Phong tục cúng đầu heo ở miền quê Nam Bộ
Vật cúng chính là cái đầu heo được bày trí cẩn thận, đẹp mắt |
Không biết tự giờ, nhưng khi người dân tứ xứ đến vùng sông nước Cửu Long khai hoang lập làng dựng xóm, mở chợ, người bình dân mang theo nhiều phong tục tập quán. Dần dần, nó hình thành nét sinh hoạt văn hóa phi vật thể dân gian. Từ những nghi thức lễ trong ngày tết, đến nghi thức lễ ngày giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi…
Làng quê, xóm ấp hay gia đình có chuyện gì đó vẫn thường cậy nhờ vào người biết cúng lễ (có nơi gọi là thầy cúng, thầy mo…) giúp đỡ, người trong họ mạc, gia đình có mặt, van vái và những vật tế trong lễ lớn không thể thiếu cúng đầu heo.
Cũng có tích xưa kể rằng, thực tình là người vái muốn trả lễ bằng cả con heo, nhưng nhà nghèo, làm heo thêm nợ nần, nên dân quê tự đơn giản hóa, đem đầu heo thay cho cả con heo. Thật thú vị khi có sự chuyển đổi độc đáo này.
Trong ngôn ngữ dân gian cũng có thành ngữ “mượn đầu heo nấu cháo”, hay khi đem đến cho người làm mai mối để trai gái nên vợ nên chồng, đầu heo cũng là lễ vật không thể thiếu. Tất cả đều nằm trong nghĩa thay thế đó.
Trở lại nghi thức cúng đầu heo, khi chuẩn bị người ta phải tìm đủ thứ trong mình heo. Miếng mỡ chài sẽ chùm lên cái đầu được cắt ngang cổ heo. Rồi cái chót đuôi, bốn móng heo, chút gan, chút tim, chút lòng, … mỗi thứ đều phải có. Tất cả đem về làm thật sạch, rồi luộc chín trong nồi cháo nấu bằng gạo trắng. Khi cháo đã chín nhừ, đầu heo cũng đủ chín tới, người ta vớt ra để đầu heo trên mâm rồi bắt đầu trang trí sao cho đẹp mắt.
Mâm cúng sau khi đã chuẩn bị tươm tất, được bày ra, cùng ba hay năm, bảy chén cháo, nhang đèn thắp sáng, người chủ bắt đầu ván vái để trả lễ cho “thần linh khuất mặt”.
Cúng đầu heo là cúng mặn bởi có thịt, khác với cúng chay toàn đồ ngũ cốc hương hoa phẩm oản. Lễ cúng mặn này nằm trong mạch chảy “tế thần”, nhưng đã được thích nghi từ rất lâu đời, có trong tâm thức đến hành động thiết thực của người miền quê vùng đất Tây Nam Bộ trù phú này.
(Theo Dân Việt)