Ngày xưa đậu đỏ…
Có những hương vị thân quen chỉ vừa nghe ra thôi đã khiến người ta như thấy cả một miền thương nhớ. Với tôi, khung trời kỷ niệm dịu dàng của tuổi thơ nơi quê nhà có thể tượng hình ngay trong tâm trí bởi vị bùi thơm của những hạt đậu đỏ ngày xưa…
Nhà tôi ở cạnh sông Quế Phương, một trong hai nhánh chính hợp lưu nên con sông Tiên “nước chảy ngược dòng” huyền thoại. Ở nơi ấy, ba mẹ tôi có miếng rẫy liền với nà đất sát cạnh bờ sông. Rẫy ngày xưa trồng sắn, giờ trồng keo. Còn nà đất thì bao nhiêu năm rồi ba mẹ tôi vẫn dành riêng để trồng đậu đỏ.
Tôi nhớ mỗi năm khi ra giêng, cả nhà tôi lại vào nà đất ấy. Ba cuốc đất, mẹ đánh hàng, tôi trỉa đậu. Dòng Quế Phương mùa xuân nước đầy và xanh biêng biếc, soi bóng những ngọn đồi, quả núi nhấp nhô. Nà đậu cũng lớn nhanh như thổi, vừa làm cỏ, hái ngọn về luộc đó mà đã cho trái lúc lỉu đầy cành. Mùa hè đến, tôi lại theo ba mẹ vào sông hái đậu đem về.
Đậu năm nào cũng trúng. Hình như dòng Quế Phương dù chẳng phải là sông lớn nhưng vẫn cứ hào phóng gửi lại phù sa những nơi đã đi qua để rồi cây đậu, đám lang người ta trồng cứ quanh năm xanh tốt. Đậu đỏ năm nào cũng nhiều nhưng mẹ chẳng bao giờ bán. Đậu hái về mẹ làm sạch, chọn trong những hạt đẹp nhất một phần đem cho hàng xóm, phần còn lại để làm giống mùa sau và để dành trong nhà khi rỗi rãi làm món này, món kia.
Nhưng nào phải đợi đến lúc được mẹ làm cho, đậu hái về anh em tôi đã có thể tự chế biến cho mình những món rất thú vị. Dễ và nhanh nhất là món đậu đỏ nướng. Lựa những trái đậu tươi, vỏ còn xanh hoặc mới ngả vàng, chỉ vài phút nướng trên than củi là đã có những trái đậu nướng thơm phưng phức với từng hạt đậu bùi ngon đến lạ lùng.
Đậu thì có hàng chục loại nhưng hình như chỉ có đậu đỏ mới nướng được. Còn nếu thêm loại đậu nào khác có thể nướng thì với tôi cũng chẳng thể nào ngon bằng đậu đỏ. Món ấy ngon trước hết bởi màu hạt đậu khi đỏ nhạt khi đỏ tươi rất thích mắt. Và còn ngon nữa bởi trong đó có biết bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi.
Đậu đỏ hái về, anh em tôi thường ngồi lựa số trái còn tươi trước khi đem phơi. Ngoài để nướng còn để xáo (“số”) cơm. “Số” cơm là một cách gọi đặc sệt tiếng Quảng ở quê tôi cho món cơm ghế. Đậu lột xong, đem rửa sạch, nếu cần có thể luộc sơ qua cho bớt hăng rồi vo chung với gạo và bắc lên bếp nấu.
Cơm đậu đỏ màu rất đẹp, vị thơm và bùi, ăn với món gì cũng hợp vị và ngon. Bây giờ, mỗi lần nhớ vị quê xưa, tôi lại đi mua lon đậu đỏ, về luộc kỹ rồi mới cho vào nồi cơm điện, mà vẫn không sao tìm lại được cái dẻo bùi thơm ngọt của những bữa cơm “số” đậu đỏ ngày ấy.
Ngày xưa ấy, điều mà tôi chờ đợi nhất mỗi lần hái đậu về chính là nồi chè đậu đỏ. Đứa trẻ con nào mà chẳng thèm ngọt. Tôi đã từng háo hức chờ từ trưa đến tối, khi vầng trăng từ ngọn núi mờ xa về treo lơ lửng trên cành bưởi trước sân nhà, chỉ để được ngồi thưởng thức món chè đậu đỏ của mẹ. Nào có gì cầu kỳ đâu. Chỉ là lon đậu với nửa bát đường đen, vài lát gừng thôi mà sao ngon đến lịm cả người.
Đậu đỏ phơi khô, mẹ cho vào các chai thủy tinh, lấy lõi bắp khô nhét cho chặt rồi cất kỹ nơi góc nhà. Mẹ nói phải nhét kỹ để đậu không bị mọt. Rồi những ngày mưa dầm hay mỗi khi có giỗ tết, mẹ lại mang ra, làm cho chúng tôi biết bao nhiêu món lạ. Nào bánh ú đậu đỏ, cháo đậu đỏ, xôi đậu đỏ; nào đậu đỏ làm nhân mít hông, làm bánh in, bánh đùn, đậu đỏ hầm xương… Tất cả đều bùi ngon đằm thắm như yêu thương ngọt ngào từ tấm lòng thơm thảo của mẹ tôi.
Chiều nay về thăm quê, tôi chưa vội về nhà mà dạo theo dọc bờ sông Quế Phương, đi chân không qua những vạt cỏ thơm mềm, nghe tiếng nước rì rào giữa chập chùng đá to đá bé. Vào thăm lại rẫy keo, nà đậu ngày xưa. Nhìn những thân đậu khô xơ xác, tôi biết mẹ vừa thu một mùa đậu đỏ. Và biết rằng tối nay mình lại được thưởng thức những món ngon mẹ nấu từ ngày xưa, những ngày xưa đậu đỏ thương mến…
PHẠM KHÁNH NGÂN/ Báo Quảng Nam