Bánh trứng kiến – Độc đáo đặc sản Cao Bằng
![]() Lần đầu ăn bánh trứng kiến thực khách có thể cảm thấy hơi ngai ngái song sẽ nhanh chóng bị chinh phục chỉ sau vài lần thưởng thức |
Chuyện kể rằng, xưa ở một bản Tày nọ có một gia đình người Tày kén rể cho con gái. Cha cô gái ra điều kiện nếu chàng rể nào mang đến lễ một thứ bánh ngon, lạ và vừa ý với ông thì sẽ được lấy con gái ông về làm vợ. Các chàng trai con nhà quyền quý trong bản và các bản khác thi nhau chế biến các món bánh như bánh dày, bánh trưng, bánh dợm, bánh lẳng, bánh gio… để đi hỏi vợ. Duy chỉ có một chàng trai nhà nghèo, không có điều kiện để làm những thứ bánh trên, anh bèn cầm dao lên rừng tìm kiếm xem có loại củ quả nào có thể làm bánh được.
Đi lên rừng sâu, anh nhìn thấy một tổ kiến to bám trên thân cây. Anh nghĩ, nếu nhộng ong, nhộng tằm ăn được huống chi nhộng kiến sao không ăn được. Vì thế, anh trèo lên chặt tổ kiến xuống, bổ ra thấy trong đó toàn những nhộng non trắng tinh. Anh bèn nghĩ ra sáng kiến dùng nhộng kiến rang thơm lên để làm nhân bánh nếp. Không ngờ khi mang bánh đến hỏi vợ, ông bố cô gái bỏ qua tất cả các thứ bánh quen thuộc mà khen tấm tắc món bánh trứng kiến của chàng trai nghèo và đồng ý gả con gái cho anh. Từ đó đến nay, người Tày vùng Tây Bắc chế biến món bánh trứng kiến trong những dịp lễ quan trọng.
Ngoài thành phần nguyên liệu không thể thiếu là trứng kiến đen, người Cao Bằng thường sử dụng bột nếp nương và lá vả để gói bánh. Thoạt nghe tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để có được chiếc bánh ngon, có đủ các vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hành, vị bùi của lá vả đòi hỏi người làm bánh phải có nhiều kinh nghiệm.
Ngay như trứng kiến, không phải loại trứng kiến nào cũng có thể ăn được. Người dân ở đây chỉ lấy trứng kiến lành, làm tổ ở trên cây như cây xoan, cây quế, cây găng… Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài, khi nào lớp màng trắng phủ đều ngoài lá thì trứng kiến bên trong sẽ rất nhiều và ở độ căng tròn mọng sữa. Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, kích cỡ bằng hạt gạo. Sau khi rửa sạch, trứng kiến được xào nấu với chút hành phi và một chút muối. Nếu có trứng kiến nguyên chất món ăn sẽ rất đậm vị. Tuy nhiên, do sự khan hiếm của nguyên liệu trứng kiến ngày nay người ta thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân.
Bột để làm bánh là bột nếp nương có pha thêm một tỉ lệ nhất định bột gạo tẻ làm tăng chất lượng bánh. Sau khi nhào nặn, bột nếp sẽ được dát mỏng cỡ nửa phân rồi rắc trứng kiến lên trên tiếp đó là áp lá vả lên phần nhân bánh. Sau cùng bánh được hấp cách thủy khoảng 30 – 45 phút là chín. Để có được chiếc bánh ngon đúng điệu, người dân ở đây thường chọn loại lá bánh tẻ để khi hấp lên lá vẫn giữ được vị thơm mà không bị dai quá hay chóng nát.
Hiện nay, trứng kiến Cao Bằng đang được liệt vào hạng cao lương mĩ vị. Ngoài giá trị dinh dưỡng đã được nhiều người biết đến, bánh trứng kiến chinh phục người ăn bằng vị dẻo thơm, bùi bùi được làm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên. Ngày nay, để tìm được những nguyên liệu có thể làm được món bánh đặc sản này, người dân phải mất 1 ngày đi rừng. 1 tổ kiến cũng chỉ cho ra tầm 1, 2 chén trứng. Chính vì độ khan hiếm của nó mà món bánh này càng ngày càng trở thành món ăn không thể thiếu của nhiều khách du lịch mỗi dịp đến Cao Bằng vào khoảng tháng 4, tháng 5.
Khánh Vân (Theo Làng Việt)