A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Múa trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt

Múa tín ngưỡng là loại hình múa phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt. Mọi hình thức và hoạt động múa đều hướng tới việc phục vụ các nghi lễ trong các sinh hoạt tâm linh. Nó thể hiện tâm tư, nguyện vọng và sự kính trọng của con người đối với thần linh và chính mình.

 Múa trong tết nhảy của người Dao Quần Chẹt

Múa tín ngưỡng của người Dao

Múa tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt gắn liền với các phong tục tập quán, luật tục, tín ngưỡng tổ chức cộng đồng, xã hội của họ nên ngoài ý nghĩ linh thiêng thì nó cũng mang rất nhiều các giá trị độc đáo. Đặc biệt là yếu tố đặc trưng tộc người được biểu hiện rõ nét, từ các động tác múa hết sức đặc sắc, trang phục mặc khi múa của người thầy cúng, nghệ nhân, rồi người thụ đèn trong lễ cấp sắc đều được chuẩn bị một cách kỹ càng, thêu thùa may vá tỉ mỉ.

Ẩn sâu trong các điệu múa là những giá trị vô giá, đó là sự tuân thủ nguyên mẫu các điệu múa trong nghi lễ. Song, các điệu múa nghi lễ cũng có sự sáng tạo để phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện đại. Các giá trị xã hội, thẩm mỹ, nghệ thuật, hay lý luận và thực tiễn đều được toát lên một cách cụ thể và nổi bật. Đó chính là bản chất của múa tín ngưỡng người Dao.

Nghi thức múa trong sinh hoạt tín ngưỡng

Múa cúng Bàn Vương (chầu đàng): Múa cúng Bàn Vương là một nghi lễ có từ xa xưa của nguời Dao Quần Chẹt. Nó không chỉ là hoạt động mang tính chất thờ cúng mà trong nó còn ẩn chứa các giá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của cộng đồng. Khi múa, một tay thầy cúng cầm chuông, một tay cầm gậy múa tại chỗ, sau đó hai chân chụm lại, nhún xuống, khi nhún xong chân trái bước lên phía trước một bước chếch 45 độ so với chân phải, chân phải bước lên theo, tại vị trí mới này thầy cúng sẽ nhún lần hai. Mỗi một bước thầy sẽ nghiêng một bên khác nhau, vừa đi thầy vừa rung chuông đồng với nhịp bước tạo nên sự nhịp nhàng và uyển chuyển nhưng mang đầy khí chất trong từng động tác múa. Động tác múa này có ý nghĩa quan trọng như một sự giao tiếp trực tiếp với các vị thần linh, tổ tiên của mình. Thể hiện sự thành tâm, kính trọng và truyển tải các nguyện ước của người Dao đến với thần linh. Cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho cả gia đình, dòng họ có cuộc sống bình yên sống ấm no, hạnh phúc.

Múa tết nhảy (Nhìang chằng đao): Tết nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên và quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Dao Quần Chẹt. Đây là nghi lễ Bàn Vương luyện linh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống của gia đình, tông tộc và bản làng. Mở đầu là múa chuông - điệu múa đầu tiên trong các nghi lễ nhằm mục đích mời các thần linh, tổ tiên về tham dự lễ. Trong nghi lễ tết nhảy, điệu múa chuông được lặp đi lặp lại tới 72 lần. Khi múa phải có người già biết chữ nho hát theo. Những người không thuộc chữ thì múa và hòa nhịp bằng tiếng “hú” lúc quay người. Hoạt động múa chuông như một sự thông báo, kính chào đối với thần linh. Bày tỏ lòng thành kính, tôn nghiêm của họ khi mời các vị thần linh, tổ tiên về tham dự lễ hội với gia đình, dòng họ và cả cộng đồng của người Dao.

Cầu mong sự che trở, bình yên của các vị thần

Múa trong lễ cấp sắc: Trong thời gian tiến hành nghi lễ cấp sắc các điệu múa và bài hát được thực hiện liên tục xuyên suốt buổi lễ. Đó là múa dân gian (lệ miến), có hai loại được sử dụng, múa có hát và múa không lời hát. Múa có hát là các bài múa theo lời hát và các bài thơ, ai tham gia cũng đều phải hát, múa không lời hát thì được đệm bằng nhạc cụ như trống, chiêng… Sau lễ thỉnh cầu người ta sẽ mời anh em họ hàng và những người biết múa các bài về tổ tiên. Đó là các điệu múa được trình diễn khi làm lễ lưu giữ ánh sáng của đèn (vầy tang). Qua các điệu múa thấy được vai trò sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt. Trong quá trình thực hiện lễ thụ quang bên cạnh các điệu múa trên sẽ còn có các lễ múa khác.

Múa trong đám ma: Trong khi thực hiện các nghi lễ, thì những điệu múa tâm linh luôn được lồng ghép vào trong quá trình thực hiện. Múa trong đám ma chỉ được thực hiện khi người chết là người có công, có nhà thờ tổ, mất vào ngày đẹp, múa để đưa tiễn người chết lên thẳng thiên đình. Khi múa thầy cúng tay cầm chuông và một chiếc gậy, có hát nhưng mang màu sắc đau buồn. Có ba thầy thực hiện nghi lễ, hai thầy múa, thầy còn lại là đưa người chết lên thiên đình. Mục đích múa trong lễ khởi sự là nói lên sự hình thành trời, đất, sinh ra loài vật, sinh ra con người, sự hình thành người Dao và tạ ơn trời đất. Trong các nghi lễ tiếp theo như lễ mở đàn tế các thần linh, lễ cúng cơm... các bài múa rất đơn giản thầy cúng mặc quần áo, tay cầm chuông và gậy như trong lễ khởi sự, hai thầy sẽ đi vòng quanh, vừa đi vừa lắc chuông, vừa đọc lời khấn thần thánh.

Cái nhìn mới về múa trong sinh hoạt tín ngưỡng

Múa trong tín ngưỡng của người Dao có vai trò quan trọng trong toàn bộ sinh hoạt văn hóa của họ. Nó không chỉ là yếu tố thiêng trong các nghi lễ mà còn tạo nên không khí tươi vui, thoải mái trong các hoạt động vui chơi giải trí.

Múa trong sinh hoạt tín ngưỡng là một loại hình nghệ thuật không chỉ tồn tại trong các hoạt động truyền thống mà còn có thể được dựng và biểu diễn với ý nghĩa hiện đại, mới mẻ hơn. Múa tín ngưỡng sẽ vượt ra khỏi không gian tín ngưỡng để tham gia vào các hoạt động văn nghệ vui tươi khác như giao lưu, biểu diễn hội thi, hội diễn… và được đông đảo quần chúng đón nhận. Việc tạo cơ hội để có cái nhìn mới về sinh hoạt múa tín ngưỡng chính là trao cho múa tín ngưỡng rất nhiều tiềm năng để vươn mình trỗi dậy, để có thể phát triển như các loại hình nghệ thuật khác. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đem đến cho cộng đồng một đời sống văn hóa tinh thần hoàn hảo và cao đẹp.

Nguyễn Nga (Làng Việt)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu