A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống mãnh liệt của múa rối nước Đào Thục

Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, là di sản văn hóa quý giá được lưu truyền qua bao đời. Trải qua bao thăng trầm, nhưng với tâm huyết và tình yêu nghệ thuật, những nghệ nhân - nông dân làng rối nước Đào Thục vẫn duy trì được sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống này. Không những thế, họ còn đưa nghệ thuật múa rối nước bay xa, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật cộng hưởng đặc biệt

Cách trung tâm Hà Nội khoảng chừng 25 km, làng múa rối nước Đào Thục thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời, và là nơi sản sinh ra những nghệ nhân múa rối nước tài ba của Việt Nam.

Văn bia đình làng Đào Thục còn ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời Hậu Lê, cách đây khoảng hơn 300 năm. Tổ nghề là ông Đào Đăng Khiêm, người từng làm quan trong triều đình. Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy người dân nghệ thuật múa rối nước.

Mỗi con rối đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian Việt Nam
Mỗi con rối đều được điêu khắc theo từng hình tượng nhân vật trong những câu chuyện dân gian Việt Nam

Nghệ nhân múa rối nước Nguyễn Thị Thuận cho biết: Khác với những loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương... múa rối nước là loại hình nghệ thuật cộng hưởng đặc biệt. Với những bộ môn nghệ thuật khác, người nghệ sĩ sau khi học và tìm hiểu nghệ thuật thì sẽ trực tiếp lên sân khấu để biểu diễn tài nghệ của mình. Còn những người múa rối nước phải đứng sau tấm mành sân khấu, quấy đảo mặt nước bằng những con rối và bộc lộ hết tâm tư, thái độ, tình cảm của nhân vật mình đang vào vai thông qua một cái sào. 

"Diễn làm sao để cái hồn của nhân vật được thể hiện trong từng động tác của con rối. Khi tâm hồn người nghệ nhân đã hòa quyện vào tâm hồn của tác phẩm, đó chính là sự cộng hưởng cao nhất trong nghệ thuật”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận chia sẻ.

Các con rối thường được chế tác bằng gỗ sung và gỗ sữa
Các con rối thường được chế tác bằng gỗ sung và gỗ sữa

Nghệ thuật cộng hưởng được thể hiện trong từng cá nhân và trong cả tập thể của phường múa rối nước Đào Thục. Người nghệ nhân rối nước ở Đào Thục không chỉ cần tình yêu và đam mê với rối nước, mà còn cần sự tập trung cao độ, khi vừa nghe nhạc, vừa điều khuyển con rối đơn, có lúc là đôi hay ba, vừa phải kết hợp với những nghệ nhân rối nước khác sao cho nhịp nhàng, uyển chuyển tạo nên một sân khấu múa rối nước mãn nhãn, sự kết nối liên tục đã rèn luyện cho người nghệ nhân trở nên nhạy bén và thêm yêu, gắn bó với nghề.

“Đấy là cái tài hoa, cái khó “đặc biệt” của người nghệ nhân múa rối nước”, chị Hương, một nghệ nhân múa rối nước của làng Đào Thục nói.

Những con rối là tâm tư, tình cảm, là đại diện cho linh hồn của mỗi một nhân vật
Những con rối là tâm tư, tình cảm, là đại diện cho linh hồn của mỗi một nhân vật

Độc đáo chế tác rối

Sự độc đáo khi chế tạo một con rối, là nghệ nhân phải nghiên cứu, đào sâu, tạo ra từng đường nét của con rối bằng trí tưởng tượng và sự quan sát thế giới xung quanh. Những vật liệu được sử dụng chế tạo rối nước gắn liền với cuộc sống của người nông dân xưa. 

Những con rối là tâm tư, tình cảm, là đại diện cho linh hồn của mỗi một nhân vật, con vật trong tích trò nên người chế tác thường sử dụng gỗ của cây sung để đẽo gọt, tạo thành hình hài từng con rối . 

“Ở Đào Thục rối được làm từ gỗ sung. Bởi rối làm từ gỗ sung chỉ có mòn đi  sau những năm tháng sử dụng, chứ không hề mọt hay nứt vỡ, cũng giống lời chúc của cha ông vẫn còn mãi chẳng hề mất đi. Sau này, tôi có sử dụng thêm cả gỗ cây hoa sữa để chế tác rối, vẫn bảo đảm được độ nhẹ và không hút nước, còn mang tới một ý nghĩa nhân văn về cuộc sống là chúng ta đều được sinh ra và nuôi lớn từ dòng sữa mẹ”, ông Nguyễn Văn Phi, nghệ nhân chế tác rối thủ công duy nhất của Đào Thục chia sẻ.

Mỗi một con rối đều có cái hồn, cái nét của riêng
Mỗi một con rối đều toát lên cái hồn riêng

Ngoài ra, nghệ nhân chế tác dùng cây tre được lựa chọn làm vật liệu quan trọng trong chế tạo sào điều khiển rối nước. Sào làm bằng tre nhẹ nhưng rất chắc tay, mềm dẻo có sức đàn hồi tốt. Nghệ nhân rối nước ở đầu này nẩy một, thì con rối bên kia cũng uyển chuyển thêm được vài phần.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho biết, trong cơ chế thị trường, không ít người từng hỏi ông sao không mua máy về để tự nó đúc ra con rối theo khuôn, đẹp đẽ mà mười con đều như một, cần gì phải vất vả đẽo gọt từng con. Nhưng ông bảo, cái giá trị sâu sắc của người tạo nên con rối nằm ở chính từng vết khắc, cái đục đó. Mỗi một con rối đều có cái hồn, cái nét riêng.

Không chỉ trực tiếp sáng tác các tích trò và biểu diễn, người Đào Thục còn đích thân làm ra những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… vô cùng sinh động và bắt mắt, trở thành nét riêng độc đáo của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

Mỗi nghệ nhân làng Đào Thục đều coi múa rối nước là đứa con tinh thần, ăn cùng rối nước, ngủ cùng rối nước. Tuy nhiên, chính nét riêng biệt của nghề múa rối nước làng Đào Thục đã để lại dấu ấn tới người dân trong nước và quốc tế.

Bằng tình yêu nghệ thuật, những người nông dân làng Đào thục đã sáng tạo nên những con rối và trở thành nghệ thuật múa rối nước
Bằng tình yêu nghệ thuật, những người nông dân làng Đào thục đã sáng tạo nên nghệ thuật múa rối nước độc đáo

 

Giá trị qua thời gian

Nhắc đến múa rối nước làng Đào Thục, người ta không khỏi bất ngờ khi có tới 10 tích trò nổi tiếng và đa phần đều là những vở rối truyền thống từ thời sơ khai. Hầu hết các tiết mục múa rối nước đều bắt nguồn từ những câu chuyện có thật trong dân gian như cấy lúa, câu cá, chăn trâu… hay nhiều tiết mục được biểu diễn theo tích truyện Thạch Sanh đánh Chằn tinh cứu nàng Công chúa, sự tích Sọ dừa, sự tích chú Cuội...

Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng múa rối nước Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch “chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”… thu hút đông đảo người xem.

Giá trị văn hóa phi vật thể của làng rối nước Đào Thục được thể hiện qua thời gian, bên cạnh những tích trò cổ, lưu giữ qua nhiều thế hệ, còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Một trong những nhân vật nổi tiếng và góp mặt trong hầu hết các tiết mục múa rối chắc chắn không thể không nhắc đến chú Tễu. Đặc biệt, trong múa rối làng Đào Thục, hình ảnh chú Tễu với tên gọi “anh Ba Khí” còn được chế tác vô cùng chân thực, khi trên tay cầm quạt mo phe phẩy và có màn chào hỏi “đốt pháo bật cờ” rất độc đáo.

Phường rối nước Đào Thục ngày càng thu hút đông đảo du khách
Phường rối nước Đào Thục ngày càng thu hút đông đảo du khách

Về điểm khác biệt giữa múa rối nước làng Đào Thục so với các làng nghề múa rối khác, Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho biết: "Múa rối nước tại làng Đào Thục khi biểu diễn vừa có thể chuyển động tịnh - tiến, đi chéo hoặc cử động được cả hai tay giúp người nghệ nhân có thể linh động, nhịp nhàng trong lúc biểu diễn".

Vì vậy, mà hàng năm làng rối nước Đào Thục đều mở các lớp dạy nghề múa rối nước, nhằm truyền lại nghề hơn 300 tuổi cho thế hệ tương lai. Mỗi học viên sẽ mất vài tháng để học nghề và sau khi học xong khóa múa rối nước thì đi biểu diễn khoảng 2 năm thì mới được chính quyền công nhận là nghệ sĩ múa rối nước.

Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nghề múa rối nước làng Đào Thục phải tạm đóng cửa. Tuy nhiên, hiện tại nghề múa rối nước Đào Thục đã trở lại. Phường rối nước luôn sẵn sàng tham gia biểu diễn mỗi khi có những đoàn du khách tới thăm làng, có nhu cầu muốn xem biểu diễn rối nước truyền thống.

Thùy Linh/ baodantoc.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu