A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm Bàlamôn và Hồi giáo (Bàni)

Katê là một lễ hội truyền thống của người Chăm theo đạo Balamôn và Hồi giáo (dòng Bàni) ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo những người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni, Katê là lễ hội dân gian đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc mình, là bức tranh phác họa đời sống sinh hoạt cộng đồng; nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Đây là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ để đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.

Cứ vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm (khoảng cuối tháng 9 hoặc trong tháng 10 dương lịch) đồng bào Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận lại tưng bừng tổ chức ngày tết truyền thống của dân tộc mình.

Năm 2014, lễ hội Katê sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24 tháng 10 tại di tích tháp Chăm Pô Sah Inư (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận); tháp Pô Klông Garai (thành phố Phan Rang Tháp Chàm, tình Ninh Thuận); tháp Pô Rômê và đền Pô Nagar (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Ngoài ra, lễ hội còn được cộng đồng Chăm tổ chức tại các làng Chăm, dòng họ và gia đình.

Tại các đền, tháp sẽ có những nghi lễ truyền thống như: lễ rước y trang, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần

Một là, Lễ đón rước y trang: Nghi lễ diễn ra ở các đền, tháp nơi tổ chức lễ hội (tháp Chăm Pô Sah Inư, tháp Pô Klông Garai, tháp Pô Rômê, Pô Nagar). Đây là lễ đón rước y trang của Nữ thần Pô Ina Nagar. Đây là Thần mẹ xứ sở, thủy tổ của người Chăm gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nên thần mẹ xứ sở có ảnh hưởng rất nhiều đến tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Chăm cũng như có ảnh hưởng đến các dân tộc ở Việt Nam.

Thứ hai, Lễ mở cửa đền, tháp: Chủ trì phần nghi lễ này là vị Cả sư, các tu sĩ làm lễ cầu xin các vị thần linh cho phép được mở cửa đền, tháp. Lễ này được diễn ra trước cửa đền, tháp trong không khí rất tôn nghiêm. Sau đó đoàn người gồm cả sư, bà bóng, thầy kéo đàn Kanhi và các giáo đồ trung tín tiến vào tháp.

Thứ ba, Lễ tắm tượng thần: Lễ này được diễn ra bên trong đền, tháp, phần nghi lễ này gồm có Cả sư, ông Kadhar - thầy kéo đàn Kanhi và hát những bài ca tụng công ơn của các vị vua, Muk Pajâu (bà Bóng), ông Camưnay (Ông Từ) và một số tín đồ nhiệt thành khác.Vị cả sư cầm lọ nước thánh có pha trầm hương tưới lên tượng thần (tượng thần bằng đá dưới hình thể linga hình mặt người).

Thứ tư, Lễ mặc y phục cho tượng thần: Sau khi lễ tắm tượng thần kết thúc thì đến phần nghi lễ mặc áo cho thần. Lễ được tiến hành nhịp nhàng theo các câu hát của thầy kéo đàn Kanhi và tiếng hát của ông Kadhar. Khi ông Kadhar đang hát thì ông Camunay và Muk Pajâu mặc váy, áo cho tượng thần. Cứ như thế cho đến khi mặc y phục cho vua xong.

Đây là tất cả những nghi lễ sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của lễ hội. Mọi nghi lễ nói trên đều được thực hiện rất tôn nghiêm, thành kính và đầy tính tâm linh. Tiếp đó, họ múa cầu an và dâng lễ, cuối cùng là lễ múa mừng lễ hội Katê với các điệu múa duyên dáng, uyển chuyển của thiếu nữ Chăm hòa nhịp trong tiếng đàn Ka Nhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi- năng và tiếng kèn Saranai.

Sau khi lễ hội tại các đền, tháp kết thúc thì không khí của hội lại sôi nổi diễn ra ở các làng, thôn xóm của người Chăm. Nhân dịp này các thôn xóm Chăm nhộn nhịp với những trò chơi dân gian đặc sắc như: hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, trưng bày triển lãm gốm, các gian hàng dệt thổ cẩm, gốm tại các gia đình, cúng Katê thần làng; biểu diễn văn nghệ dân gian; các trò chơi dân gian, giao lưu thể thao… Khi lễ hội ở làng kết thúc thì lễ Katê ở các dòng tộc, gia đình trong đồng bào Chăm mới được tổ chức. Trong thời gian này đông đảo các gia đình người Chăm tổ chức lễ. Chủ lễ cúng Katê ở gia đình là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong dòng họ. Lễ hội Katê tại các gia đình và dòng họ được tổ chức nhằm quy tụ tất cả các thành viên trong gia đình để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu biết ơn, kính trọng tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Katê là một lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni sinh sống tại hai tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận được những nghệ nhân của các làng Chăm tái hiện với màu sắc và âm thanh theo đúng nghi thức nguyên gốc vốn có của nền văn hóa Chămpa. Đây là lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà với mong muốn quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc, đồng thời cũng là dịp để tạ ơn các vị thần như: Pô Kông Garai, Pô Rome đã có công dẫn thủy nhập điền, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi mang lại cuộc sống ấm no cho bà con. Lễ hội không chỉ gắn với đền, tháp cổ kính - nơi không chỉ lưu giữ những giá trị về kiến trúc và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của đời sống văn hoá, tín ngưỡng được thể hiện qua vật phẩm cúng tế, y phục, nhạc cụ, những bài thánh ca. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo mà bất kỳ ai đều dễ dàng bị thuyết phục và say sưa. Mặc dù, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng lễ hội Katê vẫn luôn phản ảnh được giá trị văn hóa của người Chăm.

Ngày nay, Katê không chỉ là lễ hội của riêng người Chăm, không chỉ tạo nên một nền văn hóa hết sức độc đáo và rực rỡ, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm mà còn góp phần cùng các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S tô đậm thêm bức tranh văn hóa truyền thống, phong phú và đa dạng trong tinh hoa văn hóa Việt Nam. Cũng vào dịp này, tại các địa điểm tổ chức lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và du khách trong nước và quốc tế. Chính vì thế, từ năm 2000, lễ hội Katê đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam.

Lương Nguyễnbtgcp.gov.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu