A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chè sắn- bài thuốc dân gian của làng quê Việt

Bát chè sắn nóng với màu nâu của đường phên, chè trong, sắn mềm bở nhưng không nát, miếng sắn ngấm được nước đường, chè có mùi thơm đặc trưng của gừng, của bột sắn dây chút thoang thoảng của dừa nạo, vị ngọt nhẹ và mát của đường. Là món ăn dân gian với cách chế biến đơn giản, sau bữa cơm chiều quây quần bên gia đình, có một bát chè sắn nóng tráng miệng thì quả không còn gì thú vị bằng.

Chè sắn nóng - bài thuốc dân gian của làng quê Việt Nam.  

Sắn là loại củ được coi là một loại lương thực của làng quê Việt Nam, cũng giống như khoai, lạc , ngô…. Ở mỗi vùng miền khác nhau thì loại củ này lại có tên gọi khác nhau, như ngoài bắc gọi là củ sắn còn trong nam được gọi là củ khoai mì. Sắn được thu hoạch vào mùa đông xuân,  dân gian coi sắn như một thứ thuốc chữa bệnh bởi sắn vị ngọt, tính mát, có công dụng giải nhiệt thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao… chính những tác dụng trên nên sắn đã được các đầu bếp Việt tinh tế đưa vào để làm những món ăn giúp tăng sức khỏe cho người dùng, một trong những món ăn được người Việt Nam coi như một thứ quà đó chính là chè sắn nóng.  

Sắn chọn củ mập, chắc đem về khía vòng quanh thân cho dễ bóc vỏ, cắt khúc, rửa sạch và đem ngâm nước muối khoảng 2 giờ để loại bỏ bớt độc tố. Trong thời gian ngâm, khi thấy nước đục nên thay nước mới để sắn ra sạch nhựa nhanh hơn. Rửa lại sắn với nước sạch vài lần sau đó cho vào nồi, thêm một chút muối, đổ nước ngập sắn luộc đến khi chín tới thì vớt ra. Tách củ sắn làm đôi theo chiều dọc, bỏ xơ ở giữa và cắt thành từng miếng vuông nhỏ. Ướp sắn với đường 2 giờ cho ngấm, thêm khoảng 1 bát con nước rồi nấu sắn trên bếp vừa đến khi nước cạn và đường cô lại. Mục đích giúp đường ngấm và miếng sắn có độ dẻo hơn, khi nấu không bị vỡ nát.  

 Nguyên liệu nấu chè sắn gồm có sắn bở, gừng, đường và dừa

Gừng tươi rửa sạch, một phần thái sợi, số còn lại giã nhỏ. Cho đường vào nồi đun đến khi đường nóng chảy ngả sang màu vàng mật thì đổ nước và gừng vào đun sôi, khuấy đều cho đường tan hoàn toàn. Tiếp theo cho sắn vào đun cùng, cho nhỏ lửa, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của từng người. Hòa lẫn bột sắn dây với một ít nước lọc rồi rưới từ từ bát nước bột vào nồi chè, khuấy nhẹ tay để bột hòa với chè đến khi sánh đặc lại, nồi chè sôi lục bục là được. Múc chè ra bát, rắc dừa sợi lên trên để tăng phần hấp dẫn. Nếu muốn vị béo hơn có thể thêm chút nước cốt dừa sẽ rất ngon miệng.

Trần Thanh Giang/ Báo Ảnh Việt Nam

 

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu