A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về quê ăn giỗ

Nét đặc trưng của đám giỗ làng quê để ai đi xa cũng khắc khoải nhớ chính là dịp để nhớ về nguồn cội, họ hàng tụ họp quây quần, sợi dây ruột rà thêm gắn kết...

Mâm cơm cúng giỗ của một gia đình xứ Quảng. Ảnh: C.N

Ngoài những ngày tết thì đám giỗ là ngày luôn được mong đợi từ trẻ con tới người lớn. Không chỉ ngưỡng vọng người đã khuất, đám giỗ là dịp con cháu, họ hàng quây quần tụ họp. Chuyện mới chuyện cũ, chuyện đồng áng vụ mùa… sợi dây máu mủ ruột rà được gắn kết trong cái không khí chộn rộn mà vô cùng gần gũi và bình dị.

Người Quảng mình coi trọng cội nguồn, tổ tiên và quan niệm “người sống sao thì người mất cũng giống vậy”. Nếu như đám giỗ miền Tây linh đình, kéo dài, cuối ngày thường có nhiều trò để bà con làng xóm góp vui thì đám giỗ ở xứ Quảng lại ấm áp, thân tình và thường gói gọn trong bà con, dòng họ.

Năm nào cũng vậy, theo ngày ấn định cháu con tự khắc trở về mà không cần nhắc nhớ. Có nhà một năm đến gần chục cái giỗ. Giỗ nhỏ thì lo trước cả tuần, giỗ lớn lo trước đó hàng tháng.

Ang nếp mùa gặt trước để dành trong lu, con heo nuôi cả năm trời, đàn gà khi mới choai choai đã được nhắm dành cho ngày giỗ. Khi cái ngày được đánh dấu trên tờ lịch gần đến, những phụ nữ sẽ ngồi lại với nhau để bàn xem hôm đó nấu món gì cúng, món gì đãi khách.

Cái đặc trưng của đám giỗ làng quê để ai đi xa cũng khắc khoải nhớ chính là sự gần gũi, thân tình. Tờ mờ sáng, trong họ hàng đã có người đem qua con gà trống, mấy nải chuối mốc bày mâm trái cây trên bàn thờ, mấy hộp bánh để thắp nhang. Ai có gì góp nấy. Có nhà giỗ lớn, có nhà giỗ nhỏ nhưng mâm cúng đâu lúc nào thiếu dĩa xôi, cái bánh tráng nướng, một dĩa bánh quê đậm chất Quảng…

Trước hôm giỗ một bữa các bà các chị đã ra vườn cắt lá chuối, ngâm nếp, đãi đậu, chẻ cộng chuối làm dây buộc. Rồi ngồi tỉ mẩn gói từng chiếc bánh rò, bánh tét không nhân, bánh ú. Món thường có mặt trong mâm giỗ ở Quảng Nam mà không nơi nào có là xôi đường.

Nếp và đậu được nấu với đường đen, khi còn nóng hổi được ép vào khuôn gỗ vuông vức. Và lúc nào cũng vậy, bánh được gói thật nhiều để sau giỗ lại gửi người này người kia cái bánh, cục xôi đường đem về làm quà cho con cháu.

Ngày đám giỗ, đàn ông đã vác cuốc ra mộ từ sớm. Mộ phần đâu chỉ ở nơi bằng phẳng hay ruộng đồng, có những ngôi mộ nằm thắt thẻo nơi sườn núi khó đi. Đến dọn sạch cỏ, cắm những nén nhang ấm áp cho người đã khuất.

Trong bếp, phụ nữ phân chia mỗi người một việc. Người luộc thịt, người gói ram, người lo chặt ướp rồi nấu nồi nhưn mỳ Quảng thật ngon, người lo phần xắt bắp chuối, chuối cây để làm rổ rau sống… Trong mùi thơm của những củ nén được khử với dầu phụng, những câu chuyện rôm rả không ngừng.

Ngoài bàn nước, những ông bà già têm trầu uống trà. Vừa chẻ cau, quệt vôi vào lá trầu vừa kể những câu chuyện xa xôi, cũ càng. Họ kể về những tập tục đã mất đi, về những ký ức giăng mây trên đôi mắt đã mờ…

Chợt nhận ra rằng trong cái không gian của một buổi giỗ có nhiều cuộc đời đã được đan kết vào nhau. Người đã mất bằng nhiều hình thức, vẫn luôn hiện diện trong tâm thức của người đang sống.

Ấy là cái không khí chộn rộn chuẩn bị nấu nướng, là sợi dây máu mủ ruột rà đôi khi tưởng nhạt nhưng đến ngày giỗ quẩy được khơi lại ấm nồng. Tình thân gắn chặt, tụi con nít qua mỗi năm lại biết thêm về cội nguồn, về ông bà của mình. Và hằng năm lại thêm một ngày đáng để đợi mong ngoài tết nhất hay những ngày kỷ niệm…

Như Hiền/ Báo Quảng Nam


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu