A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tượng gỗ dân gian - nghệ thuật tâm linh độc đáo của người Tây Nguyên

Tượng gỗ, đặc biệt là tượng nhà mồ, là một kho tàng nghệ thuật phong phú chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người Bahnar, Jrai - 2 tộc người chính Bắc Tây Nguyên.

Những nghệ nhân tạc tượng phải rất tỉ mỉ, khéo léo để có thể thổi hồn vào bức tượng do mình làm ra.
Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Tượng điêu khắc gỗ là một loại hình nghệ thuật dân gian rất độc đáo, có mặt ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.

Nói đến loại hình nghệ thuật này, không thể bỏ qua một kho tàng tượng gỗ phong phú dùng để trang trí, chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người Bahnar, Jrai - 2 tộc người sinh sống ở phía Bắc Tây Nguyên.

Tượng nhà mồ - giá trị tâm linh độc đáo

Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại Tây Nguyên được chia làm hai nhóm cơ bản, thể hiện rõ nét trong không gian chúng được sử dụng trang trí.

Nhóm thứ nhất là tượng gỗ trang trí trong sinh hoạt đời sống, cụ thể là tại các kiến trúc nhà rông - ngôi nhà chung của làng, ngôi nhà ở như nhà sàn, nhà dài. Tùy từng không gian tượng gỗ thể hiện giá trị tâm linh và nghệ thuật với các loại tượng theo chủ đề phồn thực, mô tả sinh hoạt đời sống, đồ vật, chim thú, hoa trái...

Trong nhà ở, nhà rông, nếu đi từ bên ngoài vào thì các sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai thường được thể hiện ở những vị trí như cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông, giàn cúng...

Ở cầu thang, phổ biến nhất là hình ảnh hai bầu sữa mẹ, nằm ở vị trí cao hơn mặt sàn, đặt trước những ngôi nhà sàn của người Jrai thuộc nhóm địa phương Chor và Mthur.

Trên cầu thang, ở vị trí tay nắm, các nghệ nhân dân gian thường bố trí 1 cặp ngà voi, sừng trâu, thể hiện ước muốn giàu sang theo quan niệm truyền thống của cư dân bản địa.

Nơi sân nhà ở cũng thường được tạc, khắc một số hình trang trí gần gũi với cuộc sống của đồng bào như: cặp nồi đồng, bầu nước…

Ở các huyện Đak Pơ, Kbang, Kông Chro... kỹ thuật trang trí thường thấy trong nhà rông là khắc, vạch, gọt, đẽo để tạo nên những hình tượng khác nhau. Phổ biến là môtíp nồi đồng, con khỉ…

Những nhà rông được trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp hiện có thể kể đến như nhà rông làng Groi 2 ở xã Ya Hội; nhà rông làng Jro Ktu ở xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ; nhà rông làng Tờ Nùng 1 ở xã Ya Ma, huyện Kông Chro; nhà rông làng Leng ở xã Tơ Tung, làng Mơ Hra ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang.

Trong các sản phẩm điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai, chúng ta thường thấy có rất nhiều tượng động vật từ tượng các loài bò sát như rắn, trăn, kỳ đà, thằn lằn đến tượng các loại chim như công, chim cu, quạ, chèo bẻo. Tượng thú thì phổ biến nhất vẫn là những con vật gần gũi như voi, ngựa, khỉ, chó. Tượng chim công, chó thường được làm thành từng đôi còn phần lớn các loài động vật khác, chỉ làm từng con đơn lẻ, đi liền với phần giá đỡ (cột tượng).

Tuy nhiên, được biết nhiều và sử dụng phổ biến hơn cả vẫn là nhóm tượng gỗ với tên gọi hơi "đáng sợ" là tượng nhà mồ, hệ thống tượng được trang trí trong tín ngưỡng tang ma, cụ thể là Lễ bỏ mả - một lễ hội lớn nhất trong lễ hội vòng đời của người Bahnar, Jrai.

Lễ bỏ mả có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của các tộc người nơi đây, mang ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ vòng đời, thể hiện sự kết thúc tồn tại của một con người nơi cõi trần gian.

Trong lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, văn học, trình diễn văn nghệ, ẩm thực, trang phục… với mục đích đưa tiễn người chết về “thế giới bên kia” đồng thời “giải thoát” hoàn toàn sự ràng buộc giữa người sống đối với người chết.

Các nghệ nhân tạc tượng sử dụng kỹ thuật tinh xảo hoàn thiện những sản phẩm của mình. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Dân tộc Bahnar, Jrai, khi bỏ mả thường làm tượng gỗ cho người chết, các bức tượng ấy mang nhiều lớp ý nghĩa khác nhau, thể hiện quan niệm của người dân tộc tại chỗ về sự sống và cái chết, mang những hình tượng vừa mộc mạc quen thuộc vừa sinh động, huyền ảo và thể hiện tính nghệ thuật tạo hình cao.

Những ngôi nhà mồ của người Bahnar ở làng Bi Gia, Bi Giông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, nhà mồ làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro có hệ thống tượng nhà mồ được làm bằng gỗ cà chít, với nhiều môtíp như tượng người như phụ nữ, người giã gạo, đánh trống, cầu thủ bóng đá, công an, bộ đội…; động vật phổ biến là tượng công, khỉ, rắn, voi…; đồ gia dụng quý nồi đồng, ngà voi, sừng trâu…

Đối với loại hình này, phổ biến nhất và có mặt trong mọi nhà mồ là tượng người ngồi khóc đặt ở 4 góc nhà mồ. Bên cạnh đó, có khá nhiều tượng mẹ con với nhiều dạng thể hiện như mẹ cõng con, mẹ dắt con, mẹ bế con, mẹ địu con.

Và nhiều nhất trong loại hình tượng nhà mồ là các tượng sinh hoạt như người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, nữ cầm quả bầu, nam đánh trống, thợ rèn, người lấy nước. Riêng tượng phụ nữ giã gạo thường được thể hiện rất sinh động.

Băn khoăn bài toán lưu giữ và truyền bá văn hóa truyền thống

Chỉ bằng dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, dao, đục, những nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mùa lễ hội, phản ánh sự sinh động của cuộc sống, góp phần làm nên nét đặc sắc trong văn hoá của người Tây Nguyên.

Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh hướng dẫn các em nhỏ tạc tượng gỗ.  Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Để thổi hồn vào những bức tượng gỗ, các nghệ nhân thường là những người lớn tuổi, hiểu thấu văn hóa dân tộc, với nhiều năm kinh nghiệm sống. Họ tạc nên những bức tượng có hồn, sinh động và gần gũi với đời sống sinh hoạt của bà con dân làng, ẩn chứa tình cảm người tạc để khi nhìn vào tượng, du khách như thấy được đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên

Với nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh, làng Mrông Ngó, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai một tác phẩm tượng gỗ ra đời được xem như đứa con tinh thần, gắn với nhiều câu chuyện về vùng đất Tây Nguyên hùng vỹ.

Ông cho biết người tạc tượng thường có năng khiếu thẩm mỹ bẩm sinh, chỉ cần nhìn khúc gỗ hay thân cây là có thể mường tượng ra được hình dáng bức tượng mình muốn tạc.

Đặc biệt, từ con mắt lành nghề của nghệ nhân lâu năm thì khi đi rừng, nếu nhắm được một đoạn cây có hình dáng như mong muốn sẽ về gọi dân làng lên lấy mang về tạc tượng.

Để tạc được bức tượng như ý, nghệ nhân phải dành thời gian, tỉ mỉ từng nhát rìu, nhát đục để cho ra bức tượng hoàn mỹ. Những bức tượng được làm ra phải đẹp, sinh động và gần gũi, thân thuộc với dân làng nhất.

Theo nghệ nhân Ek, dân tộc Jrai, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, người tạc tượng phải bằng cả sự nhiệt tâm, tỉ mỉ, làm cho cho từng bức tượng trở nên sinh động, có hồn. Khi mọi người chiêm ngưỡng sẽ cảm nhận được trên khuôn mặt tượng gỗ những cảm xúc thường ngày, thân thuộc và rất tự nhiên, có cảm giác như mình đang có mặt tại chính buôn làng.

Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại Gia Lai, người đã có một số công trình nghiên cứu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian các tộc người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cho biết nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn vào những bức tượng gỗ, truyền tải nhiều giá trị tinh thần và tâm thức.

Đó là những giá trị nghệ thuật, làm đẹp, làm tươi mới không gian sinh sống chung của cả cộng đồng và mang giá trị tâm linh sâu sắc. Đó cũng là những món quà, lễ vật tâm linh của người sống dành cho người đã khuất mang về thế giới A Tâu để bầu bạn, hành trang, tài sản...

Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh, tượng gỗ dân gian của người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bà Hoàng Thanh Hương cũng đề ra một số giải pháp bảo tồn tĩnh và động cho lĩnh vực văn hóa truyền thống, trong đó có nghề tạc tượng.

Theo bà muốn tượng gỗ tồn tại trong đời sống đương đại trước tiên phải giữ gìn, xây dựng được lực lượng nghệ nhân kế cận để giữ nghề. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan để đưa tượng gỗ ra không gian sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn, phục vụ dịch vụ du lịch cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho nghệ nhân.

Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương (phải) giới thiệu về khu tượng gỗ dân gian được trưng bày tại nhà rông làng Ốp, thành phố Pleiku. Ảnh: TTXVN

Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã và đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai tại Gia Lai, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự tác động của các yếu tố văn hóa hiện đại, những di sản văn hóa như tượng gỗ và nghề tạc tượng ngày càng mai một nhanh chóng.

Trên địạ bàn toàn tỉnh hiện nay, sơ bộ thống kê từ thực tế khảo sát các huyện thị đã đi, chúng tôi nhận thấy số lượng nghệ nhân tạc tượng còn không nhiều. Đặc biệt là những nghệ nhân thật sự giỏi và có khả năng truyền nghề này chỉ khoảng hơn 50 người.

Con đường đi tìm nghệ nhân tạc tượng cũng rất khó khăn, một là các nghệ nhân đã già yếu, thứ hai, lớp trẻ không thích học nghề và học biết thì tạc cũng không có hồn như cha ông ngày xưa, lễ hội bỏ mả mất dần không còn không gian cho tượng, nhà rông, nhà sàn truyền thống ít dần, chế dộ đãi ngộ cho nghệ nhân chưa cao, đời sống nghệ nhân khó khăn...

Vì vậy, việc tạo điều kiện cho các nghệ nhân có cơ hội, dụng cụ, thời gian truyền nghề tạc tượng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ cấp thiết trong các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa truyền thống đối với địa phương Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung - nơi hiện nay vẫn đang có một đội ngũ nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian sinh sống, có năng khiếu và yêu nghề tạc tượng của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết, nhằm khuyến khích đồng bào lưu giữ và phát huy nghề tạc tượng, tỉnh Gia Lai tiếp tục đề nghị các địa phương duy trì tổ chức các cuộc thi văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó đẩy mạnh khuyến khích các nghệ nhân say mê với nghề.

Đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với Sở Công Thương và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đưa tượng gỗ kích cỡ nhỏ vào làm quà lưu niệm, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến với Gia Lai./.

(Theo Vietnam+)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu