A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mộc mạc cà chua quê mình....

Tháng Giêng năm nào, quê tôi cũng ngập tràn những quả cà chua chín mọng. Đó là loại cà chua mà mọi người vẫn thường gọi là “cà chua quê mình” để phân biệt với cà chua đại trà có xuất xứ từ Đà Lạt...

 Cà chua quê tôi có vị chua và giòn hơn hẳn so với các loại cà chua khác và vẫn thường được mọi người dùng để nấu canh với cá

Cà chua quê tôi có vị chua và giòn hơn hẳn so với các loại cà chua khác và ăn khi quả còn xanh hoặc chín đều ngon. Nhưng thú vị nhất là thưởng thức lúc quả cà chua gần chín, bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu hồng phớt. Những quả cà chua vừa chín tới ấy, lúc nào cũng được mọi người ưu ái mang đi dằm đường, đá để giải khát. Bởi lúc ấy, cà chua đã bớt đi vị chua, dần chuyển sang vị ngọt, nhưng vẫn còn giữ được độ giòn, nên khi dằm đường, vị ngòn ngọt, chua chua của cà sẽ cộng hưởng với vị ngọt của đường, mát lạnh của đá tạo nên một món ăn có hương vị rất thơm ngon, thanh mát.

Riêng những quả cà chua sống, các bà, các mẹ quê tôi vẫn thường xắt múi cau rồi nấu canh chua cùng các loại cá biển như cá trao tráo, cá mú, cá dìa... Vị chua của cà chẳng những xua đi hết mùi tanh của cá, mà còn làm nồi canh chua trở nên đậm đà hơn.

Ngoài những món dân dã này, hễ nhắc đến “cà chua quê mình”, thì không thể không nhắc đến món gỏi trộn cà chua xanh với ruốc khô. Khi đã ngán các món ăn ê hề dầu mỡ trong ba ngày Tết, thì món gỏi dân dã này luôn là lựa chọn số 1 của các bà nội trợ quê tôi.

Để làm nên món này, chỉ cần vài vốc ruốc khô mang đi rang sơ qua lửa cho thơm rồi để nguội, còn cà chua xanh thì xắt mỏng, vắt sơ cho ráo nước. Rồi cứ thế, bỏ cà chua và ruốc vào thau trộn đều với mắm ớt tỏi, đường và dăm cọng lá hành, ngò cho thơm. Vị chua và giòn sần sật của cà chua xanh, hòa với vị mặn mòi của ruốc biển và vị cay cay của ớt, tiêu, nước mắm... khiến ai gắp thử một đũa, đều muốn gắp thêm lần hai, lần ba...

Thơm ngon, dân dã là vậy, nhưng suốt cả năm trời ròng rã, tôi cũng chỉ được “gặp” mùa cà chua quê mình trong mấy mươi ngày ngắn ngủi của tháng Chạp và tháng Giêng. Bởi mỗi năm, người dân quê tôi chỉ xuống giống loại cà chua này một lần.

Rồi đến cuối tháng Giêng, đầu tháng hai, khi những lứa cà chua cuối cùng được thu hoạch, mọi nguời sẽ chọn lấy những quả cà chua to, đều để cắt lấy hạt, phơi khô rồi cất làm giống cho vụ sau. Cứ thế, cà chua quê tôi cứ cần mẫn, bền bỉ đồng hành cùng mọi người suốt tháng rộng, năm dài rồi gieo vào lòng mỗi người hương vị quê hương không dễ gì lãng quên...

Đông Yên/ Báo Quảng Ngãi


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu