Bánh “chiếc nhẫn” của người Chăm
Bánh “chiếc nhẫn” của người Chăm |
Ngoài vị ngon, Paicarah còn thể hiện một phần đời sống tinh thần rất đặc trưng của đồng bào Chăm nói chung và người Chăm ở An Giang nói riêng.
Cũng như bánh tét ở miền Nam và bánh chưng, bánh dày ở miền Bắc chỉ xuất hiện trong ngày Tết, bánh Paicarah của đồng bào Chăm được dùng đặc biệt trong dịp dạm hỏi và ngày cưới. Ông Mohamet, cán bộ ấp Châu Giang, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) cắt nghĩa chữ “Paicarah” dịch nôm na theo tiếng Kinh có nghĩa là bánh chiếc nhẫn.
Bề ngoài, bánh có hình thù khá ngộ nghĩnh với 3 vòng tròn nhỏ kết dính với nhau. Theo quan niệm của người Chăm, 3 vòng tròn chính là 3 chiếc nhẫn tượng trưng cho cô dâu, chú rể và ông (bà) mai trong ngày cưới, thể hiện sự kết hợp hài hòa, thống nhất của ông mai giúp đôi bạn trẻ được gặp gỡ và kết duyên với nhau. Cũng có người hiểu chiếc nhẫn thứ ba theo nghĩa đại diện cho ông bà, cha mẹ - một cách để đôi vợ chồng trẻ tưởng nhớ đến công ơn của các bậc sinh thành và cầu mong được ông bà chúc phúc cho họ con cháu đầy đàn, gia đình sung túc và hạnh phúc bền lâu.
Theo tục lệ, khi nhà trai sang nhà gái dạm hỏi, bao giờ cũng phải có một giỏ trái cây lớn làm quà. Và khi nhà trai ra về, để tỏ lòng hiếu khách, gia đình cô gái sẽ đáp lễ bằng các món bánh truyền thống, trong đó, nhất thiết phải có bánh Paicarah.
Công thức “chuẩn” nhất là 1kg đường, 1,5kg bột gạo, 5 trứng hột vịt cùng 300g đậu xanh. Bột gạo được làm thủ công sau một đêm ngâm, rửa sạch, để ráo và giã trong cối bằng gỗ. Sau khi phơi khô, bột được sàng lại lần nữa cho thật mịn rồi rang chín, trộn chung với bột đậu xanh, trứng và đường thắng kẹo. Dưới bàn tay khéo léo của người làm, bột được se thành từng sợi nhỏ, nắn theo vòng tròn như chiếc nhẫn.
Tất cả các “chiếc nhẫn” phải đều, tròn bằng nhau và kết dính thật chặt. Bột bánh đã được sơ chế chín trước đó nên khi chế biến chỉ cần nhúng bánh qua dầu sôi (chứ không phải chiên) cho vừa có màu vàng là được.
Một chiếc bánh Paicarah được xem là đạt yêu cầu khi vỏ ngoài có màu vàng đẹp mắt, 3 “chiếc nhẫn” gắn chặt với nhau. Bên trong bánh phải mềm, xốp, có vị ngọt, béo của trứng và thơm bùi của đậu xanh. Trong buổi tiệc, người Chăm thích vừa trò chuyện, vừa thưởng thức Paicarah chung với vài ngụm trà để cảm nhận trọn vẹn vị ngọt của bánh quyện với dư vị đậm đà của trà đọng lại nơi đầu lưỡi.
Nguyễn Thắng (Làng Việt)