Hương cốm mùa Thu
Cánh đồng lúa nếp nặng trĩu bông. Ảnh minh họa |
Từ nhà tôi đi ra cánh đồng bằng một bờ đất nhỏ, cỏ gà hai bên xanh um. Năm nào cũng vậy, sau vụ chiêm xuân là bà nội tôi lại cày ải dăm sào đất ruộng màu mỡ nhất để chuẩn bị cấy lúa nếp. Lúa nếp này khi thu hoạch về để làm cốm vào rằm tháng Tám, số còn lại để đồ xôi vào những lần giỗ chạp, gói bánh chưng cuối năm...
Khi mảnh ruộng đã được cày bừa kỹ, bùn nhuyễn, bùn sền sệt, mạ cũng đủ tuổi, bà huy động cháu con về cấy lúa. Thực ra 5 sào đất, công xá chẳng là bao, nhưng bà muốn mọi người tụ tập về, cấy xong, cả nhà làm một bữa tươi, hỏi han, trò chuyện với con cháu vậy thôi. Bữa cơm phải có xôi, thịt gà, cá rán, rau, củ của nhà do tay bà nấu. Trong bữa cơm bà thường nhắc đứa này, đứa nọ làm ăn ở xa. Nói chung đứa nào bà cũng thương, tình cảm bà giữ kín trong lòng.
Thời tiết giao mùa thường nắng lắm, mưa nhiều. Những ngày nóng không ngủ được, bà thường mở cửa sổ nhìn ra cánh đồng để ngọn gió đêm thổi về cho căn phòng bớt ngột ngạt. Lúa bén chân rì rào. Ruộng đủ nước là bà mua cá giống về thả. Những con cá chép cỡ ngón tay cái, trắng bạc quẫy đuôi nước bắn tung toé trong chiếc chậu nhôm. Bà cẩn thận, nhẹ nhàng đổ tất cả chúng xuống chiếc chuôm ở góc ruộng. Chúng vẫy vùng một lúc, nhiều con đã phóng ra ruộng lúa.
Từ ngày thả cá, mảnh ruộng của bà tôi lúc nào cũng ăm ắp nước. Làm cỏ, bón thúc, chúng tôi lại sang giúp bà, độ chừng một buổi là xong. Ruộng lúa xanh bời bời, cá ăn phù du, đớp côn trùng tí tóp, lao xao khắp cả mặt ruộng. Độ vài ba tháng chúng đã lớn vổng lên, đuôi vàng choé. Thích nhất là lúc lúa trổ cờ, nhiều con hung hăng quẫy đuôi nhảy lên đớp hoa lúa. Mỗi lúc cơn gió mạnh ào qua, cả cánh đồng dậy hương ngan ngát. Hoa lúa rụng lả tả trên khắp mặt nước, cũng là lúc bầy cá mở hội, chúng tranh nhau đớp mồi bì bũm làm cả ruộng lúa trở nên sống động... Những lúc như vậy bà vui lắm. Nhớ một lần bà trò chuyện: Cá chép mà ăn hoa lúa là nhanh lớn lắm, thịt lại chắc và thơm...
Tuổi già, đêm ít ngủ, bà tôi thường ra sân, mắt ngước lên bầu trời đầy sao, nghe tiếng động mơ hồ của đàn cá ăn đêm, tiếng rì rào của đồng lúa đang thời kỳ ngậm sữa. Trước rằm tháng Tám vài ngày, bông lúa đã uốn câu vào mẩy, làm cốm vào thời điểm này là tốt nhất. Bà tôi cầm cái nhắt (dụng cụ cắt lúa nhỏ bằng con dao bổ cau) đi ra đồng chọn những bông lúa to, nhiều hạt, cắt nhẹ nhàng, xếp đầy vào chiếc xoỏng (dụng cụ đựng rau củ) độ 5 cân mang về. Bà gọi con cháu sang làm cốm. Than nghiến còn lại từ năm trước, bà nhóm lên quạt đều, khi than đỏ rực, bà cẩn thận lấy từng bó lúa nhỏ đã bó sẵn bằng sợi lạt giang, đặt trên bếp lò.
Hương cốm mùa thu |
Khi lúa vừa chín tới, bà lấy ra xếp đều vào chiếc nong đặt bên cạnh. Bà bảo chúng tôi lau sạch sẽ chiếc máng gỗ, chày giã. Chiếc máng gỗ dài cỡ 2 mét, bằng thân cây gỗ nghiến nặng trịch, được ông thợ mộc đục đẽo rất cẩn thận. Bà xếp đầy những bông lúa nếp đã được nướng chín. Bốn anh chị em chúng tôi, mỗi người cầm một chiếc chày dài gần hai mét, đứng đối diện nhau, vung chày nện đều đều xuống lòng máng. Chúng tôi vô cùng thích thú, ngỡ mình là nghệ sĩ tài hoa, đang biểu diễn bộ gõ và giai điệu của núi rừng, làng bản được tấu lên: Cụp ... cùm ... cum. Cụp ... cùm ... cum... đều đều náo nhiệt vang xa.
Công đoạn làm cốm |
Bà tôi bảo giã cốm cũng phải có nghệ thuật, chủ yếu là cảm nhận của lực cánh tay, điều chỉnh thế nào đó để hạt cốm còn nguyên vẹn ... Bụi cám bay mờ ảo, hương cốm thơm đến là quyến rũ ... Khi cốm được giã xong, bà lấy ra sàng, xảy cẩn thận, những hạt cốm xanh lơ, dẻo, mềm ngắm nhìn thật thích mắt. Bà cẩn thận gói từng gói nhỏ bằng lá chuối tươi để giữ hương thơm, giữ màu cho hạt cốm. Bà bảo, để đúng đêm rằm, dâng lên tổ tiên ông bà, đợi lúc trăng tròn mới được phá cỗ... Bà còn làm thêm các loại bánh: Bánh cốm nhân đậu xanh, bánh sừng bò, chè cốm... Vào mùa cốm, cả làng tôi vang lên tiếng chày vui như ngày hội.
Bẵng đi chừng nửa tháng, bà bảo chúng tôi tháo nước để gặt lúa nếp, cũng là để cá dồn về chiếc chuôm cuối ruộng. Gặt lúa xong, chúng tôi chuẩn bị bắt cá cho bà làm mắm. Lúc này bắt cá là quá dễ dàng. Chỉ cần tháo kiệt nước, toàn bộ số cá trong cái chuôm ấy trơ ra. Thiếu nước, chúng mở mang, há mồm ngáp ngáp, hoặc giẫy đành đạch loạn xạ làm bùn non bắn lên tung toé. Đem về nhà, bà rán cho chúng tôi một bữa. Cá rán giòn, chấm muối tiêu, ngon không tả được bằng lời. Số còn lại chừng 20 - 30 cân, bà bảo chúng tôi bỏ vào 3 cái xoỏng bằng tre, dày mắt, gài buộc chắc chắn, rồi đem ra suối ngâm. Chúng tôi chọn chỗ nước chảy, sâu nhất, lấy đá hộc chèn lên, nối mấy cái xoỏng bằng sợi dây gai to bằng ngón tay út, buộc vào gốc cây gần bờ. Đúng ba ngày ba đêm, mọi cặn bã trong bộ phận tiêu hóa của chúng được thải ra ngoài hết. Bà tôi bắt đầu thực hiện quy trình làm mắm.
Việc đầu tiên là xử lý cá. Bà nhẹ nhàng nhấc từng con, uốn cong lại, dùng thanh nứa nhỏ, nhọn sắc một đầu, chích vào giữa ức của con gá, tự nhiên mật đắng của nó bắn ra... Bà làm thuần thục, thoăn thoắt, điệu nghệ khiến chúng tôi vô cùng thán phục. Hết số cá, bà xếp lần lượt vào mấy chiếc vại sành đã chuẩn bị sẵn. Cứ một lớp cá lại một lớp muối, thính, riềng xay nhỏ, cái rượu, lá cơm đỏ... Lần lượt như vậy cho đến hết. Bà đóng nắp, đậy kín từng vại sành để ở góc bếp, năm sau mới đem ra dùng. Kỳ lạ là con cá còn nguyên vẹn, săn lại, không bị nát, đỏ au, ăn trực tiếp cũng được, hoặc là sốt lên chấm với xôi nếp!
Những ký ức đẹp ấy, tôi giữ mãi trong lòng như như một món quà vô giá theo tôi suốt cuộc đời!
Cao Xuân Thái/ baodantoc.vn