A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Gióng - Lễ hội về tinh thần yêu nước quật khởi của dân tộc

Hội Gióng là cuộc diễn xướng lịch sử có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc, ghi lại sự tích chiến thắng ngoại xâm của tổ tiên ta trong buổi bình minh của lịch sử. Năm 2010, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 Hội Gióng Đền Sóc

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ, mô phỏng sinh động và khoa học diễn biến các trận chiến của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao “nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được sinh ra một cách kỳ lạ ở Làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Khôi ngô, tuấn tú, nhưng lên 3 mà cậu vẫn chưa biết nói cười, suốt ngày nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi giặc Ân sang xâm lược, nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về Núi Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Từ đó, ngài được thiêng hóa thành vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân.

Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân lập đền thờ phụng ngài ở nhiều nơi, nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc. Đó là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai Đền. Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, Xã Phù Đổng, Huyện Gia Lâm - nơi sinh Thánh Gióng - diễn ra từ ngày 7-9 tháng 4 Âm lịch; Hội Gióng ở Đền Sóc, Xã Phù Linh, Huyện Sóc Sơn - nơi Thánh hóa - diễn ra từ ngày 6-8 tháng Giêng Âm lịch.

Hội Gióng Phù Đổng là lễ hội nổi tiếng nhất vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong 3 ngày diễn ra Hội, vào các buổi sáng sớm, bao giờ cũng phải tiến hành nghi thức tế Thánh trước khi triển khai thực hành các hình thức khác của diễn xướng hội. Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, Hội Gióng Phù Đổng có hàng trăm vai diễn hết sức phong phú, độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc.

Hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh Gióng nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng: “Hội Gióng Sóc Sơn vẫn mang rõ tính chất hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở hầu hết hội Xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ”.

Có thể nói, Hội Gióng là hội trận độc đáo, không có gươm đao nhưng vẫn tái hiện được giá trị bằng một hệ thống nghi lễ mang tính biểu tượng đã được chuẩn hóa. Đó là hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng; thể hiện sự nhân nghĩa, khoan hồng của quân và dân ta từ ngàn đời nay. UNESCO đã ghi nhận một cách ngắn gọn và đầy đủ về Hội Gióng, đó là: “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng”./.

An Nhiên (tổng hợp)


 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu