Nghề Đậu bạc làng Định Công
Ai đã vào làng Định Công, Hà Nội đều đi qua ngôi đình làng bình yên với bề dày lịch sử gắn liền với đời sống của nhiều người dân thủ đô Hà Nội. Trong đình có đền thờ tổ nghề kim hoàn và xưởng đậu bạc Định Công. Nơi đây có những người thợ trẻ giản dị, kiệm lời những rất đỗi tài hoa. Họ lặng lẽ làm ra những sản phẩm đậu bạc tinh xảo được người Việt Nam và quốc tế rất yêu thích.
Nghệ nhân Quách Tuấn Anh, chủ xưởng đậu bạc bên trong đền thờ tổ nghề kim hoàn làng Định Công đang thiết kế mẫu mã sản phẩm. Ảnh: Thanh Giang
Trước kia, Hà Nội có 4 nghề tinh hoa nổi tiếng đã được khẳng định qua câu ca “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Thợ vàng Định Công đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ nhưng nghề này cũng thăng trầm và mai một. Hiện nay, nghề đậu bạc tại Định Công vẫn đang được gìn giữ từ tâm huyết của dòng họ Quách trong làng. Gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường, Quách Tuấn Anh, Quách Văn Hiểu là một bằng chứng của tình yêu làng nghề Đậu bạc Định Công. Họ đã và đang giữ nghề, truyền nghề và từng bước đưa nghề đậu bạc có chỗ đứng trên thị trường đồng thời đào tạo những người thợ nghề đậu bạc tự tin sống được bằng nghề, cống hiến cho công chúng những sản phẩm đậu bạc đẹp về mỹ thuật, ý nghĩa về văn hóa, làm đẹp, làm sang cho người sử dụng.
Xưởng đậu bạc của gia đình anh Quách Tuấn Anh nằm bên trong đền thờ tổ nghề kim hoàn. Hiện nay, xưởng có 6 người thợ trẻ làm việc. Đa phần thợ làm đậu bạc tại đây đều giản dị, ít lời. Họ cứ miệt mài ngồi bên góc bàn tạo hình và hoàn thiện sản phẩm. Anh Tuấn Anh cho biết: Anh tiếp quản nghề đậu bạc từ bố mình là nghệ nhân Quách Văn Trường, từ nhỏ anh đã tiếp xúc với nghề này và chứng kiến bố mình nấu bạc, thiết kế tạo hình, kéo bạc thành sợi và tết sợi bạc thành sản phẩm. Cứ thế nghề đậu bạc đã thấm vào anh lúc nào không biết. Nghề đậu bạc đòi hỏi người thợ phải kiên trì và khéo tay. Để làm ra một sản phẩm đậu bạc hoàn chỉnh, người thợ phải qua một số bước như: Thiết kế mẫu (vẽ tay), nấu bạc (các thanh bạc cho vào nồi đốt lên), cán bạc, Rút bạc thành sợi, dựng hình sản phẩm theo mẫu, Đậu bạc, đánh bóng và làm sáng sản phẩm.
Để trở thành một người thợ lành nghề không hề dễ dàng ít nhất vừa học và thực hành cũng phải 2 năm tay nghề mới cứng. Năm 2003, anh Tuấn Anh mới bắt đầu tiếp quản xưởng của bố mình. Con đường để làm chủ xưởng và tạo dựng phong cách Đậu bạc truyền thống của gia đình không hề đơn giản. Anh Tuấn Anh vừa phải là người thiết kế, làm ra sản phẩm, đào tạo người thợ. Bên cạnh đó anh cũng là người tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm đậu bạc đến với người tiêu dùng. Anh chia sẻ: Người thợ đậu bạc có cái kiên trì, miệt mài, tỉ mẩn và sự sáng tạo với sản phẩm nhưng lại rất vụng về với cách bán hàng hay giới thiệu sản phẩm của mình. Không giống như sản phẩm bạc công nghiệp có thể sản xuất hàng loạt, các sản phẩm Đậu bạc làng nghề thường làm bằng tay nên một mẫu sản phẩm làm rất công phu. Những sản phẩm phổ thông như Nhẫn, dây chuyền, hoa tai… làm kiên trì thì cũng phải 3 ngày mới xong một mẫu. Còn những mẫu tranh đậu bạc thì kéo dài hàng tháng mới hoàn thiện. Người thợ đậu bạc không làm vội hay qua loa được. Họ làm tỉ mẩn đến khi nào sản phẩm thành công mới ngừng tay chuyển sang mẫu mới.
Các thợ kim hoàn làm việc bên trong đền thờ tổ nghề. Ảnh: Công Đạt
Thợ đậu bạc Lệ Văn Sơn (sinh năm 1996) cho biết: Em vừa học, vừa làm nghề này đã được 3 năm, em bắt đầu từ những mẫu dễ như hoa, lá rồi khó hơn là các mẫu hình có chi tiết bé như các con vật. Em mong có nhiều thợ như em hơn để có cộng đồng người làm nghề đậu bạc cùng học cũng chia sẻ mẫu và cùng trưởng thành, giữ nghề cho làng quê. Còn Chiến, Đạt, Sơn, Nam những bạn trẻ của xưởng đậu bạc Định Công cùng chung suy nghĩ là làm sao phát triển được nghề rộng khắp còn sản phẩm đã đẹp, đã bền thì trước sau cũng được thị trường đón nhận.
Ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như: Nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc…, anh Tuấn Anh đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm là tranh Đậu bạc, ở đó anh đã đưa những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội lên tranh như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ…hay như các loại tranh hoa sen bạc đậu có ý nghĩa an yên, bình thản trong tâm hồn, Tranh mục đồng thổi sáo Đậu Bạc mong cho cuộc sống an yên, ấm no hạnh phúc.
Xưởng Đậu bạc Định Công có rất nhiều mẫu của khách hàng đặt theo sở thích và mẫu đậu bạc do các nghệ nhân thiết kế. Tất cả đều ánh lên sự tinh xảo, độc đáo và phong cách của sản phẩm đậu bạc truyền thống. Tâm huyết của những nghệ nhân đậu bạc làng Định Công là mở nhiều workshop để truyền lửa nghề và hơn thế nữa họ muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương đất nước Việt Nam vào từng sản phẩm đậu bạc thật sự là vật đồng hành bên người không thể thiếu với mỗi người tiêu dùng.
Bài: Bích Vân, ảnh: Công Đạt, Thanh Giang / Báo ảnh Việt Nam