Nét đẹp nón lá làng Chuông
“Muốn ăn cơm trắng cá trê,
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”
Nón lá làng Chuông đã đi vào ca dao từ lâu bởi nghề truyền thống của làng đã có đến hơn 300 năm nay. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.
Nét đẹp nón lá làng Chuông
Người làng Chuông không biết ai là ông tổ của nghề nón, chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa tự thuở nào. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được dùng cung tiến hoàng hậu, công chúa trong cung cấm. Hàng trăm năm qua, nón lá đã gắn với người phụ nữ Việt Nam để làm nên hình ảnh duyên dáng và yêu kiều.
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
(Hoàng Cẩm Thạch)
Không quá nhộn nhịp như các làng nghề khác, nhưng đến làng Chuông vẫn dễ dàng nhận thấy dáng dấp của một làng cổ có truyền thống với những mảnh sân phơi đầy nón trắng hay nguyên liệu làm nón. Chợ làng Chuông họp mỗi tháng 6 phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch và chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Màu trắng của nón lấp lóa khắp nơi xen lẫn sắc hồng trên má các cô thôn nữ, cùng những tiếng cười giòn tan làm cho không khí trong chợ càng thêm đậm đà bản sắc quê hương. Phiên chợ làng Chuông chỉ bán sản phẩm truyền thống của làng. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của làng Chuông còn được lưu giữ đến nay.
Phiên chợ làng Chuông
Nhìn những chiếc nón xinh xinh, chắc ít ai biết được rằng để làm nên nó, những người thợ đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian. Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không ròn, không rách. Vòng nón làm bằng cật nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn.
Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá ngay. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt mềm mại từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.
Các bà, các mẹ say sưa truyền nghề cho con cháu
Những chiếc nón cầu kì hơn sẽ được trang trí vào lòng nón những họa tiết hoa lá bằng giấy sắc màu hoặc chỉ khâu nhiều vòng giăng mắc ở hai điểm đối diện để buộc quai nón. Chiếc nón lá trắng tròn trịa chỉ cần thêm một dải lụa mềm buộc làm quai nón đã tôn lên vẻ dịu dàng cho bao cô gái.
Ngày nay, các bậc cao niên ở làng Chuông vẫn luôn chú tâm truyền dạy nghề làm nón cho con cháu. Du khách có thể bắt gặp ở chợ nón hình ảnh những cô bé vừa phụ giúp mẹ bán nón vừa học cách khâu nón. Mỗi chiếc nón đong đầy tình cảm, đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ nghề của cha ông để lại. Người làng Chuông càng tự hào hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tìm hiểu về nghề truyền thống của làng.
(vanhoa.gov.vn)