A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh hoa làng nghề khăn xếp Giáp Nhất

Thôn Giáp Nhất (Nam Định) được biết đến là nơi duy nhất ở miền Bắc có nghề truyền thống làm khăn xếp. Và hiện nay, trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm khăn xếp vẫn được người dân trong thôn duy trì và phát triển.

Không biết khăn xếp, áo the đã có từ lúc nào, nhưng cũng từ khi xuất hiện cho đến nay, khăn xếp áo the chính là trang phục truyền thống của người Việt. Trong mùa lễ hội, đám cưới, mừng thọ… hay các cuộc giao lưu văn hóa trong và ngoài nước, khăn xếp, áo the luôn được người Việt khoác trên mình với niềm tự hào.

Đối với áo the không khó để bắt gặp những làng nghề trên khắp cả nước. Nhưng đối với khăn xếp, ít ai biết được rằng ở miền Bắc, hiện nay chỉ duy nhất có một nơi sản xuất đó là làng nghề khăn xếp Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Làng nghề khăn xếp “độc nhất” miền Bắc

Thôn Giáp Nhất được chia làm 4 tổ dân phố trực thuộc thị trấn Nam Giang, với khoảng 4.800 khẩu / 1.050 hộ, trong đó có khoảng 140 hộ làm nghề. Người dân nơi đây không ai biết nghề này có từ bao giờ và ai là ông tổ của nghề, chỉ biết nghề đã xuất hiện và có lịch sử hình thành, phát triển tương đối lâu đời, nghề được truyền từ cha sang con, từ đời trước đến đời sau, chưa từng đứt đoạn.

Trước đây, khăn xếp Giáp Nhất được làm bằng chất liệu vải để đội đầu và chủ yếu được làm duy nhất một màu đen, cùng với sự thích ứng với đà phát triển của xã hội, khăn xếp dần dần được chuyển sang đủ các loại mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc. Ngoài khăn đội bình thường, còn có các loại khăn nam, nữ dùng cho tế, lễ, phục vụ lễ hội. Người trong thôn còn làm thêm các loại khăn dùng cho các loại hình nghệ thuật dân tộc được sử dụng trong các vở diễn chèo, tuồng, hát chầu văn hay trong các sự kiện quan trọng của quốc gia (như Hội nghị APEC 2006)… Ngoài ra, để đáp ứng những nhu cầu khác như các loại khăn đội của cô dâu, khăn mừng thọ… Bên cạnh đó, chất liệu để làm khăn trước đây là lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt làm bằng báo, nhưng hiện nay, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn. Vải quấn là loại vải tấm các màu bằng sa tanh, bóng, phi quấn ở ngoài, bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút, với những hang đặt có thể được làm bằng gấm.

Về cấu tạo, khăn xếp Giáp Nhất hiện có các loại như khăn đen với 4 quấn-7 nếp, khăn 5 quấn-7 nếp, khăn 6 quấn-9 nếp. Khăn xếp được chia làm 3 loại: khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được. Khăn dành cho nam thường là loại khăn quang, đằng sau phía trên búi tó dựng đứng, đằng trước phía trên là lưỡi trai, nếp và vành.

Giữ gìn tinh hoa làng nghề

Để làm ra một chiếc khăn xếp không hề đơn giản mà có tới 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Trước đây, những công đoạn làm khăn xếp đều được làm thủ công bằng tay. Đặc biệt là khâu quấn khăn xếp, khi quấn người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ, chặt tay để các nếp không bị xô lệch, phải đều tăm tắp, vừa vặn. Tưởng đơn giản, nhưng đây lại là phần việc khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả chu trình làm ra chiếc khăn xếp. Khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý. Non tay hay làm ẩu thì không thể có được khăn đẹp.

Khăn xếp tùy theo từng loại mà có giá bán khác nhau, dao động từ 20 nghìn đồng đến trên 100 nghìn đồng/chiếc. Hàng trong thôn được xuất bán chủ yếu ra phố Hàng Quạt (Hà Nội). Từ Hà Nội, hàng hóa tỏa đi khắp các vùng miền trong cả nước.

Ngày nay, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học công nghệ, nhiều công đoạn làm khăn xếp đã sử dụng máy móc hỗ trợ, các hộ trong làng nghề cũng đã phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất lao động, tuy vậy thu nhập từ nghề vẫn còn rất thấp, khiến cho nhiều người không còn mặn mà theo nghề.

Đã có những thời điểm, làng khăn xếp Giáp Nhất tưởng chừng sẽ mai một theo thời gian. Nhưng nhờ những nghệ nhân yêu nghề trong thôn mà cái nghề “giữ hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị “thất truyền”.

Ông Bùi Văn Hưng, chủ một xưởng làm khăn xếp ở thôn Giáp Nhất tâm sự: “Dù giá trị kinh tế của một chiếc khăn xếp mang lại không đáng là bao, thậm chí nếu đi so với các nghề khác thì càng không thấm. Nhưng chúng tôi không bao giờ từ bỏ nghề này, bởi vì chiếc khăn xếp mang một giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc, còn quý hơn cả tiền bạc. Mỗi lúc khó khăn, chúng tôi tự động viên nhau, làm khăn xếp là đang giữ gìn “quốc hồn” của dân tộc”.

Đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, song bằng sự nỗ lực, cố gắng với suy nghĩ nghề đã ngấm vào máu và đã trở thành cuộc sống hàng ngày nên người dân nơi đây vẫn đang bám nghề, cố giữ lấy nghề cha ông để lại. Tuy nhiên, để làng nghề có thể trụ vững, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc nghiên cứu, tìm ra biện pháp duy trì, phát triển bởi các làng nghề truyền thống, ngoài giá trị kinh tế còn mang nhiều giá trị văn hóa, xã hội. Việc duy trì sản xuất cũng chính là tiếp tục giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của cả dân tộc.

 Duy Linh (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu