Làng nhang Dĩ An
Những que nhang khi đốt lên có mùi thơm dịu, hương phảng phất tạo nên thương hiệu nhang Dĩ An. |
Nguyên liệu để chẻ tăm nhang phải là loại tre già được lấy từ rừng Bù Đốp, Phước Long, tỉnh Bình Phước hoặc ở Nam Cát Tiên, Lâm Đồng đem về đây bán lại cho người chẻ nhang. Ngồi quan sát người thợ chẻ nhang mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người làm nghề. Mỗi động tác của người chẻ đều thoăn thoắt, dứt khoát. Chỉ cần nhìn qua thanh tre là biết phải chẻ làm ba hay bốn để phù hợp với li, tấc của loại tăm, chân nhang đang chẻ.
Hiện nay, làng nghề có hơn 50 hộ gia đình làm nghề chẻ tăm nhang. Trung bình mỗi tháng, một lao động cũng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng đảm bảo cuộc sống của họ. Do là nghề thủ công truyền thống nên công việc có thể làm quanh năm, thời điểm bận rộn nhất là giai đoạn vài tháng gần tết vì khi đó làng nhang đã vào vụ mùa.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở se nhang ở Dĩ An, tăm nhang ở đây còn phục vụ thị trường rộng lớn cho các làng se nhang ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các thương lái ở An Giang, Cà Mau, Tiềng Giang… đến tận nơi lấy hàng, sau đó giao lại cho các chủ sản xuất se nhang.
Cùng với nghề làm tăm nhang, nghề se nhang ở Dĩ An cũng phát triển không thua kém. Từ lâu, tiếng thơm của nhang Dĩ An đã bay xa nhiều vùng. Những que nhang khi đốt lên có mùi thơm dịu, hương phảng phất đã chinh phục được khách hàng. Nhang Dĩ An có thị trường tại Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An... và cả các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, nhang Dĩ An cũng xuất khẩu đi nước ngoài như: Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Singapore...
Việc phát triển và bảo tồn làng nhang Dĩ An đang được tỉnh Bình Dương quan tâm đầu tư. Các hộ làm tăm nhang và se nhang được hỗ trợ vốn để sản xuất vẫn lặng lẽ làm công việc để lưu giữ nét văn hóa tâm linh của dân tộc trong lòng phố phường sầm uất.
Gia Bằng