A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Níu giữ những đêm khan ở lại với buôn làng

Cùng với cồng chiêng, sử thi (đồng bào Ê Đê gọi là klei khan) là di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên. Xu hướng phát triển của cuộc sống hiện đại, những đêm khan huyền thoại dần vắng bóng. Trước thực trạng đó, chính quyền và các nghệ nhân ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để níu giữ những đêm khan ở lại với buôn làng.

Không gian diễn xướng sử thi trong nhà dài truyền thống, bà con quây quần bên chóe rượu cần

Những cách làm hay

Huyện Cư M’gar là vùng đất sinh ra sử thi Đam San nức tiếng của người Ê Đê; là nơi còn lưu giữ đậm nét những giá trị văn hóa dân gian của người Ê Đê, đặc biệt là sử thi. Người Ê Đê có câu ca: “Thiếu tiếng chiêng, tiếng kư ưt, tiếng khan như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối…”. Điều đó đã khẳng định, sử thi là một trong những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của người Ê Đê. Hiện nay, các dân tộc Tây Nguyên có khoảng 80 sử thi. Trong đó nổi bật là các sử thi như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao - Đăm Rao…

Là một trong những nghệ nhân thuộc và hát kể được nhiều bài sử thi của người Ê Đê, Nghệ nhân ưu tú Y Wang HWing ở buôn Triă, xã Ea Tul, coi điệu khan thân thuộc như hơi thở cuộc sống của chính mình. Dù khó khăn trong cuộc sống, nhưng bao năm qua, nghệ nhân Y Wang vẫn say mê hát kể cho mọi người nghe và sẵn sàng truyền dạy cho người muốn học.

Nghệ nhân Y Wang HWing chia sẻ: Kể khan là sinh hoạt văn hóa dân gian được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Không gian thiêng liêng để kể khan là bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và bà con trong buôn quây quần. Bây giờ trong buôn làng của ông, không hát kể sử thi thường xuyên như ngày xưa, nhưng dịp mùa vụ, nghi lễ vòng đời, lễ hội của buôn hoặc chính quyền địa phương tổ chức, bà con lại tập trung nghe nghệ nhân hát kể. Người hát kể sử thi cũng đông hơn, trong đó đủ tầng lớp từ trung niên, thanh niên và cả thiếu niên.

Người Ê Đê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Mỗi tác phẩm sử thi là một câu chuyện dài, có thể dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nội dung cơ bản của sử thi Ê Đê chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, sử thi Ê Đê còn miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người về một thế giới tốt đẹp hơn giữa người với người, giữa con người với thế giới tự nhiên và giữa con người với các đấng thần linh...

Để bảo tồn sử thi Ê Đê, những năm qua ngành văn hóa đã mở những lớp truyền dạy hát kể sử thi. Địa phương cũng định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa như Ngày hội Làng văn hóa các dân tộc xã Ea Tul được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, đã tạo môi trường, không gian nghệ thuật để sử thi cũng như các giá trị văn hóa được diễn xướng.

Các học việc nhỏ tuổi (ngồi ghế bên phải) cũng thuộc và trình diễn một số đoạn sử thi

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Cư M’gar tổ chức lớp diễn xướng, truyền dạy sử thi của người Ê Đê tại xa Ea Tul. Lớp học có 20 học viên là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc Ê Đê tham gia. Trong thời gian 2 tháng, các nghệ nhân cung cấp, trang bị những kiến thức cơ bản về sử thi, nghệ thuật diễn xướng hát kể sử thi của người Ê Đê.

Lớp truyền dạy sử thi không những tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa sử thi trong đồng bào dân tộc Ê Đê.

Theo thống kê, đến nay huyện Cư M’gar còn 7 sử thi được ghi âm và phổ biến trong cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk, trong đó có 3 sử thi được biên dịch và xuất bản thành sách vào cuối năm 2010. Trong đó sử thi Đam San lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk nói chung và huyện Cư M’gar nói riêng. Nhiều thế hệ người Ê Đê trong các buôn làng ở huyện Cư M’gar biết hát sử thi này, coi đó như một biểu tưởng văn hóa đáng tự hào của dân tộc mình.

Để sử thi còn mãi

Ngày nay, nghệ thuật hát kể sử thi của người Ê Đê vẫn được các thế hệ nghệ nhân trong các buôn trên địa bàn huyện Cư M’gar như Y Yêm Hwing, Y Wang Hwing, bà H’Bung Mlô… và thế hệ kế cận, gồm Y Thin Niê, Y Dhin Niê, Y Rang Kla và chị H’Ru Hwing gìn giữ, thực hành và trao truyền.

Nghệ nhân ưu tú Y Wang Hwing (thứ 2 bên phải) hát kể sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê

Xã Ea Tul được xem là chiếc nôi lưu giữ văn hóa dân gian của dân tộc Ê Đê, tiêu biểu nhất là sử thi. Vì thế, đầu tháng 8/2023, ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk đã chọn xã Ea Tul để tổ chức ghi âm, ghi hình diễn xướng di sản sử thi làm tư liệu nhằm gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Trong ngôi nhà truyền thống của gia đình bà H’Bung Mlô, cộng đồng người Ê Đê ở buôn Triă, xã Ea Tul quây quần bên những chóe rượu cần, nghe âm thanh du dương của sáo ống, nhịp điệu trầm bổng, lúc nỉ non, khi oai hùng của những bài kể khan.

Các thế hệ nghệ nhân thay nhau diễn xướng trong không gian truyền thống đậm chất sử thi. Những nét cơ bản về lối hát kể khan, cách láy luyến làn điệu với lời hát kể, phương thức thực hành kỹ năng diễn xướng, cách ứng tác và ngẫu hứng sáng tạo trong nghệ thuật diễn xướng sử thi, đã được ghi lại cả bằng âm thanh và hình ảnh một cách sinh động.

Ông Y Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar chia sẻ, nhìn từ thực tế, trong cuộc sống xã hội hiện đại ít nhiều tác động đến đời sống của bà con buôn làng nên một thời gian dài, ở nhiều buôn làng Ê Đê, đã thưa dần, thậm chí vắng bóng những đêm khan huyền thoại.

Trước thực tế này, bằng nhiều giải pháp, huyện Cư M’gar đã khôi phục nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc, trong đó có các lễ hội của người Ê Đê. Nhờ đó, những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê vẫn được duy trì, thực hành thường xuyên dưới nhiều hình thức. Những nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, tâm linh đến hoạt động diễn xướng dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng, hát kể sử thi...đã được nghệ nhân ở các buôn làng trên địa bàn huyện gìn giữ, thực hành và truyền dạy.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trên địa bàn huyện hiện còn 447 nghệ nhân đánh chiêng, 117 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 66 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 179 nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc, 72 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, 63 nghệ nhân tạc tượng, 318 nghệ nhân biết lời nói vần, 44 nghệ nhân kể sử thi, 69 đội văn nghệ…

Hoàng Thùybaodantoc.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu