Rau sắn muối chua dân dã mà lạ miệng của đồng bào Dao Đỏ
Mờ sán sui là cách gọi của đồng bào Dao đỏ Yên Bái về món rau sắn muối chua.
Từ nguyên liệu ngọn sắn non, bà con đã đem muối chua và chế biến ra những món ăn vừa dân dã lại vừa thơm ngon lạ miệng. Đây là món ăn độc đáo của đồng bào Dao Đỏ ở tỉnh Yên Bái.
Khi những cây sắn mọc chồi, ra lá non, cao khoảng 1m cũng là thời điểm bà con đồng bào Dao đỏ tỉnh Yên Bái tranh thủ làm món mờ sán sui (tức rau sắn muối chua), bởi đây là thời điểm ngọn sắn non, ngon nhất trong năm. Đồng bào Đao dỏ chỉ dùng 2 loại sắn để làm món mờ sán sui, đó là sắn xanh và sắn đỏ giống địa phương, tuyệt đối không dùng sắn cao sản vì dễ gây ngộ độc.
Tuy là món ăn khá đơn giản, nhưng để có một mẻ mờ sán sui có màu sắc bắt mắt, thơm ngon, đúng vị, thì nhất thiết phải qua khâu sơ chế cẩn thận. Thường bà con chỉ ngắt lấy phần ngọn và 1-2 lá bánh tẻ của cây sắn, không lấy lá già vì khi muối chua thường bị xơ dai không ngon. Ngọn sắn sau khi ngắt về đem rửa nước cho sạch nhựa, để ráo, sau đó đem thái nhỏ sắn với độ dài mỗi đoạn khoảng 2cm, bỏ vào chậu, thêm chút muối trắng để vò. Trong quá trình vò không nên quá mạnh tay, vì dễ làm nát và gãy rau sắn và món ăn cũng kém đẹp mắt. Khi vò sắn xong sẽ nắm từng nắm nhỏ, vắt bỏ hết phần nước ngái và nhựa, chuẩn bị công đoạn muối trong chum, vại.
Theo chị Bàn Thị Đức, thôn Khe Ván, xã Quang Minh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái: Vì lá sắn chứa nhiều nhựa, vị hơi đắng và ngái, nên cần bóp muối để sắn muối chua được mềm, vàng ngon:"Muốn mờ sán sui vàng, ngon thì bắt buộc phải bóp muối vắt bỏ nước đắng, ngái vừa giúp cho món mờ sán sui có màu vàng ngon, thơm hơn khi nấu. Món này khi muối chua màu sắc càng vàng thì càng thơm ngon, không có mùi ngái.
Muối chua là công đoạn quan trọng nhất quyết định mờ sán sui ngon hay không ngon. Phải dùng nước đun sôi để nguội khoảng 30 độ C, tuyệt đối không dùng nước lã để muối vì dễ làm mờ sán sui bị khú và không vàng màu, sau đó thêm chút muối vào nước ấm. Cho lá sắn đã vò vào chum nhỏ, hoặc vại ấn chặt, rồi mới đổ ngập nước, lấy chiếc đĩa nhỏ úp phía trên có tác dụng làm chìm lá sắn ngập hết nước. Miệng chum, vại được bịt kín bằng lá rong, hoặc lá chuối. Độ 1 tuần, sau khi kiểm tra thấy sắn muối lên màu vàng đẹp, có mùi thơm, không còn mùi ngái và mềm là nấu ăn được.
Mờ sán sui rất ngon khi nấu canh cá, xào cá suối, xào trứng, hoặc xào thịt băm…Đặc biệt mờ sán sui xào cá suối được bà con coi là món đặc sản. Để nấu món này ngon đúng vị, cá suối đem về mổ, rửa sạch ướp muối, kẹp nướng trên than củi cho vàng thơm, gỡ xuống băm nhỏ rồi mới đem xào mờ sán sui. Chị Lý Thị Mụi, thôn Sâm Trên, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, chia sẻ:
"Để mờ sán sui xào với cá suối được ngon hơn, cá khi nướng vàng phải băm nhỏ, để khi xào quện với mờ sán sui mới có vị thơm mà không có vị tanh của cá. Cá băm đảo qua mỡ lợn cho ngấm đều, sau đó mờ sán sui vắt bỏ nước cho xào cùng cá 8-10 phút là chín. Thử vừa muối thì tắt bếp bắc xuống, nêm chút mỳ chính cho vừa miệng. Mờ sán sui ngon nhất khi nấu với cá."
Các món được chế biến từ mờ sán sui rất hợp ăn với xôi, cơm trắng, bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều cảm nhận rõ vị hơi chua, càng ăn càng bùi và rất thơm. Chị Nguyễn Phương Linh, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, cho biết: "Lần nào đi công tác vùng đồng bào mình cũng đều mang về món rau sắn muối chua. Quả thực nấu cá rất ngon, không có mùi tanh của cá, mà hầu như mùi thơm của rau sắn muối chua đã khử hết phần tanh của cá, ăn rất ngon cơm. Mình rất thích món ăn dân dã của đồng bào Dao Đỏ."
Đến các bản làng người Dao đỏ vùng cao Yên Bái, đồng bào thường nấu món ăn với mờ sán sui để đãi khách, để du khách cảm nhận hương vị núi rừng thêm đủ đầy. Đây cũng là nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Dao Đỏ.
(Theo VOV5)