hội, chàng trai quay lại nhà cô gái để xin lại vật đã gửi làm tin. Đây là cái cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu nhau.

Còn với người Tày, trò chơi ném còn lại mang ý nghĩa cầu mùa. Quả còn là biểu tượng của Rồng, tượng trưng cho hồn núi, sông, nước… Quả cầu tượng trưng cho thân rồng có chín tua đính so le nhau, bốn tua ở bốn góc và dây ở đáy. Chín tua còn là biểu tượng của những tia nắng, tia mưa cầu mong một tín hiệu tốt lành mưa thuận, gió hòa cho một năm mới mùa màng bội thu. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong (thường là hạt thóc, bông, đậu…), tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Đồng bào tin rằng, hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn vì đã được ban phép của tổ tiên, thân linh và truyền hơi ấm của những bàn tay nam, nữ.

Giá trị trường tồn

Trò chơi ném còn đòi hỏi người tham gia không chỉ phải thực hiện các động tác vung tay và chạy thật nhanh mà đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt cũng như khả năng quan sát để các động tác phải chính xác. Người chơi vừa kết hợp các động tác toàn thân với đúng nghĩa một môn thể thao truyền thống, vừa sảng khoái tinh thần, được giao lưu, đoàn kết, vui vẻ và được bày tỏ tình cảm lứa đôi. Hội còn vì vậy luôn thu hút đông đảo người tham gia, từ già đến trẻ, nam và nữ.

 Người Sán Chí với kiểu còn xổm

Đặc biệt, ném còn không chỉ là trò chơi và môn thể thao dân gian mà còn là nghi thức tín ngưỡng quan trọng đối với chủ thể văn hóa. Ở nhiều vùng, để chuẩn bị cho hội tung còn, các gia đình trong bản, làng thường sửa soạn một mâm cơm cúng mang ra bãi tổ chức hội còn để làm lễ. Bên cạnh những sản vật của nghề nông, trên mâm cúng luôn có 1 cặp còn (hoặc đĩa còn) thể hiện linh vật mang tính dương, biểu tượng của cái mạnh, của sự sinh sôi, nảy nở. Tới giờ hành lễ, chủ lễ (thầy cúng, pháp sư hoặc trưởng bản) cầm hai quả còn khấn trời đất, thần linh và tổ tiên phù hộ cho bản làng bình yên, mùa màng bội thu, trai gái có đôi. Tùy theo mỗi dân tộc và mỗi vùng, sẽ có các nghi thức khác nhau, có nơi ông chủ tế là người đầu tiên ném quả còn lên vòng tròn ngọn cây nêu. Có nơi chủ tế tung hai quả còn cho mọi người tranh cướp trong không khí vui vẻ, náo nhiệt.

Đến nay, ném còn đã trở thành trò chơi, lễ hội chung, phổ biến của nhiều cộng đồng dân tộc. Các huyện biên giới của 3 nước Việt - Lào - Trung còn tổ chức Lễ hội ném còn thường niên 2 năm 1 lần nhằm xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hữu nghị giữa nhân dân các huyện biên giới của ba nước có chung đường biên giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác.

Hoa Mộc Miên/ langvietonline.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu