A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng “đỏ lửa” hơn 200 năm

Bước vào làng bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ đã thấy mùi thơm sực nức của bột, dừa, mùi khói. Hai bên đường vào làng là những phiên bánh tráng được phơi đều tăm tắp. Làng nghề này đã tồn tại hơn 200 năm và được duy trì nhờ tình yêu nghề của nhiều thế hệ.

Quanh năm gắn bó với chiếc bánh

Theo những người lớn tuổi ở địa phương, nghề làm bánh tráng hình thành từ thời xưa. Ban đầu chỉ vài hộ làm để ăn chơi dịp Tết. Dần dần, nhiều người biết tiếng đến đặt hàng, các lò bánh mới mọc lên nhiều và phát triển mạnh như hiện nay. Hiện toàn làng nghề Thuận Hưng có hơn 100 hộ làm bánh, tập trung ở 9/9 ấp của phường Thuận Hưng, nhưng tập trung chủ yếu ở ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh.

 Thu nhập không cao nhưng người dân vẫn gắn bó với việc làm bánh tráng 

Gia đình ông Trần Hữu Đương, ấp Tân Phú bắt đầu làm bánh tráng cách đây đã 7 -8 năm. Một năm 365 ngày, trừ những ngày mưa, ngày nào bếp nhà ông cũng đỏ lửa, sản xuất ra 3.000 chiếc bánh. Ông Đương cho hay: Sở dĩ bánh tráng của Thuận Hưng được ưa chuộng như vậy vì người dân có bí quyết riêng trong khâu pha bột, dùng hoàn toàn là bột gạo. Gạo cũng được sản xuất ở vùng Thốt Nốt, gạo gặt về để trong 6 tháng mới làm. Vì mới quá thì nhúng nước bánh bị rã, nướng không giòn đều; gạo cũ quá bánh nướng thì xốp nhưng không giữ được vị ngọt. Lựa chọn kỹ càng về nguyên liệu đầu vào như vậy nên chiếc bánh có mùi gạo thơm nồng nàn rất đặc trưng, lại mềm, mịn, dẻo thơm. Đặc biệt là rất đều, trăm chiếc như một.

Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bánh tráng được làm ở đây quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào mùa Tết. Hầu như hộ nào cũng phải làm tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng vào dịp Tết. Làm ra mẻ nào bán hết mẻ đó, thậm chí những lúc cao điểm, thương lái phải đến đặt trước mới có để mang về. Chiếc bánh Thuận Hưng được đưa đi các ngả đường xóm ngõ địa phương, theo xe sang tận Campuchia.

Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại: bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Bánh mặn là bánh để nhiều muối, dẻo và giữ được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh lạt giòn hơn. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước cốt dừa và mè. Mỗi loại bánh cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, nhỏ nhất hơn 3 tấc và lớn nhất (bánh đại) gần 4 tấc.

Tình yêu trong từng sản phẩm

Thuận Hưng giờ vừa là một làng nghề vừa là điểm tham quan du lịch của du khách muốn tìm hiểu về nghề làm bánh tráng và những con người đã làm nên chiếc bánh này.

Cơ sở sản xuất bánh tráng của bà Hà Thị Sáu, ấp Tân Phú làm bánh tráng đã ngót nghét 30 năm. Cả gia đình 40 người ai cũng thành thạo các công đoạn làm bánh. Người đổ bột, người tráng bánh, người phơi bánh, người buộc bánh. Tất cả đều được vận hành một cách trơn tru, không có động tác thừa nào. Những công việc tưởng chừng đơn giản vậy nhưng lại phải mất rất nhiều thời gian để thành thạo. Vì nó đòi hỏi cả sự tỉ mẩn và tình yêu nghề vào trong đó.

 Đường vào làng nghề với những phiên bánh tráng được phơi dọc đường

“Việc làm bánh bắt đầu từ 3 giờ sáng, 4 giờ là đổ bột cho tới chiều. Người nào làm việc đó. Mỗi ngày chúng tôi làm được 2.000 cái bánh, chủ yếu là bánh ngọt. Còn có bánh dừa nữa nhưng ai đặt mới làm. Nhìn thì đơn giản vậy, nhưng muốn đổ được cái bánh đều, dẻo, mịn phải học lâu lắm. Củi lửa cũng phải canh cho đều tay, rồi nhanh tay tráng đều. Chỉ cần chậm chạp một chút thôi là bánh sẽ bị dồn cục, không dẹt đều. Mà bánh Thuận Hưng nổi tiếng là trăm cái như một nên phải làm đến mức độ thuần thục rồi mới được như vậy” - bà Sáu chia sẻ.

Công việc tưởng chừng đơn giản như phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt, trước khi giao hàng.

Vất vả sớm hôm là vậy, nhưng tiền công lao động và thu nhập của những hộ sản xuất ở đây chỉ ở mức trung bình. Nguyên nhân là do chi phí cho việc làm bánh khá cao, nhất là chất đốt ngày càng hiếm, nhưng giá bánh thời gian gần đây vẫn giữ mức cũ. Hiện thu nhập ổn định của mỗi người làm công cho các cơ sở sản xuất từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày, còn chủ cơ sở bánh, mùa cao điểm, mỗi hộ có thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày cho khoảng 3 - 4 lao động gia đình cùng tham gia. Với số tiền đó, ít ai giàu lên nhờ tráng bánh, nhưng người dân ở đây vẫn gắn bó với nghề vì giữ nghề truyền thống, nghề đã theo cha ông 2 thế kỷ qua.

(Theo Nguyễn Lê/Làng Việt)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu