A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét độc đáo trong đặt tên đệm của người Dao (Tuyên Quang)

Theo truyền thống, người Dao không phân biệt con ông chú hay con ông bác, ai ra đời trước sẽ được làm anh, chị. Vậy nên, họ sử dụng hệ thống tên đệm để duy trì và biết được vai vế với nhau.




Ông Đặng Trần Quân, giảng viên bộ môn Lịch sử, Trường Đại học Tân Trào là người nhiều năm nghiên cứu văn hóa Dao. Ông cho biết, mỗi dòng họ đều có một hệ thống tên đệm riêng cho các thành viên nam. Ở ngành Dao đỏ: Họ Bàn sẽ có hệ thống tên đệm là: Kim, Phượng, Xuân, Tiến, Hoa…; họ Triệu có các tên đệm: Văn, Minh, Kim, Tiến, Xuân; họ Lý: Vinh, Nguyên, Phượng, Tiến, Quý…Còn ở ngành Dao Tiền thì họ Bàn có các tên đệm: Cực, Phương, Khánh, Văn, Nguyễn, Tiến…; họ Lý: Văn, Trường, Tài, Toán, Thọ, Tiến… Sử dụng tên đệm lần lượt theo thứ tự thế hệ ông đến con, cháu, chắt… khi đặt hết lại quay về từ đầu. Mặc dù có thể trùng họ, một dòng họ phân chia làm nhiều ngành, nhiều chi nhưng cũng chẳng gây khó khăn gì cho người Dao trong việc nhận biết ai là người có quan hệ họ hàng, huyết thống với mình. Hệ thống tên đệm chỉ sử dụng với nam giới còn tên đệm của nữ giới là Thị, Mùi...

Thôn Bơi, xã Yên Thuận (Hàm Yên) có 89 hộ, người Dao chiếm 90%. Bà con nơi đây vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bà con sử dụng tiếng Dao để giao tiếp hàng ngày, đa số phụ nữ vẫn thường xuyên mặc trang phục truyền thống. Khi nói về việc đặt tên và sử dụng tên đệm, ông Lý Trường Vinh, 75 tuổi cho biết, người Dao thường có hai tên. Tên “cúng cơm’’ và tên dùng giao tiếp ngoài xã hội. Trước khi đặt tên cho con, bố mẹ thường hỏi ý họ hàng xem tên định đặt cho đứa trẻ có trùng với tên của người nào trong họ nội, họ ngoại hay không để tránh. Trong một dòng họ lại có rất nhiều dòng khác nhau và người ta phân biệt các dòng bằng tên đệm và thứ tự các tên đệm. Dòng họ Lý của ông sử dụng hệ thống tên đệm là: Văn, Trường, Tài, Toán…Do đó, lần lượt tên trong gia đình là: Lý Văn Mùi, Lý Trường Vinh, Lý Tài Thịnh…

Chính do cách dùng này, khi gặp nhau, nếu là cùng họ, chỉ cần người ta nói tên đệm của mình ra là người được gặp sẽ biết mình ở hàng anh hay hàng em. Cứ thế xưng hô, nhận vai vế mà không sợ người khác phật lòng. Khi người Dao gặp nhau và muốn biết có họ hàng và thứ bậc như thế nào họ sẽ hỏi: Anh họ gì? - Tôi họ Đặng - Họ Đặng gì…Như vậy chỉ sau cuộc trao đổi ngắn, họ biết được họ và tên đệm để tiện cho việc xưng hô, chào hỏi.

Theo quy định, những người cùng dòng họ phải trên 5, 6 đời mới được phép lấy nhau, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Như vậy, hệ thống các tên đệm không chỉ là dấu hiệu để nhận biết anh em họ hàng, mà qua đó còn biết được mức độ và khung thời gian cấm kết hôn trong dòng họ.

Văn hóa Dao có nhiều nét đặc sắc trong đó việc sử dụng hệ thống tên đệm để phân biệt ngành Dao, thứ bậc, phần nào thể hiện tư duy khoa học của người miền núi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại trong quá trình giao thoa với dân tộc khác, cách sử dụng tên đệm của người Dao một số vùng có sự biến đổi. Nam giới không theo hệ thống tên đệm, họ dùng tên đệm duy nhất là Văn hoặc tự động cải biến tên đệm giống người Kinh như Lý Tuấn Anh, Đặng Huy Hoàng…/.

(Theo Báo Tuyên Quang)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu