Làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao
Các sản phẩm gỗ Đông Giao được chạm khắc tỉ mỉ |
Đông Giao thời Lê là một xã trong số 7 xã của tổng Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Cuối thời Nguyễn, Đông Giao vẫn đứng riêng biệt một xã gồm 3 thôn: Sở, Chay và Đông Tiến. Năm 1948, do chủ trương thực hiện liên xã của tỉnh, Đông Giao hợp với các thôn Bến, Thái Lai, Bái Dương, Ải, Bối Tượng, Lường Xá, Đông Khê, Cầu Dốc thành xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Theo Đại Việt Dư địa chí: “Đông Giao có diện tích 527 ha, phía Bắc giáp xã Đồng Khê, phía Đông giáp xã Thái Lai, phía Nam giáp xã Thượng Cuông thuộc phủ Bình Giang, phía Tây giáp xã Thuần Mỹ huyện Mỹ Hào”.
Với vị trí địa lý hết sức thuận lợi nằm tiếp giáp giữa 3 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, lại cách không xa thủ đô Hà Nội, làng chạm khắc gỗ Đông Giao đã biết tận dụng và phát huy hết khả năng vốn có của mình.
Làng nghề truyền thống hơn 300 năm
Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm. Xưa, người thợ Đông Giao nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… Các sản phẩm ấy được người dân các tỉnh thành lân cận rất ưa dùng. Ngoài ra, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Đông Giao còn in dấu ở rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cho đến nay, người Đông Giao vẫn còn tự hào mỗi khi nhắc đến công lao của những người thợ tài hoa quê mình trong việc xây dựng Kinh thành Huế xưa kia.
Theo thần tích của làng, vào thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), người thợ Đông Giao mà đại diện là cụ Vũ Xuân Ngôn đã có mặt tại Huế để tham gia xây dựng công trình cho triều đại phong kiến. Đến nay, ở Huế vẫn còn 1 làng của những người thợ Đông Giao xưa mang tên Đông Tiến và vẫn giữ được cái nghề mà cha ông họ truyền lại.
Hiện tại ở Đông Giao, bên cạnh các công trình khang trang mang dáng dấp của thời đại, chúng ta còn bắt gặp hệ thống các di tích lịch sử cổ kính như đền, đình, chùa, miếu được bảo vệ tôn tạo. Đình Đông Giao là một ngôi đình lớn được khởi dựng năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738). Ngay trước cửa Đình Đông Giao, du khách có thể bắt gặp một bia đá lớn được dựng năm 1738 ghi lại quá trình xây dựng Đình và tên tuổi người công đức xây dựng. Ở vị trí trung tâm của toà đại bái là khám thờ, hai bên là đôi long mã lớn có kích thước gần bằng ngựa thật do các nghệ nhân Đông Giao làm vào cuối thế kỷ 19. Đôi long mã được chạm khắc công phu, cầu kỳ thể hiện tài năng tuyệt vời của những nghệ nhân chạm khắc. Phía bên khám thờ là 2 bức cuốn thư (thế kỷ 19). Bên trái khám thờ là bàn thờ và tượng thờ cụ tổ làng nghề chạm khắc Vũ Xuân Ngôn. Cụ được các dòng họ suy tôn làm tổ nghề của làng năm 1992, được tạc tượng thờ tại Đình.
Những người thợ Đông Giao luôn tìm tòi, |
Bàn tay tinh tế của người thợ
Những ngày tháng trước, thợ Đông Giao ít khi làm việc tại nhà, một phần do ít vốn, một phần còn phụ thuộc yêu cầu người sử dụng. Thông lệ, hàng năm vào hạ tuần tháng Giêng, hội làng xong, thợ cả đi tìm việc, nhận việc, nhiều khi khách đên làng tìm thợ. Nắm chắc việc làm, thợ cả về làng tìm thợ bạn. Trong số thợ bạn phải có thợ đầu cánh, thông thạo từng loại việc, đủ khả năng vẽ mẫu và chỉ huy thợ phụ. Công việc chạm khắc công phu, tỉ mỉ, việc nhỏ cũng phải mất hàng tháng, việc lớn cả hiệp phải mất hàng năm, thợ phải ăn ở tại nơi làm việc.
Thợ Đông Giao có sự khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên qua thời gian, họ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú đa dạng.
Nếu như trước đây là đồ gia dụng và đồ thờ cúng thì nay người thợ sản xuất cả những sản phẩm mỹ thuật nội thất mang phong cách phương Nam như tủ chùa, sa lông, gạt tàn thuốc lá, con giống trang trí các loại... Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu ra các nước phải được thể hiện trau chuốt hơn, đa dạng hơn theo yêu cầu khách hàng.
Chạm khắc gỗ là một nghề thủ công đặc biệt, không đơn thuần mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn là một nghề mang nặng giá trị văn hoá - nghệ thuật, vì qua đó nghệ nhân đã khắc hoạ được khát vọng của con người, tư duy con người và sự cảm nhận nghệ thuật của con người. Đồng thời qua đó đã lưu lại được những sắc thái văn hoá quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và cũng qua đó, thể hiện được cái riêng của nền văn minh phương Đông.
Muốn làm được nghề chạm, dù chỉ là chạm khắc đồ thờ các loại, người phó nhỏ ngày xưa phải đầu tư học việc hàng chục năm mới có thể lành nghề. Biết kỹ thuật chạm khắc rồi phải nhớ các lối, các hoạ tiết, các đề tài. Học nghề chạm khó hơn nhiều so với các nghề thủ công khác vì đây là nghề kỹ thuật gắn liền với mỹ thuật cao. Người thợ không chỉ có sức khoẻ tốt, bàn tay khéo léo, kiên trì mà còn phải có khả năng mẫn cảm, tái hiện đề tài theo mẫu và sáng tạo mẫu mới. Để hoàn thành một bức chạm có thể mất hàng tháng là chuyện bình thường, nếu không kiên trì thì không thể theo nghề được.
Nghề điêu khắc gỗ chủ yếu làm bằng tay nên ngoài năng khiếu, người thợ phải được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc trải qua thời gian dài làm việc tại các làng nghề thì mới có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, vừa lòng khách hàng. Để làm ra một sản phẩm gỗ thủ công theo lối truyền thống, người thợ phải tự vẽ lên những phác thảo đầu tiên trên chính bức tranh. Sau đó sử dụng những chiếc đục lớn để tạo ra những đường nét thô sơ ban đầu. Với những đường nét nhỏ và tinh xảo, người thợ sử dụng những chiếc đục nhỏ hơn. Một người thợ phải sở hữu trong tay đến 40 chiếc đục có kích thước, mũi đục khác nhau, để tạo nên sản phẩm. Người thợ lành nghề phải thể hiện được cái tôi của người sáng tạo với những đường nét, chi tiết có hồn và phải thực sự tâm đắc với nghề.
Sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao hội tụ, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của các yếu tố văn hoá mà người thợ Đông Giao đã gửi gắm vào đó. Vì vậy, với thị trường, sản phẩm chạm khắc gỗ Đông Giao là cầu nối, là hạt nhân tạo nên mối quan hệ biện chứng tất yếu giữa kinh tế - văn hoá và phát triển. Trong nhiều nguyên nhân để Đông Giao tồn tại đến ngày nay thì sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm chạm khắc gỗ giữ vai trò cốt yếu.
Hiện nay, ở làng mộc Đông Giao, nhiều máy móc đã được đưa |
Làng nghề hội nhập và phát triển
Cách mạng tháng Tám thành công, tiếp theo là ba mươi năm chiến tranh ác liệt, đồ thờ, đồ chạm khắc trang trí chỉ là hiện vật bảo tàng, không ai mua sắm và bị tiêu huỷ phần lớn. Thợ chạm Đông Giao thất nghiệp, số đông về làm ruộng, số ít chuyển sang đóng tủ, bàn ghế thông dụng. Lớp trẻ không ai quan tâm đến nghề chạm, họ khâm phục tài năng của ông cha, song vẫn coi như một nghề đã chết. Thợ già không có đất dụng võ, thỉnh thoảng chạm chiếc lèo tủ để luyện tay nghề, bán được chăng hay chớ. Ngày qua tháng lại, lớp thợ lão luyện vắng dần, nghề nghiệp mai một, đang có nguy cơ thất truyền, thì đất nước hoàn toàn giải phóng.
Cuộc sống vật chất chưa cao, nhưng nhiều gia đình đã có của ăn của để, có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình không chỉ thực dụng mà còn có chức năng trang trí, khơi dậy nếp sống văn hoá và truyền thống. Tủ buyp phê, tủ Đức, tủ bằng, tủ lệch… kiểu nào cũng một hai năm là lạc hậu. Dân gian, nhất là nông thôn quay lại với tủ chè - tủ văn tiến, loại tủ cổ điển của dân tộc. Sức mua mặt hàng này tăng nhanh chưa từng có trong lịch sử. Nghề làm tủ chè không phải là nghề chính của Đông Giao, nhưng do nhu cầu xã hội thúc đẩy, nghề chạm Đông Giao sống lại và phục hưng nhanh chóng. Từ chạm khắc đồ thờ chuyển nhanh sang chạm tủ chè. Chỉ trong 8 năm, từ 4-5 nghệ nhân cao tuổi đã đào tạo nên một đội ngũ thợ chạm lớn mạnh với nhiều thợ trẻ đầy triển vọng.
Năm 1993 ở Đông Giao đã hình thành cơ sở dịch vụ thương mại đầu tiên của gia đình ông Vũ Xuân Cửu. Tuy rằng “vạn sự khởi đầu nan” song nó đã mở đường cho sự phát triển mới của Đông Giao. Đối với thị trường trong nước, sản phẩm của Đông Giao được tiêu thụ ở khắp 3 miền. Thị trường miền Bắc xưa có phần như không thích ứng với mặt hàng này thì nay do nhu cầu của cuộc sống đã giúp cho sản phẩm Đông Giao khẳng định được mình ngay trên mảnh đất quê hương.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương, tính đến năm 2015 làng nghề Đông Giao có tới 97% số hộ tham gia nghề mộc với trên 400 thợ nam, nữ từ người già đến trẻ em. Thu nhập thấp nhất của một người làm thuê ở những công đoạn đơn giản là từ 5-6 triệu/tháng. Những người thợ lành nghề có thu nhập từ 10-12 triệu/tháng. Còn với các hộ gia đình có thu nhập từ 30-40 triệu/tháng.
Đối với thị trường ngoài nước, Đông Giao có một loạt các cửa hàng, cơ sở dịch vụ thương mại xuất khẩu do người Đông Giao làm chủ tại đường Cộng Hoà - Thành phố Hồ Chí Minh. Những cơ sở thương mại này vừa là nơi giới thiệu sản phẩm, vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm của Đông Giao. Các cơ sở đã giúp cho Đông Giao tiêu thụ một số lượng hàng hoá lớn mỗi năm, đặc biệt là thông qua các hợp đồng lớn với các nước ở khu vực châu Á và trên thế giới.
Hiện nay, ở làng mộc Đông Giao, nhiều máy móc đã được đưa vào sản xuất, thúc đẩy quá trình chế tác nhanh hơn. Tuy nhiên, dù máy có chế tạo ra những hoa văn tinh xảo đền đâu thì vẫn cần bàn tay con người thổi hồn vào tác phẩm... Với sự đam mê và sáng tạo không ngừng của những người nghệ nhân nơi đây, nghề mộc Đông Giao đang ngày càng phát triển, có nhiều tác phẩm độc đáo và có tiếng ra đời. Làng nghề mộc Đông Giao đang tạo được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ làng nghề trong nước và khu vực.
Không chỉ đơn thuần là một làng nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng, mà Đông Giao còn là một làng quê có truyền thống văn hiến lâu đời. Đây chính là yếu tố đặc biệt vì người Đông Giao vừa giỏi nghề lại cần cù chịu thương chịu khó. Đông Giao có những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng với hệ thống di tích lịch sử văn hoá như đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ, với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... Đó là sự hội tụ tâm hồn trí tuệ của biết bao thế hệ người dân Đông Giao bồi đắp, giữ gìn và phát triển từ khi làng được thành lập đến nay.
Trúc Anh (tổng hợp)