Rực rỡ kho tàng di sản văn hóa Chăm
Nền văn hóa Chăm vô cùng rực rỡ với nhiều lễ hội, di tích, nghề truyền thống, trong đó có “Nghệ thuật làm gốm Chăm” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.
Những lễ hội nổi tiếng của người Chăm
Trong một năm, người Chăm có nhiều lễ hội truyền thống như: tết Ramưwan, lễ hội Katê, lễ cầu mưa, lễ hội Roya Phik Trok, lễ hội Tháp Bà Po Nagar, lễ mở cửa tháp… Trong đó tết Ramưwan và lễ hội Katê được xem là hai sự kiện văn hóa lớn nhất của đồng bào Chăm.
Tết Ramưwan là sự kiện quan trọng nhất trong năm, là dịp để mọi nhà sum vầy, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, mùa màng tươi tốt. Vào dịp này, người Chăm dù có đi đâu xa cũng đều cố gắng trở về để thờ cúng tổ tiên, quây quần cùng người thân và gia đình.
Tết Ramưwan thường diễn ra vào tháng Ba hoặc tháng Tư dương lịch và kéo dài trong vòng một tháng. Trong tết Ramưwan, lễ tảo mộ là phần lễ quan trọng nhất. Vào ngày này, người Chăm theo đạo Bà ni sẽ mặc trang phục truyền thống và tập trung về các động (nghĩa trang của người Chăm) để cùng nhau thực hiện nghi thức tảo mộ, cúng thỉnh tổ tiên, ông bà. Lễ vật dâng cúng trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm có trầu cau, nước uống, bánh kẹo… Mộ của người Chăm cũng có nét khác biệt đó là không xây kiên cố mà chỉ phủ cát bằng ngang mặt đất và được đánh dấu bằng một hòn đá tròn. Các ngôi mộ xếp thành những hàng dài rất độc đáo.
Bên cạnh tết Ramưwan, lễ hội Katê cũng là một lễ hội lớn trong năm. Đây là lễ hội của người Chăm theo đạo Bàlamôn, diễn ra vào đầu tháng 7 lịch Chăm (nhằm vào tháng 10 dương lịch). Lễ hội được tổ chức ở các khu tháp Chăm cổ.
Ở Bình Thuận - địa phương có cộng đồng người Chăm sinh sống đông thứ hai ở Việt Nam, sau tỉnh Ninh Thuận - có khu di tích tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết) luôn được chọn là địa điểm chính tổ chức lễ hội Katê suốt nhiều năm qua, bởi đây vừa là một địa chỉ văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Chăm, vừa là một địa chỉ tham quan, thu hút rất đông du khách.
Trong ngày diễn ra lễ hội, nhiều nghi lễ đặc trưng, độc đáo được thực hiện tại tháp Pô Sah Inư như: lễ mở cửa tháp, cúng đại lễ, thỉnh rước kiệu trang phục nữ thần Pô Sah Inư, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, cúng mừng Katê trước tháp chính… với ý nghĩa thiêng liêng tạ ơn các thần linh đã giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cũng như để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ông bà, tổ tiên. Ngoài ý nghĩa trên, vào dịp này cộng đồng người Chăm còn đến tháp Pô Sah Inư hành lễ để cầu mong sức khỏe, sự bình an, gia đình được tổ tiên thần linh phù hộ, con cháu làm ăn phát đạt gặp nhiều may mắn.
Điệu múa truyền thống trong lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Thành
Lễ hội Katê cũng là dịp để đồng bào Chăm trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, múa hát dân ca Chăm, các thanh niên thì tham gia thi thổi kèn saranai, thi biểu diễn trang phục truyền thống, thi gói bánh, giã gạo, trang trí và trưng bày lễ vật… Các hoạt động diễn ra rất sôi nổi và hấp dẫn người xem. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa Chăm như trình diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm, trưng bày các đặc sản địa phương… Tất cả tạo nên một lễ hội Katê rực rỡ sắc màu và đậm đà bản sắc văn hóa Chăm.
Lễ hội Katê không chỉ đáp ứng nhu cầu tôn giáo của đồng bào Chăm mà từ lâu đã trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá vẻ đẹp văn hóa Chăm.
Độc đáo nghệ thuật làm gốm Chăm
Không ai biết chính xác nghề gốm của người Chăm có từ bao giờ, chỉ biết là đã có từ rất lâu đời. Ngày nay, nghề làm gốm của người Chăm còn tồn tại và phát triển khá mạnh ở hai nơi là làng gốm Bình Đức (xưa có tên là làng Ligok) ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận và làng gốm Bàu Trúc (xưa có tên là làng Hamu Crok) ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận được cho là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, tồn tại từ khoảng cuối thế kỉ 12 đến nay, và vẫn duy trì phương thức sản xuất hoàn toàn thủ công thô sơ như từ ngàn năm trước.
Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc tạo hình những sản phẩm độc đáo. Ảnh: Công Đạt /Báo ảnh Việt Nam
Ngày 29/11/2022, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi vào danh sách các di sản của UNESCO.
Nét độc đáo trong kĩ thuật làm gốm ở Bàu Trúc là người thợ không dùng bàn xoay như ở các vùng làm gốm khác mà khối đất sẽ được đặt cố định một chỗ, còn người làm sẽ vừa đi vòng quanh khối đất vừa khéo léo dùng tay để tạo hình sản phẩm. Gốm Bàu Trúc không đúc bằng khuôn, tất cả đều được nặn bằng tay, vì thế sản phẩm thường mang tính độc bản, không cái nào giống cái nào.
Hoa văn trên gốm Bàu Trúc đa phần đều mang chủ đề về sông nước, cỏ cây, đất trời và những nội dung về tôn giáo. Cách nung gốm ở Bàu Trúc cũng rất độc đáo, đó là không nung bằng lò mà được chất đống ngoài trời rồi đốt bằng củi, rơm và trấu với nhiệt độ khoảng 800 độ C trong thời gian từ 5 đến 8 tiếng tùy vào kích cỡ sản phẩm.
Theo tục xưa truyền lại, trước khi nung gốm gia chủ sẽ chọn ngày tốt và phải sắm một ít lễ vật để cúng ông tổ nghề và giới thần linh, nhằm thể hiện mong muốn các sản phẩm gốm nung ra được “chín” đều, không bị hư hỏng, thiệt hại.
Sản phẩm truyền thống của gốm Bàu Trúc có nhiều loại, đặc trưng như: lu, chum, vại, lò, ấm, nồi… Ngày nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đã nhanh nhạy nghiên cứu sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới có tính mĩ thuật cao để phục vụ du lịch, thương mại.
Nói về hướng đi lâu dài và bền vững để phát triển sản phẩm gốm thủ công Bàu Trúc, ông Phú Hữu Minh Thuần, Chủ tịch HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: “Chúng tôi luôn tìm tòi, nghĩ ra nhiều ý tưởng mới; luôn thay đổi, cải tiến mẫu mã để phù hợp với thị hiếu của thị trường. Hiện chúng tôi có khoảng trên 10 nghìn mẫu sản phẩm, trong đó có khoảng 500 mẫu chính. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc đầu tư cho nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ. Đồng thời có kế hoạch kết hợp với du lịch để phát triển làng nghề nhằm khai thác tối đa tiềm năng của địa phương.”
Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại./.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh” Nghệ thuật làm Gốm
của người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Ảnh: Lê Minh/Báo ảnh Việt Nam
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số người Chăm ở Việt Nam là 178.948 người, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, An Giang… Trong đó, đồng bào Chăm sinh sống tập trung nhiều ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 2022, lễ hội Katê của người Chăm ở tỉnh Bình Thuận được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nội dung: Sơn Nghĩa
Ảnh: Lê Minh, Công Đạt, Nguyễn Luân, Hữu Thành/ Báo Ảnh Việt Nam và Tư liệu