A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bánh nhỏ ẩn chứa tình mẫu tử của người Cao Lan

Những chiếc bánh chim Gâu với hình dáng nhỏ xinh, mà người Cao Lan làm ra, tựa đôi cánh to lớn của chim mẹ, bao bọc che chở cho đàn con.

Bánh chim gâu là loại bánh có vỏ bọc ngoài bằng lá dứa rừng, được đan rất tỉ mỉ thành hình con chim gâu (hay chim cu gáy). Ảnh: qdnd.vn 

Trong nền ẩm thực đa dạng và tinh tế của người Cao Lan, món bánh chim Gâu  là thức ăn mộc mạc và vô cùng dân dã.Vị lạ lùng của lá dứa cùng với hương thơm ngào ngạt của gạo nếp mùa lúa mới khiến bánh chim Gâu trở thành món ăn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Món ăn ấy được các bà, các chị người Cao Lan gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay.

Bánh chim Gâu (bánh hình con chim cu gáy) của người Cao Lan là loại bánh làm từ gạo nếp gói trong lá dứa rừng. Đây là món ăn dân dã, thích hợp cho những người đi làm nương, rẫy và những người đi xa.

Nghệ nhân Đào Thị Dung, người Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết:  "Bánh chim Gâu từ sự tích nàng Slau Slam. Nàng Slau Slam đang đi trên đường thì thấy con chim Gâu chết ở rìa đường với cái diều căng cứng đầy hạt vừng. Cách đó không xa là tiếng kêu yếu ớt của chim non trong bụi dứa rừng. Nàng nhận ra chim mẹ chết do hạt vừng trương lên trong diều, khiến chim mẹ tắc thở trước khi kịp mang hạt về cho con. Rơi lệ trước tình mẫu tử thiêng liêng của chim mẹ và chim con, Slau Slam đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non, sau đó dùng lá dứa đan làm giỏ đưa chúng về nhà nuôi. Rồi nàng nghĩ con chim còn có tình mẫu tử như thế, nữa là con người. Từ đó, nàng truyền lại cho người Cao Lan chúng tôi làm loại bánh này. Mỗi lần đi thăm con, thăm cháu, những ngày lễ hội, ngày xuống đồng, người Cao Lan đều ăn bánh này, tượng trưng cho tình mẫu tử. Đã gọi là bánh chim Gâu là phải dùng lá dứa. Sự tích bánh là như vậy".

Để làm được bánh chim Gâu, người Cao Lan phải lên rừng hoặc đồi cao tìm lá dứa rừng, loại lá được người Cao Lan ưa thích vì tin rằng lá này sẽ tạo được vị thơm ngon cho bánh. Lá dứa sau khi được rửa sạch, phơi khô, sẽ được tước phần gai, chẻ thân cứng đi cho mềm, sau đó được các bà, các mẹ khéo léo đan thành hình những con chim Gâu nhỏ xinh, rỗng ruột.

Gạo nếp nương đã chọn lọc, đem vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối cho đậm đà, sau đó được nhồi vào trong vỏ bánh.

 -Cô ơi, nãy giờ ta đã làm xong vỏ bánh rồi thì ta sẽ làm nhân bánh như thế nào ạ?

-Gạo và đỗ xanh ta đã ngâm rồi thì bây giờ ta sẽ nhồi đây nhé. Các cháu lấy vỏ bánh ra, tách vỏ bánh như thế này rồi cho nhân vào. Từ từ như thế này. Không vội được.

- Gạo và đỗ trước đó ngâm bao lâu thì được?

- Ngâm chừng 1 tiếng.

- Ta có cho gia vị gì vào nữa không?

- Có thêm muối thôi.

- Khi cho gạo vào vỏ bánh, ta có nên cho đầy hay không?

- Chỉ cho vừa đủ, đừng đầy quá.

Khi bánh đã thành hình con chim Gâu nhỏ, sẽ được đặt vào nồi và nổi lửa để luộc. Để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình luộc bánh, các bà, các chị phải giữ cho lửa đều và bổ sung nước thường xuyên để bánh luôn ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 giờ luộc trên bếp liên tục. Cuối cùng, bánh được vớt ra nong hay nia, để ở chỗ thoáng cho nguội và ráo nước, trước khi cắt đôi từng chiếc để cả nhà thưởng thức.

Tùy từng sở thích của gia đình và từng người thực hiện mà bánh được làm đơn giản hay cầu kỳ. Nếu đơn giản, bánh chỉ gồm gạo nếp và muối. Còn cầu kỳ hơn, các bà, các mẹ có thể trộn thêm một ít đậu xanh hay thịt, hoặc nhuộm gạo thành nhiều mầu bằng các loại lá cây rừng để tạo nên sự phong phú cho hương vị bánh.

Chị Hoàng Thị Tự, người Cao Lan ở Yên Bái, cho biết:  "Ngày xưa thì bánh không có nhân nhưng bây giờ mình thích cho nhân cũng được. Nếu muốn cho đỗ thì ngâm đỗ rồi cho vào bánh.

Những chiếc bánh chim Gâu với hình dáng nhỏ xinh, mà người Cao Lan làm ra, tựa đôi cánh to lớn của chim mẹ, bao bọc che chở cho đàn con, thể hiện sự quan tâm của những người trong gia đình với nhau. Đây cũng là biểu tượng của sự yêu thương và tình mẫu tử thiêng liêng cao cả, hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ. Bánh chim Gâu không chỉ là món ăn trong gia đình và cộng đồng người Cao Lan nữa.

Giờ đây, nó đã vượt ra khỏi ranh giới nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào, đến với các lễ hội, trở thành đặc sản của người Cao Lan, được các thực khách mọi miền đất nước ưa thích và tin tưởng mua về làm quà cho gia đình mỗi khi đến với vùng Tây Bắc.

Thu Hoa /VOV5


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu