A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người K’Ho

Người K’Ho là một trong các dân tộc bản địa của Tây Nguyên, họ sinh sống chủ yếu ở vùng Nam Tây Nguyên. Đến nay các lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’ho vẫn còn được bảo lưu và phát huy.

Làng là đơn vị tổ chức xã hội mang tính cộng đồng của người K’ho. Mỗi làng dựng trên vùng đất hai ba cây số vuông có thể là sườn núi cao hoặc dưới thung lũng sâu. Ranh giới các làng được quy ước bằng các dấu mốc tự nhiên như sông suối, đỉnh dốc.

Nhà ở của người K’ho có hai dạng: nhà sàn và nhà sạp. Nhà sàn thường là của gia đình giầu có và khá giả trong buôn. Nhà lợp tranh hai mái uốn, có vách phên nghiêng ra ngoài nẹp tranh để chống cái lạnh. Trước đây các nhà sàn thường được dựng cao hơn để phòng thú dữ, phía trước cửa thường có cầu thang rộng hoặc bằng một cầu thang buộc dây hay một cây gỗ có khắc bậc. Người nghèo do ít có điều kiện chuẩn bị nên hay làm nhà sàn thấp hoặc nhà trệt có vách hoặc hai mái úp xuống đất.



Người K'Ho sinh hoạt văn hóa 

Người K’ho có thói quen làm vườn nhà và ngày nay đã bắt nhịp được với tập quán mới, chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả. Đồng bào có thói quen chăn nuôi gia súc làm sức kéo, nuôi gia cầm làm thức ăn và sản phẩm hàng hóa trao đổi. Một phần gia súc gia cầm được dùng vào công việc tế lễ của bà con các gia đình trong cộng đồng.

Nghề thủ công gia đình chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, những sản phẩm của đồng bào một phần đã thành hàng hóa giao lưu thị trường trong đó có đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nghề dệt vải khá phổ biến với những sản phẩm hoa văn đặc sắc. Nghề gốm thủ công nặn tay chưa có bàn xoay cũng được bà con sản xuất quy mô nhỏ hộ gia đình.

Trước kia đồng bào sử dụng lương thực dưới dạng cơm lam nấu trong các ống tre tươi, sau đó mới có nồi đất, nồi đồng và gang thay thế. Các món ăn chủ yếu được chế biến khô để tiện ăn bốc. Nước uống đựng trong các ghè, vỏ quả bầu khô. Rượu cần được sử dụng rộng rãi nhất là trong các dịp nghi lễ, đàn ông, đàn bà K’ho đều hút thuốc theo kiểu lá thuốc phơi khô cuộn lại.



Người K'Ho trồng lứ nương 


Trang phục dân tộc K’ho có nhiều nét tương đồng với trang phục các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Đàn ông K’ho đóng khố, khoác chăn về mùa rét, mùa nóng ở trần, khố của họ quấn kiểu chữ T, có hoa văn dải dọc theo chiều dài thân khố để trang trí.

Phụ nữ K’ho mặc váy mặc áo chui, có ba loại áo ngắn thân, áo cộc tay, áo dài. Váy là tấm vải quấn quanh người và ngắn cạp. Nền váy màu đen, cạp, thân và gấu váy dệt những sợi hoa văn vàng, trắng. Mùa rét phụ nữ có thói quen quàng tấm chăn như nam giới. Trang sức K’ho có vòng cổ vòng tay bạc, hạt cườm, khuyên tai…

Hôn nhân ở người K’ho theo chế độ mẫu hệ nên gọi là tục bắt chồng (kup bao), để đến với hôn nhân người con trai vẫn thường chủ động làm quen với cô gái và dựa trên sự ưng thuận của đôi nam nữ, cấm kị hôn nhân cùng huyết thống con chú con bác, con dì con già (trừ trường hợp con cô con cậu có thể lấy nhau được). Theo chế độ mẫu hệ con trai lấy vợ ở rể, con cái mang theo họ mẹ.

Người con gái có quyền lựa chọn chồng, khi bằng lòng ai thì báo với mẹ cha và nhờ người mai mối. Người làm mối mang lễ vật gồm vòng đồng, chuỗi hạt cầu hôn thì sẽ tiến hành hôn lễ. Cô gái được mẹ cha, người mối dẫn đến nhà trai hôn lễ tổ chức tại đó với tiệc ăn uống của gia đình, cộng đồng. Sau lễ cưới chàng trai về ở bên nhà vợ, mang theo của hồi môn chiêng, ché, trâu, bò, đồ dùng cá nhân.

Luật tục K’ho trai gái quan hệ trước hôn nhân không bị cấm kỵ gay gắt nhưng khi đã có gia đình thì ngoại tình bị luật tục trừng phạt nặng nề. Hiện tượng ly hôn rất hiếm xảy ra và phải được chủ làng ưng thuận. Chế độ một vợ một chồng K’ho rất bền vững tạo ra mô hình gia đình phổ biến là hòa thuận.

Tang ma của người K’ho mang tính cộng đồng cao. Quan tài làm bằng cây gỗ khoét rỗng có nắp đậy và được trát kín kẽ hở bằng cơm nếp. An táng chôn theo đồ dùng cá nhân của người quá cố. Tương đồng với nhà dài của người sống, người K’ho quá cố cũng ở trong “mồ dài” mỗi gia đình có một khu mộ rộng có mái che, người chết sau chôn kế tiếp người chết trước.

Người K’ho tin rằng mọi mặt đời sống đều do các thế lực siêu nhiên quyết định và trong quan niệm của họ có một bên là thần thánh (Yang) luôn luôn phù hộ cho con người và đối lập với các thần linh là ma quỷ, gọi chung là Chà, luôn gây tai họa phá nhà, phá mùa, gieo rắc dịch bệnh, ăn linh hồn chết… Quan niệm của người K’ho là các thần thích uống rượu và ăn thịt, vì thế cúng thần linh thường có rượu cần, trâu, lợn, dê, gà… lễ cúng thần cúng Yang ở cấp độ gia đình và làng (bon), lễ cúng ở gia đình gồm lễ gieo hạt, lễ cầu lúa nhiều bông, lễ cầu lúa chín, lễ cúng ở cấp độ làng vào lúc lúa đứng cái xanh đòng. Khi thu hoạch xong các nhà làm lễ cúng bên các kho thóc.

Dân tộc K’ho có đời sống văn nghệ phong phú, độc đáo. Thơ ca của họ đậm chất trữ tình giàu nhạc điệu. Nhạc cụ có nhiều nét tương đồng với các dân tộc ở Tây Nguyên: Bộ cồng chiêng 6 chiếc, kèn ống bầu, đàn ống tre. Vũ điệu K’ho được biểu diễn trong các dịp lễ thần và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hệ thống câu đố, tục ngữ, thành ngữ, dân ca truyện cổ K’ho cũng rất phong phú.

Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng cuộc sống mới với những buôn làng văn hóa, những vùng chuyên canh cây lương thực, cây công nghiệp hình thành, những điểm sáng du lịch phát huy trở thành những nét mới trong đời sống đồng bào K’ho./.

(Theo Langvietonline.vn) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu