A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Gia Rai báo hiếu cha mẹ

Trong đời sống của người Gia Rai, việc báo hiếu cha mẹ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện qua cách cư xử với cha mẹ hàng ngày mà còn thể hiện bằng một nghi lễ trang trọng. Khi một cặp vợ chồng đã thành một gia đình nhỏ, ăn bếp riêng và có kinh tế ổn định, đôi vợ chồng sẽ làm lễ tạ ơn để tỏ lòng hiếu nghĩa với cha mẹ.

Được sự đồng ý của cha mẹ, vào ngày đã định, gia đình người con mang lễ vật đến, cúng thần linh và ông bà tổ tiên, sau đó lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng để phẩy rượu lên cha mẹ và con với ý nghĩa cầu may mắn. 

Lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia Rai thường được tổ chức vào dịp nông nhàn, đây là lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng, kinh tế khấm khá. Trước khi tổ chức người con xin phép dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức làm lễ để tạ ơn cha mẹ đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con cái nên người.

Theo phong tục dân tộc Gia Rai, người con chỉ làm lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình, có con và chỉ làm một lần trong đời. Anh chị em sẽ làm lần lượt theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau. Quy mô tổ chức tùy thuộc vào kinh tế gia đình, điều kiện khó khăn thì mổ heo, gà. Người giàu có thì giết trâu, bò… Lễ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, khi mọi vật đâm chồi nảy lộc, khi muông thú về với đại ngàn.

Để chuẩn bị cho lễ báo hiếu, trước tiên, người con phải xin ý kiến của cha mẹ về thời gian tổ chức. Khi cha mẹ cho phép vào khoảng thời gian phù hợp, gia đình người con sẽ mang một số lễ vật đến nhà cha mẹ để tiến hành các nghi lễ.

Sáng sớm, người nhà bắt heo gà làm thịt. Phần thịt ngon nhất, theo quan niệm của người Gia rai là mông, thăn, tim, gan... được cắt riêng, một phần đem nấu chín, một phần để sống trộn với huyết heo, bỏ vào bát đặt bên cây cột chính giữa nhà cùng một ghè rượu mới, thơm ngon.

 Nghi thức tặng trang phục truyền thống cho bố mẹ của vợ chồng trẻ người Gia Rai trước sự chứng kiến của già làng và dân làng.

Bắt đầu buổi lễ, già làng sẽ chất vấn người con về lý do có cuộc gặp mặt này. Đối với người con nay đã trưởng thành, đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, có nhà riêng, có ruộng riêng và làm ăn khấm khá., nên hôm nay, các con muốn tỏ một chút lòng hiếu thảo với cha mẹ về công ơn sinh thành và dưỡng dục. Tấm áo, tấm váy làm quà cho cha mẹ để tỏ lòng biết ơn của các con.

Tiếp theo, già làng cầu khấn tới các thần linh, tới các Yàng cai quản gia đình. Mời các Yàng về ăn con heo, con gà, uống rượu, các thần linh về chứng kiến xua đuổi tà ma và ban sức khỏe cho người cha người mẹ để được ở bên con cháu của mình lâu dài. Sau bài khấn, Già làng lấy một nhánh là rừng nhúng vào ghè rượu rồi vẩy lên người cha, người mẹ và các con. Điều này mang ý nghĩa thân linh sẽ ban sức khỏe và phước lộc cho gia đình.

Già làng nói xong, lần lượt người con trai đem bộ áo, khố trao cho cha, con dâu đem váy, vòng tay, vòng cổ trao cho mẹ. Tiếp theo, bà mối rót rượu mời từ cha mẹ hai bên cho đến đôi vợ chồng uống. Xong lượt, họ bắt đầu rót rượu mời lại bà mối.

Mặc dù là nghi lễ thực hiện trong phạm vi gia đình, nhưng lễ tạ ơn luôn được xem là dịp vui của cả buôn làng, có sự góp mặt của đông đảo bà con. Khi những người con thực hiện xong nghi thức tạ ơn cha mẹ, tất cả bà con cùng ăn uống, múa hát chung vui với gia đình chủ nhà trong cả ngày hôm đó.

Lễ tạ ơn, báo hiếu cha mẹ là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Gia Rai, thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng bề trên của những người con nơi đây. Với họ, nếu không tổ chức được lễ này, sẽ phải mang món nợ ân tình suốt đời với cha mẹ./.

Lam Anh/ baodantoc.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu