Dẻo thơm gạo nếp vùng cao
Ở vùng cao Tây Bắc, có những vùng đất từ lâu là nơi có đặc sản gạo nếp dẻo thơm và thương hiệu được chắp cánh bay đến nhiều nơi trên khắp cả nước. Những hạt nếp trắng tròn, dẻo thơm đã trở thành món quà hấp dẫn đối với du khách sau mỗi hành trình du lịch trở về...
Những “hạt ngọc trời”
Không phải gạo nếp ở vùng đất nào cũng được nhiều nơi biết đến và trở thành đặc sản nổi tiếng, để mỗi khi nhắc đến vùng đất ấy là người ta sẽ nhớ đến và gọi tên. Ở các tỉnh vùng cao khu vực Tây Bắc hay trung du, một số gạo đặc sản của đồng bào DTTS đã gắn liền với địa danh, như gạo nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn, Yên Bái), gạo nếp gà gáy Mỹ Lung (huyện Yên Lập, Phú Thọ), gạo nếp nương Điện Biên (Điện Biên), gạo nếp quạ đen (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), nếp cẩm Lai Châu…
Những sản phẩm nông nghiệp này được đồng bào các dân tộc ở vùng cao gìn giữ, gieo trồng từ bao đời trên những triền núi cao hay ruộng bậc thang, trong khí hậu quanh năm mát mẻ, hấp thụ bao tinh tuý của nắng gió, của nước suối trong mát, của màu mỡ đất đai và đôi bàn tay cần cù chăm sóc của người dân vùng cao...làm nên những hạt nếp trắng tròn, dẻo thơm.
Ở vùng cao, đồng bào các dân tộc thường chỉ cấy một vụ trong năm nên đất đai và thổ nhưỡng nơi đây, rất thích hợp với việc trồng những giống lúa nếp là giống bản địa, không lai tạp, sinh trưởng tốt.
Những đặc sản gạo nếp vùng cao, có những đặc tính khác biệt so với những loại gạo nếp thông thường. Gạo nếp nương Điện Biên có hạt gạo trắng, thon dài, gạo nếp Tú Lệ hạt tròn, màu trắng trong, thoạt nhìn sẽ không biết đấy là gạo nếp. Còn gạo nếp gà gáy ở xứ Mường Mỹ Lung (Phú Thọ) thì hạt trắng tinh, tròn; nếp cẩm Lai Châu thì màu đen tuyền. Những loại gạo này có hương thơm lừng lựng trước và sau khi đồ xôi. Đặc biệt, khi muốn đồ xôi, có loại chỉ cần ngâm trong nước chừng 30 phút, là có thể cho lên chõ. Khi chín, hạt xôi căng bóng, không dính tay, dẻo thơm hấp dẫn.
Làm nên bản sắc văn hoá
Ở mỗi vùng miền, đặc sản gạo nếp đã góp phần quan trọng làm nên những nét văn hoá mang đậm bản sắc của người vùng cao. Trong đó, vốn văn hoá ẩm thực của người vùng cao không thể thiếu gạo nếp, vì đó là nguyên liệu chính để làm nên những món ăn đậm đà dư vị.
Trong bữa ăn, trong những nghi lễ, hội bản, món xôi là tâm điểm của mâm cỗ. Đây cũng là lễ vật quan trọng để người vùng cao dâng cúng thần linh, tổ tiên, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của mình. Đồng thời, vào những ngày lễ trong năm như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, tết Nguyên đán, người vùng cao thường sử dụng gạo nếp để gói những món bánh như bánh chưng, bánh rợm, bánh giày, bánh lẳng… Ngoài ra, món cơm lam, cốm rang vốn từ lâu đã trở thành đặc trưng ẩm thực ở vùng cao.
Nét văn hoá gắn với hạt gạo nếp của người vùng cao được thể hiện tinh tế và độc đáo qua món xôi ngũ sắc. Nhờ sự sáng tạo, khéo léo trong sự kết hợp giữa các màu lá tự nhiên khác nhau, từ lâu, người vùng cao đã sáng tạo ra món xôi ngũ sắc vừa đẹp mắt bởi 5 màu sắc hài hoà, tự nhiên.
Xôi ngũ sắc gắn với triết lý sâu xa của đồng bào vùng cao, tượng trưng cho ngũ hành trong quan niệm dân gian. Đó là màu trắng (kim), màu xanh (mộc), màu đen (thuỷ), màu đỏ (hoả), màu vàng (thổ). Người vùng cao luôn cho rằng, cuộc sống cần có sự hài hoà của 5 màu trên để con người, vạn vật luôn khoẻ mạnh, tươi tốt và phát triển tự nhiên.
Để làm nên những đĩa xôi ngũ sắc, người vùng cao lặn lội lên rừng tìm hái những lá cây, ra vườn nhà tìm đào những củ nghệ vàng, nấu lên, giã, vắt lấy nước để ngâm với gạo nếp rồi đồ lên sẽ thành xôi màu rất đẹp.
Gạo nếp còn là vật không thể thiếu để người vùng cao diễn xướng những nghi lễ, lễ hội trong năm. Điển hình như lễ Mừng cơm mới, lễ cúng Rừng thiêng, lễ hội Cốm, lễ cưới hỏi, tết Thanh minh, lễ hội Lồng tông, lễ hội Gầu Tào…Tuỳ từng đặc trưng của lễ hội, đồng bào vùng cao chế biến các món xôi khác nhau để vừa làm lễ dâng cúng đất trời, vừa để thưởng thức.
Đặc biệt, mỗi khi mùa Thu về, đồng bào ở vùng cao Tây Bắc rộn ràng tổ chức lễ hội cốm để đón mừng mùa màng bội thu. Khi những bông lúa còn đẫm sương đêm, trắng trong màu sữa, người dân đi ngắt lúa về, cho lên sấy trên bếp lò, rồi rang trên chảo, giã cho bong vỏ chấu rồi sàng sảy để được những mẻ cốm xanh tươi, toả nức hương thơm.
Từ những hạt cốm dẻo thơm, người vùng cao chế biến thành những món ăn độc đáo, như cốm lam ống nứa, xôi cốm, bánh cốm, cháo cốm vịt. Có biết bao quan niệm, bao phong tục với bản sắc văn hoá được trao truyền từ bao đời mang lời ăn tiếng nói của người vùng cao gửi gắm cả vào những hạt nếp dẻo thơm.
Ông Cổ Hữu Cường, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Lễ hội cốm là hoạt động văn hoá cổ truyền của dân tộc Tày vùng Nghĩa Đô mỗi khi mùa Thu về. Hạt lúa nếp đã trở thành nguyên liệu quan trọng để làm nên bản sắc văn hoá trong lễ hội”.
Gắn với phát triển du lịch
Từ những đặc sản nếp thơm ở một vùng, gạo nếp vùng cao đã toả hương khắp mọi miền, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi dừng chân khám phá vẻ đẹp của những vùng đất xa xôi. Khi đến những vùng đất như Tú Lệ, Mai Châu, Điện Biên, Mường Lò, Mộc Châu…, du khách ngoài tham quan vẻ đẹp thiên nhiên còn khám phá vốn văn hoá ẩm thực để có những trải nghiệm thú vị.
Những món ăn được chế biến từ gạo nếp đã trở nên hấp dẫn du khách tại các địa điểm du lịch như xôi ngũ sắc, cơm lam, cốm, bánh chưng gù, bánh giày, xôi nếp cẩm, rượu mọng… Độ dẻo thơm hoà vào vị ngọt của gạo đã làm nức lòng du khách mọi miền.
Bà Lò Thị Hoa, dân tộc Thái (xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái), chủ một Homestay chia sẻ: Khách du lịch rất thích món xôi xếp Tú Lệ, nên hằng ngày gia đình đều đồ xôi để phục vụ cho khách thưởng thức. Đặc biệt, kết thúc mỗi hành trình du lịch, sản vật được khách mua về làm quà là gạo nếp.
Những năm gần đây, phát triển sản phẩm du lịch địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã là một sản phẩm” (OCOP), đã góp phần bảo tồn, nhân rộng sản phẩm gạo nếp đặc sản của các địa phương. Nhờ vậy, sản phẩm gạo nếp đặc sản một lần nữa được chắp cánh và quảng bá thương hiệu để vươn tới những miền xa.
Nguyễn Thế Lượng/ baodantoc.vn