Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương
Ẩn kín đằng sau nó là một bài học quý giá đối với mọi người. Rằng trong cuộc sống “đừng dở dở ương ương cho người ta ghét”!
Câu tục ngữ khôn cho ngươi ta rái, dại cho người thương thuộc loại tục ngữ đối. Phép đối trong câu tục ngữ này theo hai bậc. Bậc đối thứ nhất là đối ý, trong đó khôn cho người ta rái đối với dại cho người ta thương. Bậc đối thứ hai là đối lời, trong đó khôn đối với dại và rái đối với thương. Nhờ có phép đối này mà ta có thể xác minh được nghĩa của từ rái, vốn chưa sáng rõ trong câu tục ngữ này. Theo phép đối, nhất là đối lời, nghĩa là rái phải trái với thương. Lần vào kho từ vận tiếng Việt, quả nhiên, chúng ta bắt gặp từ rái với nghĩa là sợ, hãi. Đó là một từ cổ còn được bảo tồn trong phương ngữ. Từ rái này cũng còn xuất hiện trong câu tục ngữ đối khác là yêu như chị em gái, rái như chị em dâu. Xác định được nghĩa của từ rái, thì tất cả mọi từ trong câu tục ngữ khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương đều trở nên sáng rõ và dễ hiểu.