Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam - Nét đặc sắc trong văn hóa ngư dân biển
Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam |
Lễ hội Nghinh Ông hay còn được gọi là Lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông… là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của các tỉnh ven biển, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lễ hội Nghinh Ông là “Tết” của người dân nơi đây, được tổ chức hàng năm ở một số địa phương như: Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Long Hải (huyện Long Điền)…, nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.
Tín ngưỡng dân gian truyền thống
Theo dòng chảy thời gian, các linh vật đã tồn tại lâu dài trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Nếu như Long – Lân – Quy – Phượng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh người dân đất Bắc, thì cá Ông (cá Voi) lại trở thành một trong những linh vật linh thiêng nhất đối với người dân miền biển. Bởi theo quan niệm của họ, cá Ông là vị thần,vị cứu tinh trong suốt những chuyến ra khơi của con người. Đây cũng chính là cội nguồn cho một lễ hội nổi tiếng, một nét văn hóa đặc trưng của vùng ven biển Trung Nam – Lễ hội Nghinh Ông.
Theo truyền thuyết của người Chăm, một vị thần tên Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thành cá Voi, trở về đại dương và bảo vệ những chuyến tàu ra khơi của ngư dân. Mỗi khi có thuyền lâm nạn, thần đều nâng đỡ và đưa thuyền vào bờ. Người dân tộc Kinh lại tương truyền rằng Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh đi biển gặp nạn. Trong lịch sử Triều Nguyễn có ghi lại, Chúa Nguyễn Ánh gặp bão lớn và thuyền có nguy cơ lật, ông đã cầu nguyện cá Voi và được thoát nạn. Sau khi lên ngôi, Vua Gia Long – tức Nguyễn Ánh - phong cho cá Voi là “Nam Hải Cự Lộc Ngọc Lâm Thượng Đẳng Thần”.
Lễ Nghinh Ông Đình Thần Thắng Tam diễn ra từ ngày 16/8 đến 18/8 Âm lịch tại Lăng Cá Ông thuộc khu di tích đình Thần Thắng Tam. Theo các bậc bô lão nơi đây, đình Thần Thắng Tam được xây dựng vào năm Canh Thìn 1820 để tưởng nhớ công lao của 3 bậc tiên hiền có công khai sáng cho vùng đất Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời Vua Gia Long, nạn hải tặc hoành hành tại cửa sông Bến Nghé, đón đường cướp bóc tiền bạc hàng hóa của thương nhân. Để bảo vệ giao thương hàng hóa, Vua Gia Long đã phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền để bảo vệ sự bình yên của bờ biển cửa ngõ, đồng thời khai hoang lập ấp ổn định dân cư tại vùng ven biển.
Đến đời Vua Minh Mạng (1822), nạn hải tặc không còn nữa, Vua ban thưởng cho ba đội quân chức tước và đất đai, từ đó, họ dần hình thành 3 ngôi làng: Thắng Nhất do ông Phạm Văn Dinh cai quản, Thắng Nhị do ông Lê Văn Lộc cai quản và Thắng Tam do ông Ngô Văn Huyền cai quản. Trong lăng hiện vẫn còn giữ một phần của bộ xương Cá Ông khổng lồ mà ngư dân Vũng Tàu vớt lên từ hơn 100 năm trước, nặng khoảng 4 tấn và chiều dài là 30m.
Lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc
Lễ hội Nghinh Ông đối với người dân Bà Rịa Vũng Tàu có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng, vừa là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của ba vị Thần có công gây dựng vùng đất quê hương, vừa là cầu mong một năm ra khơi thuận lợi, bình an, cuộc sống ấm no, sung túc.
Trước lễ hội diễn ra một ngày, người dân nơi đây cùng nhau chuẩn bị, trang hoàng thuyền rước với cờ hoa lộng lẫy, trống chiêng uy nghiêm. Cũng giống như lễ hội Cầu Ngư của các tỉnh ven biển miền Trung, Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam cũng có hai phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ bắt đầu từ sáng sớm ngày 16/8 Âm lịch. Đến giờ hành lễ, đoàn thuyền đó khởi hành từ khu Bãi Trước đến miếu Hòn Bà ở mũi Nghinh Phong để làm lễ dâng hương, rượu xin nghinh Ông về đình Thần Thắng Tam. Đoàn Nghinh Ông được thực hiện rất trang nghiêm, đứng đầu là các vị bô lão, kế đến là hàng trăm ngư dân trong vùng.
Sau lễ khai mạc, Ban tổ chức gióng 3 hồi trống, 3 hồi chiêng làm hiệu lệnh cho đoàn sư rồng rước kiệu nghinh Ông về đình Thần Thắng Tam. Người ta làm hình tượng cá Ông bằng giấy bồi dài chừng 10m, trang hoàng lộng lẫy, được đoàn rước nghinh từ Bãi Trước về lăng Ông Nam Hải. Dẫn đầu đoàn rước là các vị bô lão khăn áo chỉnh tề, theo sau là đoàn quân sĩ, ngư phủ tháp tùng, ngoài ra còn có các nghệ sĩ tuồng, các diễn viên hóa trang thành ông Phúc – Lộc – Thọ, tạo cho không khí buổi lễ vô cùng rộn ràng, náo nhiệt. Sau khi Ông an vị, các nghi lễ khác sẽ được tiếp tục như: Lễ cúng các vị tiên hiền và các anh hùng liệt sỹ, Lễ thỉnh sắc thần vào Lăng Ông Nam Hải, Lễ cúng tế Ông Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần, Lễ xây chầu Đại Bội…
Nếu như phần lễ giữ đúng truyền thống với không khí uy nghiêm thì đến phần hội, người dân lại cùng hòa vào không khí náo nhiệt với những trò chơi dân gian như: gánh cá, đan lưới, kéo co, bơi biển, bịt mắt đập niêu, câu cá… Đặc biệt, những làn điệu dân gian vùng chài lưới như hát bội, hát bả trạo hay những màn trình diễn văn hóa đặc trưng như múa lân, diễn tuồng cũng là một trong những nét hấp dẫn của lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam.
Lễ hội Nghinh Ông từng được được Bộ Văn hoá Thông tin và Tổng cục Du lịch chọn là 1 trong 15 Lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000, được xem là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của ngư dân miền biển. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng chọn lễ hội Nghinh Ông là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Từ năm 2011, Sở Thể thao – Văn hóa và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nghiên cứu và thực hiện nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông đình Thần Thắng Tam. Theo đó, phần lễ sẽ được giữ đúng truyền thống, tuy nhiên phần hội sẽ được thay đổi để trở nên hấp dẫn và đặc sắc hơn.
Có thể nói, Lễ hội Nghinh Ông Đình Thần Thắng Tam chính là một trong những “nhân tố” phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng ven biển nói chung. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện cũng đang xây dựng đề án đề xuất công nhận Lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới.
Minh Ngọc