A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng leng keng ngày ấy - bây giờ

Hà Nội xưa cổ kính thâm nghiêm, với nhịp sống chậm rãi giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người có tuổi. Rất nhiều kỷ vật, hình ảnh của một thời xa xưa gắn với lịch sử của thủ đô nay không còn, một trong số đó là ký ức về những chuyến tàu điện mà trong gần một thế kỷ tồn tại là phương tiện giao thông công cộng chính ở nơi đây…
 


Hà Nội ngày nay là thành phố hơn một nghìn năm tuổi với những con đường ngày càng mở rộng, xe cộ hiện đại đông đúc, ồn ào tấp nập với nhịp điệu hối hả của thời đại công nghiệp. Nhưng trong cái hối hả, ồn ào đó, đôi khi lắng lòng lại để nhớ về một thời khốn khó chưa xa nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm yêu thương, ngọt ngào, thì tiếng tàu điện leng keng như một “lối vào” bằng âm thanh, dẫn dắt người ta trở về với những hoài niệm.

Ký ức về Hà Nội qua những chuyến tàu

Trong đêm khuya, giật mình tỉnh giấc nghe tiếng còi tàu Bắc – Nam, chợt nhớ về tiếng leng keng tàu điện của Hà Nội năm xưa. Những chuyến xe điện từ Bờ Hồ qua phố cổ, đi Cầu Giấy, về Hà Đông… gần trăm năm xe điện đã mang trong mình biết bao tâm hồn và nỗi bộn bề cuộc sống của người Hà Nội xưa.

Lịch sử tàu điện Hà Nội theo nhiều nguồn thông tin được bắt đầu năm 1900 do Công ty Điền địa Đông Dương (Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine”) - một công ty của Pháp xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc công ty này. Nhà máy đặt ở làng Thụy Khuê, cho tới sau này là trụ sở của Xí nghiệp xe điện Hà Nội.


Năm 1900, người Pháp cho chạy thử chuyến tàu điện đầu tiên từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Chợ Đồng Xuân nằm trên tuyến đường tàu điện chạy qua đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. “Nhà tàu” hái ra tiền, gặt hái bao lợi nhuận. Do vậy, sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).

Tới năm 1929, tàu điện từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) đã tỏa ra 6 ngả: lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống Chợ Mơ và Vọng, nối nông thôn với nội thành.

Thời Pháp thuộc tàu điện chia làm 2 hoặc 3 toa với thứ hạng khác nhau: hạng nhất, hạng hai. Hạng nhất là khoang nhỏ ở toa đầu sát chỗ đứng người lái (thời đó gọi là Vát man) có hai hàng ghế bọc đệm, vé đắt gấp đôi hạng hai ở phía trong toa và các toa sau chỉ có hai hàng ghế gỗ dài theo thân toa. Hàng hóa xếp ở dưới ghế ngồi, thúng mủng quang gánh của các bà các cô thì móc ở toa cuối.

Khi người Pháp rút khỏi Hà Nội, họ tin rằng chỉ sau 3 tháng Hà Nội sẽ không còn tàu điện bởi cơ sở vật chất cho tàu điện hoạt động khi ấy đã gần như kiệt quệ. Thế mà chẳng những thành phố đã duy trì được mà tàu điện còn phát triển, nhiều tàu mới toa mới được đóng thêm. Lúc đỉnh cao ngành đạt được 37-38 triệu lượt khách một năm, bởi vì đi tàu điện vừa rẻ vừa thuận tiện.

Những chuyến xe điện đã mang trong mình hơi thở, tâm hồn của đời sống bao người dân Hà thành một thời. Buổi sáng tinh mơ khi các bà, các cô tấp nập quang gánh trên vai từ các cửa ô chở hàng vào thành phố, tiếng tàu cứ ầm ầm, náo nức. Những trưa hè nắng như đổ lửa, tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray nghe sao uể oải. Vào đêm, khi những ngọn đèn đường tỏa xuống quầng sáng vàng đục, tiếng chuông tàu nghe cũng mệt mỏi như bác tài rã rời sau một ngày bẻ lái.


Đi tàu điện, được ngắm cảnh phố phường, thăm thú những địa danh nổi tiếng của Hà Nội là niềm vui của biết bao nhiêu người khách phương xa, của những cô bé cậu bé. Lên tàu, người ta còn được nghe một loại hình âm nhạc đặc trưng gắn liền với tàu điện mà chỉ riêng Hà Nội mới có - xẩm tàu điện. Những đêm mưa phùn, gió bấc, trong tiếng lá rơi xào xạc, những bước chân hối hả bước lên tàu… Giữa cái rét se lạnh, mệt mỏi, hành khách bỗng ấm thêm bởi tiếng hát, tiếng nhị, tiếng phách của bố con ông hát xẩm.

Quang cảnh phố phường ngày ấy vừa thanh bình, vừa vui, vừa buồn, vừa mang hồn phố. Những chuyến tàu điện cũng từng là nhân chứng tiễn những đoàn quân ra trận, lên chốn biên cương, vào Nam chiến đấu. Cần mẫn, chăm chỉ đưa những chàng lính trẻ đứng trên tàu, cố chìa tay ra khỏi ô cửa để  được chạm vào bàn tay cô bạn gái làng hoa lần cuối, để rồi người đi mất hút vào cuối phố, người ở lại nhìn theo tay vẫy vẫy hoài, tiếng leng keng xa dần, nhỏ dần rồi tắt lịm...

Hơn hai phần ba thế kỷ bền bỉ, từ ngày Thủ đô được Giải phóng biết bao chuyến tàu ra tàu vào, xuống Mơ, lên Bưởi, không một ngày ngừng nghỉ. Nhưng rồi nó cũng không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại, trước sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội, xe điện bị xóa sổ, lùi vào dĩ vãng, nhường cho xe bus.

Tàu điện Hà Nội tồn tại gần một thế kỷ. Biết bao lớp người đã dùng tàu điện làm phương tiện đi lại hằng ngày. Tiếng chuông leng keng của nó tạo nên nét riêng biệt độc đáo của thành phố, đi vào tâm hồn nhiều người dân Hà Nội như một điều gì đó đặc trưng, khó phai nhạt trong ký ức. Hơn 20 năm kể từ ngày những toa tàu sơn đỏ cũ kỹ già nua dừng hẳn hoạt động của mình, tàu điện vẫn là một đặc trưng văn hóa riêng biệt của riêng Hà Nội mà khi nhắc đến, những thế hệ trung niên, lão niên của Hà Nội vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm thân quen gắn liền với những chuyến tàu.


Hình ảnh tàu điện cũng đã đi vào thi ca, nhạc, họa, tạo nên một hình ảnh đẹp về mảnh đất này. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong bài “Nhớ về Hà Nội” nổi tiếng cũng đã khắc khoải nhắc nhớ đến hình ảnh một thuở: “Nhớ những con đê dài lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”

“Tàu điện” hôm nay

Những chiếc xe bus hôm nay đang hối hả làm công việc của xe điện ngày xưa. Những tuyến xe điện xưa còn đếm trên ngón tay, giờ những tuyến bus đã vươn khắp ngõ phố đường quê Hà Nội, lên Sóc Sơn, đi Ba Vì, về Bát Tràng, xuôi Phủ Lý… tất thảy hơn 320km. Tiếng leng keng ngày nào là kỷ niệm, nhưng giờ tiếng còi bus và cái màu vàng thân xe đang giúp nhiều người dân thành phố cũng như một số tỉnh lân cận Hà Nội đi lại thuận tiện hơn.

Trong tương lai không xa, ngoài những chuyến xe bus, người Hà Nội sẽ đi tàu điện trên cao. Xa hơn, Hà Nội sẽ có cả những chuyến tàu điện ngầm hiện đại. Đi ngầm, đi trên cao, với vô số điểm giao cắt không đồng mức nên Hà Nội sẽ không chỉ có một ngã ba như tàu điện ngày xưa. Rồi đây, khách đi tàu phải đến ga, lên toa lắp ghế đẹp, êm bóng, có máy điều hòa, tiếng chạy êm ru… liệu có ai nhớ đến “tiếng leng keng tàu sớm khuya” như trong bài hát kia?

Những người yêu Hà Nội thì thầm với nhau: Giá như nơi phố cổ lại có tàu điện leng keng, cần mẫn đưa khách đến chợ đêm, ngày một đông vui mà không phải tổ chức những bãi trông, giữ xe ngổn ngang giữa đường phố như bây giờ…

Thanh Thảo(tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu