Nhớ hoài bánh ít lá gai
Đó là bánh ít lá gai, được chế biến từ một phần nguyên liệu lá gai. Loại lá hơi sần, xốp, khô khô thoạt nhìn giống như lá dâu tằm và mọc khắp các ngõ quê. Chiếc bánh hình tháp đó tượng trưng cho vùng có nhiều tháp Chăm, một hình tượng của xứ Đồ Bàn. Không phải ngẫu nhiên người xưa đặt tên cụm tháp Chăm ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước) là tháp Bánh Ít. Đó là 5 ngọn tháp sừng sững hàng trăm năm đứng vững, trường tồn, mặc cho thời gian và phong ba bão táp.
![]() |
Câu chuyện về bánh ít lá gai cũng không kém phần thú vị. Chuyện rằng, có người đàn ông ngày ngày mang bánh ra chợ bán, nhưng loại bánh không biết tên là gì. Một hôm, một người phụ nữ đến mua và nói: “Bán cho tôi ít cái bánh về mẹ chồng tôi ăn thử”. Người bán bánh chợt nghĩ ra cái tên “bánh ít” cho thứ bánh của ông ta. Theo ông bán bánh, bởi vì lâu nay người mua chỉ nói mua về cho con, không ai nói mua về cho mẹ. Nay có duy nhất một người nói mua về cho mẹ chồng, ít có người hiếu thảo với mẹ chồng như vậy, nên tôi đặt tên là bánh ít, hay bánh hiếu thảo.
Khi làm bánh, cần chọn những lá gai có màu xanh tươi, lớn vừa phải để trộn vào bột bánh không bị lợn cợn. Lá gai trước khi chế biến phải rửa sạch, luộc chín, vắt khô sau đó cho vào cối quết nhuyễn. Gọi là quết vì là cần nhuyễn như bột nên phải giã lâu. Công đoạn này khá vất vả vì nếu giã nhuyễn thì bánh ăn sẽ mềm mịn hơn. Tiếp theo bỏ gạo nếp và đường vào giã quyện vào nhau. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức để có những chiếc bánh thơm ngon. Gạo nếp được vo sạch, ngâm nước và giã thành bột. Bột nếp được lọc lại nhiều lần để có một màu trắng mịn. Công đoạn làm nhân bánh bao gồm hỗn hợp đậu xanh, đường, dừa và thêm một chút vani cho thơm. Đậu xanh đãi vỏ, đem nấu rồi xay cho thật nhuyễn. Cùi dừa bào thành sợi, xào chung với đường và đậu xanh rồi vo thành viên. Khi đã xào nhân xong, người gói sẽ ngắt một miếng bột nếp, xòe mỏng thành hình tròn trên lòng bàn tay rồi cho nhân vào chính giữa, túm bốn bên lại cho khít, vo tròn. Để bánh khỏi dính, người ta chấm một chút dầu, xoa đều trên tấm lá chuối xanh và gói lại theo hình tháp. Kế đến, cho bánh vào nồi hấp chín. Có nơi người ta đem hấp bánh trần đến khi bánh chín mới gói lại để giữ màu xanh của lá chuối. Lúc ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra chiếc bánh ít lá gai đen bóng, hấp dẫn.
Bánh ít lá gai thường làm món ăn tráng miệng cho mọi người, vừa ăn bánh vừa nhâm nhi ly trà nóng mới cảm nhận được hết cái ngon, cái tao nhã của loại đặc sản này.
Ngày nay, tuy thị trường có nhiều món bánh hiện đại, ngon, rẻ và bổ dưỡng hơn nhiều song người dân Bình Định vẫn không quên được bánh ít lá gai. Đây cũng là nét riêng trong văn hóa ẩm thực và văn hóa ứng xử của người Bình Định.
(Theo LangVietOnline)