A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vương vấn mùi thơm hương trầm

Quê hương mỗi người đều có một hương vị riêng. Đó có thể là hương của cánh đồng lúa chín thơm ngát, hay cũng có thể là vị của những món đặc sản mang đầy đủ nét độc đáo vùng miền. Hương của núi rừng, vị của gió biển… tất cả đều là những điều đáng được trân trọng đối với mỗi người con của vùng miền đó, vì khi nhắc đến, những cảm giác thân thuộc, yêu thương lại có thể dào dạt ùa về.

Quỳ Châu quê tôi là miền núi cao, mùa Hè đón gió Lào khô rát, mùa Đông bị bao phủ bởi sương giăng kín núi rừng, che cả lối đi. Hương vị của quê tôi có thể là mùi ngai ngái của cỏ cây tan vào trong gió, vị thơm ngậy của gánh cọ mới om, hay vị cay nồng của món măng ớt truyền thống… nhưng với tôi, điều làm tôi nhớ nhất khi nghĩ về quê mình là vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, khi hít thở trong sự tươi mát của gió Xuân, có mùi nồng ấm của hương trầm lẫn vào trong không khí nô nức của mọi gia đình. Với tôi, mùi hương ấy rất ngọt, rất dịu, rất sâu… mùi hương ấy cứ nhẹ nhàng đi vào lòng và trở thành một thói quen khi nhớ về quê hương!

 Người dân chuẩn bị nguyên liệu làm hương trầm từ những ngày Hè
cho dịp Tết Nguyên đán

Hương thơm trong ngày Tết

Tục đốt trầm hương đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong những dịp Tết cổ truyền của hầu hết người Việt. Trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, bên cạnh những vật phẩm như hoa trái, bánh kẹo, trà rượu, sẽ rất hiu quạnh nếu không có những đốm đỏ của nén hương thơm, mùi trầm lan quanh căn nhà, đượm lên sự đầm ấm và sung túc. Một lư trầm nghi ngút hương thơm như tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, thần linh trong thời khắc Giao thừa, ngày Tết.

Cùng với đất trời vào Xuân, sắc Xuân, khí Xuân, hương hoa cỏ Xuân thoang thoảng thì trên con đường, ngõ nhỏ nếu thiếu mùi trầm hương coi như vẫn còn thiếu hương vị Tết cổ truyền. Trầm có hương thơm rất đặc trưng, tao nhã mà không một hương thơm nào sánh được.

Dâng nén hương trầm đầu năm, lòng ôn lại truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và cầu mong an lành trong ngày đầu Xuân mới, là ý nghĩa nhân văn cao cả mà nén hương trầm đem lại. Thắp hương lên, bao niềm ước vọng cũng theo đó ùa về… Mùi trầm chứa đựng cả “vị” linh thiêng đất trời, cả tâm hồn của biết bao thế hệ con người Việt.

Trầm hương được biết đến có đến 2.000 năm trước, có nhiều công dụng, là dược liệu quý chữa bệnh, làm tăng sắc đẹp, tinh dầu làm chất định hương, có tính chất huyền bí linh thiêng đối với nghi lễ tôn giáo. Một số tôn giáo đốt trầm hương trong các nghi lễ, được xem là vật giao lưu truyền cảm giữa con người của thế giới thực tại và thế giới thần linh, là vật phẩm giao hảo giữa các quốc gia. Nhiều nước phương Đông có tập quán đốt trầm hoặc nhang được sản xuất từ trầm trong dịp lễ cúng tổ tiên, đất trời, thần thánh, đốt trầm hương để chữa bệnh, trừ tà, tạo sự may mắn hưng phấn. Trầm phân bố ở khu vực Đông Nam Á, nhưng mùi trầm thơm tao nhã chỉ có ở trầm Việt Nam. Là loại cây quý tựa quốc bảo đã được chọn để trang trí trên đỉnh đồng ở cung đình Huế.

 Những búp hương thường có độ dài 40 cm, 60 cm
thậm chí có loại dài 80 cm và 1m

Hương trầm Quỳ Châu đã trở thành một thương hiệu, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân bản xứ. Cũng nhờ hương trầm mà cái tên Quỳ Châu được biết đến rộng rãi hơn. Hương trầm Quỳ Châu đặc biệt cũng bởi vì sau khi cháy xong, trên lư hương bao giờ cũng để lại một lõi than xoắn tít, theo hình xoắn ốc rất đẹp, người dân có quan niệm là, hương xoắn lại càng nhiều vòng thì gia đình năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc, khởi đầu năm mới nhiều thuận lợi.

Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có từ 30 - 40 năm về trước với bí quyết riêng biệt, tạo nên những làn hương có một mùi thơm rất đặc trưng của vùng quê, ấm áp quen thuộc mà không nơi nào có được. Đó là mùi của rễ hương, của thảo quả, hoa hồi, vỏ quế… tất cả đều là những hương vị nồng ấm của núi rừng. Mùi hương chính vì thế cũng làm ấm lên không khí giá lạnh của mùa Đông phố núi.

 Những đứa trẻ cũng thích thú với nghề làm hương trầm từ lâu đời này

Độc đáo cách làm hương trầm

Nguyên liệu làm hương trầm được người dân chuẩn bị rất đầy đủ và kĩ lưỡng, ngoài những thứ sẵn có ở địa phương như trầm xô, bã mía, và rễ hương do người dân tự trồng, tự thu hoạch thì một số khác phải nhập ở những vùng núi khác về. Rễ cây hương bài (làm nguyên liệu chính), là cây thuộc loài thảo mộc, lá dài, có bộ rễ chùm dày thường mọc thành từng bụi, đám lớn ven khe suối hay trên sườn đồi, dưới những tán lá rậm ẩm mát. Rễ hương giờ được trồng thành từng cánh đồng để phục vụ cho một vụ Tết. Quế ở Quỳ Châu rất nhiều, vì người dân nơi đây rất chuộng mùi thơm của hoa quế, vỏ quế còn có thể là nguyên liệu dùng rất phổ biến trong các món ăn. Nguyên liệu làm hương trầm còn có thảo quả, hoa hồi, quế chi, trầm xô, bã mía… Thảo quả và hoa hồi phải nhập từ Lạng Sơn về. Nguyên liệu được phơi khô, xay thành bột mịn, trộn đều với nhau, tỉ lệ trộn như thế nào, cách trộn ra sao được áp dụng theo bí quyết gia truyền. Chính vì thế, hương mỗi nhà lại có một nét đặc sắc riêng, tùy vào sở thích của người thắp để chọn cho mình một mùi vị phù hợp.

Chu hương được làm từ thân cây lùng, một loại cây thuộc họ nhà tre, nứa. Chu hương được ngâm khoảng vài ba tháng trong các ao hồ, sau đó vớt ra, phơi thật khô làm sao để khô ải mà không giòn, dễ gãy. Việc chuẩn bị chu làm hương được hoàn tất từ nhiều tháng trước, phơi khô nhuộm phẩm đỏ phần gốc. Chu hương làm càng kĩ thì lúc cháy càng đượm và dễ tạo hình xoắn khi đốt hương nên công đoạn này rất được xem trọng.

Hương được se chặt bằng giấy bản. Đây là loại giấy rất mỏng, mềm, dai, và cháy đượm, được mua từ Bắc Ninh về. Một mép giấy bản quét phẩm màu hồng, khi quấn thành cây hương có hoa văn rất đẹp. Những đường viền sặc sỡ uốn lượn trên nền giấy trắng, mang đến một vẻ đẹp rất riêng. Người ta đóng hương lại thành từng búp, mỗi búp 10 que, được kết dính với nhau bởi hai tấm giấy nhỏ bó tròn, ngang quanh ngọn hương và chân hương.

Một người thợ thành thạo mỗi ngày có thể quấn được từ 250 - 300 búp hương. Hương có thể được quấn thành nhiều loại, từ 40cm đến 1m tùy vào nhu cầu của khách hàng. Hương thấp có thể cắm trong lư, trên bàn thờ, hương dài người ta thường cắm trong lọ, cắm cả ngoài trời.

Chị Văn Thị Nhàn - một trong những hộ gia đình làm hương lâu năm trong vùng, tâm sự: “Nghề sản xuất hương trầm ở đây là nghề truyền thống cha ông để lại, có từ rất lâu rồi. Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất được 50 vạn cây hương trầm. Mỗi mùa làm hương như vậy, trừ các chi phí thì gia đình tôi thu lại cũng được hơn 30 triệu đồng”. Đây cũng được xem là một nguồn thu nhập lý tưởng, đối với vùng miền núi thuần nông như Quỳ Châu.

Thiết nghĩ việc phát triển làng nghề rất quan trọng trong thời đại kinh tế phát triển, con người ngày càng đề cao những giá trị nguồn cội, xem trọng những công việc in đậm bản sắc quê hương. Quỳ Châu vốn đã nổi danh với làng nghề dệt thổ cẩm, cũng nên có sự đầu tư hơn nữa để phát triển mô hình những làng nghề làm hương trầm, để thương hiệu hương trầm Quỳ Châu nổi tiếng nhưng phải bền lâu, ngày càng nâng cao danh tiếng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực từ thương hiệu. Đó cũng là điều mà con người Quỳ Châu mong mỏi. Hương trầm không chỉ đẹp trong bản sắc, thơm trong hương vị mà còn là một hướng đi lớn trong việc nâng cao đời sống người dân bản địa.

Một mùa Xuân mới, một cái Tết nồng ấm nữa lại về, người Quỳ Châu lại ngâm nga câu thơ:

“Xuân về thắm đủ muôn hoa
Mùi trầm hương thiếu như là chưa Xuân”.

Trang Thanh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu