Khảm trai Chuôn Ngọ - Tinh hoa đất tổ nghề nghìn năm sau đại dịch Covid-19
Không chỉ khảm vẽ theo các tích cổ, những nghệ nhân làng tranh khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) còn sáng tạo ra những mẫu tranh phong cảnh tinh xảo, kỹ thuật hơn theo ý tưởng của khách hàng… Sự thay đổi này đã giúp làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ mặc dù trải qua ngàn năm tuổi với những giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn luôn khẳng định vị thế không chỉ ở thị trường trong nước mà còn có mặt tại nhiều quốc gia.
Theo thần phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai ở đây có từ thời nhà Lý (1010 - 1225). Ông tổ nghề của làng là Trương Công Thành, người địa phương, đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ), nguyên là võ tướng của triều đình. Tự học nghề và giỏi nghề, Trương Công Thành đã tạo nên những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ, rồi truyền lại cho dân làng. Nghề khảm chữ, khảm tranh trên mặt gỗ ra đời từ đó. Qua thời gian, nguyên liệu khảm trai được bổ sung thêm, không chỉ có nhiều loại vỏ trai (trai cánh, trai vân, trai ngọc môi vàng…) mà còn có nhiều loại vỏ ốc quý (vỏ ốc khảm xanh, vỏ ốc thoi, vỏ ốc đỏ...), mẫu mã đa dạng hơn và chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật khảm trai Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Theo nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger (1885 - 1963) nhận xét: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội, gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.
Ngày nay, để có được nguyên liệu tốt nhất, người dân nơi đây thường thu gom vỏ trai, ốc cỡ lớn từ các vùng trong nước đồng thời cũng nhập từ Hồng Kông, Singapore. Ngoài ra, làng khảm còn có một nguồn nguyên liệu đặc biệt quý hiếm như những con ốc đỏ với màu sắc sang trọng thường dùng để làm những cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa…
Một sản phẩm khảm trai thường trải qua sáu công đoạn cơ bản: Vẽ mẫu cho bức tranh; cưa trai theo nét vẽ; đục gỗ; gắn trai vào gỗ; mài khảm, thể hiện đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh. Trong đó, việc cẩn xà cừ đòi hỏi thao tác liên hoàn ở trình độ rất cao: Dựa theo nét vẽ, nghệ nhân sẽ đục gỗ và gắn nguyên liệu họa tiết lên đó. Sau khi cẩn tranh thì tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét.
Để cưa, đục các mảnh trai không bị vỡ, nghệ nhân phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa rồi chẻ dóc, sau đó chọn lựa các miếng trai đầy đủ cho mặt tranh, có khi cần đến hàng trăm, hàng nghìn miếng trai nhỏ, nhiều màu sắc. Điểm đặc sắc ở tranh khảm trai Chuôn Ngọ là các mảnh trai trên bức tranh gỗ rất phẳng, rất khít, không bị vỡ, các chi tiết trang trí thì rất sinh động.
Các sản phẩm truyền thống chủ yếu của làng nghề đó là: hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc với nhân vật chính Lưu – Quan – Trương, những bộ “thông, trúc, cúc, mai” ….
Theo xu thế hội nhập thế giới, những nghệ nhân khảm trai Chuôi Ngọ đã thay đổi tư duy, sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, khắc họa chân dung… để phục vụ thị hiếu khác nhau của nhóm khách hàng hiện đại. Chính vì vậy, sản phẩm của làng nghề phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Thanh Giang/ Báo Ảnh Việt Nam