A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ lửa nghề rèn Phúc Sen

Buổi sáng ở làng rèn Phúc Sen (xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) thường được bắt đầu bằng tiếng thổi lửa, tiếng đe tiếng búa lách cách dưới chân nhà sàn. Người trong làng không nhớ rõ thời gian nào cha ông mình bắt đầu làm nghề, nhưng giữ gìn bí quyết giữ nghề như một gia tài quý báu để lại.

Làng rèn nổi tiếng trong vùng

Ở làng rèn Phúc Sen, nhà nào cũng trở thành một gian hàng bán những nông cụ sản xuất tới những vật dụng trong gia đình hàng ngày như dao kéo, búa liềm... Người dân Cao Bằng bao đời quen với nghề đi rừng, làm nông nên luôn tìm đến những sản phẩm của người Nùng làng Phúc Sen làm, bởi họ tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái đã tới làng để chuyển hàng về các địa phương trong vùng như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, thậm chí đưa về Hà Nội hay tới Thanh Hóa, Nghệ An... 

 Công việc đòi hỏi sức người

Từ khi hệ thống đường xá thuận lợi, giao thương phát triển, khách du lịch tới Cao Bằng nhiều, những mặt hàng của làng còn được đưa đi rất nhiều nơi, nổi tiếng cả vùng bởi những sản phẩm tốt nhất, bền nhất. Nhiều người con của làng sinh cơ lập nghiệp giữ nghề cha ông, bà con trong xã tới học đã khiến nghề rèn không còn riêng của làng Phúc Sen, nhưng đây vẫn là địa chỉ tin cậy nhất được nhiều người tìm tới. Nên những gia đình làm nghề tất bật quanh năm, chứ không còn chỉ tranh thủ lúc nông nhàn như ngày trước.

Những người đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng đảm đương những công việc nặng nhọc nhất của nghề dùng những vết chai tay thay cho những nhẩm tính về kinh nghiệm. Mỗi ngày, mỗi người thợ sản xuất được từ 4 - 5 sản phẩm tùy loại. Thời điểm cuối năm, hàng đặt nhiều, mọi người thay nhau đứng bếp, làm từ sáng tới tối khuya.

Tham gia một buổi lao động tại làng Phúc Sen mới thấu hiểu nỗi cực nhọc của những người thợ rèn khi phải đổ mồ hôi công sức để tạo thành một sản phẩm, dù chỉ là những vật bé nhỏ thường ngày. Tất cả mọi công đoạn đều phải làm thủ công, từ chọn nguyên liệu, mài, tôi thép, đập, uốn tạo hình sản phẩm. Ngay cả khi có những thiết bị hỗ trợ như quạt điện, máy mài, máy cắt,… thì những khâu quan trọng nhất của nghề rèn vẫn làm bằng sức người. Để hoàn thiện mỗi con dao, liềm, cuốc... người thợ dùng nhiều sức để đập, quai búa, mài. Nhiều công việc tưởng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi phải tinh mắt, chắc tay, nếu không sẽ sản phẩm giòn hoặc non, dễ hỏng. Theo ông Lương Văn Hùng – chủ xưởng “Hùng dao” đầu làng, quan trọng nhất với nghề rèn để có lưỡi dao sắc và bền là phải nhìn màu của sắt khi nung, nếu bị đỏ quá sản phẩm hoàn thiện sẽ giòn cho nên chỉ cần nung vừa phải, khi sắt mầu da cam là phải đưa ra khỏi lò.

Những sản phẩm chất lượng của người Nùng làng Phúc Sen làm ra 

Bí quyết giữ gìn thương hiệu

Dưới mỗi ngôi nhà sàn của người làng Phúc Sen đều dành một khoảng không rộng để chất nguyên liệu, đó là những nhíp ô tô cũ, hỏng. Dù mất công phân loại nhưng phế liệu này đảm bảo chất lượng thép tốt, bền hơn so với các sản phẩm thông thường. Đây cũng là bí quyết đầu tiên để người làng giữ thương hiệu sản phẩm.

 

 Cả làng tất bật vào mùa sản xuất cuối năm

Kinh nghiệm, độ tinh mắt, thính tai, cảm nhận bằng tay chính xác được xem là kỹ năng nghề quan trọng mà các thế hệ cha ông trong làng dạy lại cho thế hệ trẻ. Người làng Phúc Sen tự hào khi nhiều sản phẩm dùng tới 7, 8 năm vẫn đạt chất lượng tốt còn bởi những yêu cầu cầu kỳ trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu nung, lò nung tới nước tôi thép. Chất lượng than tốt nhất là than hoa từ các loại gỗ cứng trong rừng. Nước tôi dao dùng tro gỗ lim ngâm với nước vôi để qua đêm, đợi lắng trong mới mang ra tôi. Quy trình tôi rèn thép cũng là kinh nghiệm của từng người thợ. Ngay cả cách tính đến độ đạt của sản phẩm cũng dựa vào kinh nghiệm của từng người thợ, nên nhiều người vẫn gọi người làng Nùng là những người rèn dao bằng mắt. Ông Nông Văn Tào, một trong những người thợ lâu năm trong làng cho biết, cách nhìn lửa để rèn thép, tôi luyện để thành dao, kéo, cuốc, liềm cũng khác nhau, nhiều khi những đốm lửa than bay lên, người thợ nhắm mắt nghe bằng tai cũng có thể cảm giác chất lượng thành phẩm. Điều này cũng trở thành cách phân định để biết thợ cả, thợ phụ, gắn với thương hiệu của từng gia đình.

Dù hiện nay, các sản phẩm dao kéo, nông cụ của làng Phúc Sen bị cạnh tranh với nhiều cơ sở sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu, nhưng vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Nghề rèn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trong làng, giúp họ đầu tư xây dựng nhà cửa, chăm lo cho con cái học hành. “Nhiều sản phẩm của làng Phúc Sen tuy không bóng bẩy, chau chuốt như các sản phẩm dao, kéo ngoài thị trường, nhiều khi thô mộc nhưng lại lấy độ sắc bén, bền chắc làm thế mạnh. Ngay cả trong những phiên chợ ở Cao Bằng, chỉ cần biết đó là người Nùng An của Phúc Sen làm thì bà con đều tin tưởng chọn mua”, ông Hùng tự hào nói.

Bảo Lâm/ langvietonline.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu