Nhớ mùa sung xưa
Tuổi thơ và sung
Cạnh ao cá cây sung nhà tôi rợp lá, xanh rì, soi bóng nước mát rượi. Bố tôi bảo, nó được trồng từ khi bố về sống chung với mẹ. Độ giữa hè, quả sung bắt đầu lúc lỉu từng chùm. Chỉ sau một đêm không để ý, sáng mai đã thấy chi chít những quả bám đầy thân cây. Không hiểu do giống sung bố lấy từ miền Bắc vào hay do tay bố lành như mọi người ở quê thường nói, mà cây sung của nhà tôi rất đặc biệt. Quả tròn khá nhỏ so với các cây sung khác. Khi ăn có vị chát nhẹ, giòn tan, đặc biệt rất ít nhựa. Chính nhờ những “ưu điểm” đó mà đến mùa sung tụi trẻ con lại bám chặt lấy cây sung nhà tôi không rời.
![]() Sung muối |
Trưa nắng rát bỏng, chẳng còn gì thú vị hơn khi được ngồi dưới gốc sung chụm đầu kể chuyện, chơi trò dân gian. Cuộc chơi tàn cũng là lúc bụng réo sôi vì đói. Và cách chống đói tạm thời lúc đó là những chùm sung căng tròn, giòn tan. Chỉ cần đưa tay với nhẹ cũng đủ cả nhóm ăn. Thời trẻ con háu ăn, hái sung xong quên cả việc phải rửa sạch, cứ thế lấy quả sung chà vào vạt áo rồi cho lên mồm ăn ngon lành. Tôi đã không biết bao nhiêu lần bị bố mẹ mắng vì tội để nhựa sung bám đầy áo.
Bên những chùm sung có bao nhiêu chuyện xảy ra lúc đó. Tôi đồ rằng nếu giờ nhắc lại tụi bạn xưa sẽ cười ngất ngư. Tôi nhớ cái Hiên là đứa có trí tượng tượng phong phú nhất đám. Nhìn những quả sung đang đeo bám thân cây nó ví von rằng chúng như những chú lợn con đang leo trèo. Thằng Tín cãi lại, đã là lợn thì phải có thêm chân nữa chứ? “Chân lợn nó giấu vào trong bụng rồi”, Hiên tinh tướng bảo vệ quan điểm của mình. Cứ thế, hai đứa tranh luận cho tới khi tan hội.
Những ngày sung ra quả, mỗi sớm mai tôi lại thấy bà ra thăm cây. Gắng hỏi chuyện, mắt bà rơm rớm kể lại. Ngày xưa nhà bà nghèo lắm. Bữa cơm nào cũng hiện diện quả sung làm thức ăn. Và thời quá cố, ông cũng rất thích ăn sung. Tôi biết, bà đang nhớ ông, hồi tưởng về chuyện xưa, thương xót một thời gian khó vất vả! Rồi bà ví von, những chùm quả xanh non, tròn xoe bám đầy từ thân đến ngọn kia, điều đó hi vọng một mùa no ấm và đủ đầy. Và tôi tin lời bà nói là đúng.
Món ngon từ sung
Nhắc tới sung mà không nhắc tới sung muối quả là một điều thiếu sót. Nó còn gợi nhớ về quê hương nghèo khó và rất đỗi đằm thắm tình nghĩa. Cách muối sung cũng khá đơn giản. Hái sung có độ già vừa phải vào rửa sạch, phơi nắng độ một tới hai giờ đồng hồ cho vào vại sành cùng với nước đun sôi để nguội. Chỉ vài ngày sau, sung chuyển sang màu vàng là ăn được. Sung muối có thể kết hợp với bát canh rau vặt. Cứ tới buổi ăn, nếu nhà ai chưa chuẩn bị được vại sung muối thì ới ngay nhà bên cạnh và vô tư nhận những bát sung ngon lành. Từ quả sung chua chát mà có tình làng gắn bó keo sơn, thân thiết.
Ngoài quả sung, lá sung còn là một loại rau khá ngon, được người dân ưa chuộng như lá sung ăn kèm với nem nắm hoặc nem tai. Hay lá sung non để ăn kèm với bánh tẻ. Có người lại thích ăn lá sung hơi già một chút, trên gân lá có đính kèm các mụn cóc nhỏ. Họ bảo ăn những cái nốt ấy sần sật ngòn ngọt rất ngon! Trong mâm cơm, khó có thể cưỡng lại nổi nắm nem tròn vo màu vàng sậm nổi bật trên nền xanh của lá sung, nền trắng của đĩa sứ. Những lá sung dày cuộn chặt các loại rau thơm và miếng nem tai thơm nức mùi thính, chấm vào bát nước mắm pha có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, giữa rất nhiều gia vị, ta vẫn nhận ra vị riêng của lá sung, thoảng chát mà rất bùi.
Bây giờ về quê chẳng thấy mấy nhà còn muối sung. Bữa cơm được thay thế bằng những thức ăn ngon, lạ khác. Vẫn còn sở thích như xưa, nhà tôi vẫn giữ nguyên cây sung cũ. Cứ mỗi độ về đúng dịp mùa sung, tôi với đám cháu lon ton chạy ra khều bọc sung rồi chấm muối ớt. Thời đại của công nghệ, tôi chụp một vài bức hình tag tên lũ bạn ngày xưa trên facebook. Chúng nó “nhảy” vào bình luận rôm rả, nhớ thời con nít ngây ngô. Khi đó, tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất. Bởi vẫn còn được thưởng thức thức quà tuổi thơ!
Quyền Văn (LVO)