A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làng nghề Bánh tẻ Phú Nhi

Đến thị xã Sơn Tây, Hà Nội rồi đi khắp các nẻo đường từ Đường Lâm đến Phú Thượng, Phú Nhi,... hình ảnh quen thuộc mà du khách vẫn gặp là rất nhiều quầy bán bánh tẻ bán dọc hai bên đường. Bánh tẻ Phú Nhi không chỉ là sản vật của Sơn Tây mà đã là thương hiệu có tiếng tại Việt Nam, được du khách bốn phương biết đến.

 Món bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây) nổi tiếng gần xa.

Làng nghề làm bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Bánh tẻ vốn là loại bánh đã gắn bó với bà con nông dân từ rất lâu đời, vì nguyên liệu làm bánh chính là bột gạo tẻ, thứ lúa gạo mà người dân trồng được tại địa phương. Bánh tẻ thường được bán ở các chợ quê, là món ăn dân dã để thưởng thức hàng ngày. Vào các ngày lễ, Tết thì bánh tẻ được các hộ gia đình làm nhiều hơn để thành tâm thắp hương nhớ về tổ tiên của gia đình mình.

Hiện nay, sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp và nằm trong "chiến lược" là quà tặng ẩm thực gắn với du lịch Sơn Tây định hướng đến năm 2025, góp phần phát huy nét đẹp văn hóa của sản phẩm làng nghề.

Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đây cũng là Làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây. Đó chính là niềm tự hào của người dân quê khi đã gìn giữ và phát triển đặc sản của quê hương thành sản phẩm làng nghề bán được trên thị trường. Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu "Bánh tẻ Phú Nhi". Đó là một triển vọng và cơ hội để những người dân trong làng có thể tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Tại nhiều cuộc thi ở Hội chợ các sản phẩm làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội, bánh tẻ Phú Nhi cũng đã được trao tặng Huy chương vàng. Điều này khẳng định nét đẹp văn hóa và thế mạnh của nghề làm bánh tẻ nơi đây.

Hiện nay, bánh tẻ Phú Nhi được làm hàng ngày, các hộ dân trong làng đã năng động mở rộng thị trường phân phối bánh tẻ đến khắp Hà Nội, tham gia các lễ hội ẩm thực của Thủ đô. Ngoài ra, bánh tẻ còn được bán online cho khách hàng khắp nơi, bánh tẻ cũng là món quà quê tại các điểm du lịch của Đường Lâm như chùa Mía, đình Mông Phụ, đền Và...

Tuy nhiên, bánh tẻ là đồ ăn được làm thủ công nên thời gian sử dụng chỉ dùng được trong ngày hoặc 2 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh. Muốn đưa bánh tẻ đến tay nhiều thực khách hơn cần tìm ra cách thức để khắc phục được hạn chế này.

Để làm ra những chiếc bánh tẻ dẻo ngon, chân chất như tấm lòng của người nông dân làng Phú Nhi, các hộ gia đình làm bánh thường bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng. Công đoạn đầu tiên là ngâm gạo sau đến xay bột, làm nhân bánh, rửa lá rồi gói bánh. Bánh tẻ có nhân hành, mộc nhĩ và một ít thịt nạc thường được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Bánh được luộc và ăn trong ngày là ngon nhất.

Hộ gia đình sản xuất bánh tẻ Thanh Bình là nơi làm bánh tẻ nổi tiếng trong làng. Hàng ngày gia đình bà Bình vẫn nhận được nhiều đơn hàng khắp nơi nên người làm bánh làm không hết việc. Các bà, các chị thức khuya, dậy sớm để kịp làm những chiếc bánh tẻ phục vụ du khách khắp nơi. Cao điểm trong một ngày, Cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình làm được 5.000 chiếc bánh với sự tham gia của 20 nhân công trong làng. Nếu có hội chợ hay lễ hội hoặc dịp lễ Tết thì cơ sở này sẽ làm số lượng lên đến 10.000 bánh. Giá thành một chiếc bánh tẻ cũng rất bình dân (7.000 vnđ/1 chiếc) nhưng gói gém trong từng chiếc bánh là tấm lòng quê hồn hậu của người dân làng Phú Nhi. Bánh tẻ Phú Nhi có đặc điểm là dẻo vừa thơm ngon lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh tẻ Phú Nhi chính vì lẽ đó đã chinh phục được nhiều du khách trong và ngoài nước và trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây.

Bà Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình chia sẻ, gia đình bà có 3 thế hệ làm bánh tẻ, nghề vất vả nhưng đong đầy niềm vui khi người dân sống được với nghề, có thu nhập và hơn thế nữa là những chiếc bánh tẻ mang thương hiệu của làng nghề Phú Nhi đã đến được với người tiêu dùng khắp Việt Nam./.

(Theo Báo Ảnh Việt Nam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu