A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hôn nhân của người Mường xưa

Hôn nhân của người Mường xưa đều phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, từ yêu đương tìm hiểu đến các lễ tục cưới xin. Việc dựng vợ gả chồng là do cha mẹ sắp đặt, con cái không có quyền lựa chọn, nhất là con gái. Hiện nay trai gái được tự do tìm hiểu bạn đời, hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện.


Quan niệm về hôn nhân

Theo quan niệm của người Mường, hôn nhân có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với cá nhân mà còn hệ trọng đối với gia đình, họ tộc. Với người đàn ông, hôn nhân là bước chuyển để người đàn ông trở thành đức cả, tức là người có tư cách đại diện cho một gia đình, một nóc nhà tham gia vào các công việc của gia đình, dòng họ và làng xóm. Với người phụ nữ, hôn nhân đánh dấu sự trưởng thành, khẳng định người phụ nữ có khả năng quán xuyến các công việc cho gia đình, sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống cho gia đình nhà chồng và nuôi dưỡng chúng.


Đối với hai vợ chồng, hôn nhân được tiến hành dựa trên cơ sở của tình yêu, là nền tảng xây kết nên hạnh phúc gia đình về sau, đồng thời hôn nhân là điều kiện để hai người thỏa mãn nhau về tình cảm và thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình, dòng tộc. Bởi vậy, sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng phải thương yêu nhau, phấn đấu xây dựng kinh tế gia đình ổn định, khá giả, sinh con đẻ cái, nuôi dạy chúng nên người, phụng dưỡng cha mẹ già, có trách nhiệm đối với gia đình, dòng tộc cũng như có trách nhiệm với bản mường, cộng đồng và xã hội.

Đối với gia đình, họ tộc, đặc biệt là nhà trai, hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ khẳng định vị thế của dòng họ đối với xóm làng và cộng đồng. Với nhà Lang xưa kia, hôn nhân của đôi trai gái nhiều khi lại xuất phát từ quyền lợi của gia tộc, họ hàng. Nếu như người Kinh coi trọng “môn đăng hộ đối” trong kết nghĩa thông gia, thì người Mường lại quan niệm: Bắc cầu Lim, cột Đả/ Đàng đi ăn Cả/ Khả lại ăn cơm (nghĩa là: Bắc cầu Lim, cột Đá/ Đường đi ăn Cá/ Đường về ăn cơm). Sở dĩ, người Mường có câu ca như vậy là để thể hiện tình thông gia bền vững, hùng mạnh như cầu Lim, cột Đá.

Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời

Thanh niên Mường được tự do tìm hiểu theo những cách riêng của mỗi người, họ thường quen nhau từ những buổi lên nương, qua các hoạt động văn hóa tập thể. Qua đó, trai gái có thể tỏ tình với nhau. Có thời gian dài, hình thức tỏ tình phổ biến của trai Mường là viết một lá thư nhờ người tin cậy trao cho cô gái. Trong khi đó, người Mường ở Thanh Hóa lại phổ biến hình thức tỏ tình bằng việc hàng đêm, chàng trai đến “chọc sàn” nơi cô gái nằm ngủ. Nếu đồng ý, cô gái sẽ xuống gặp chàng trai và họ cùng nhau tâm sự suốt đêm.



 Người Mường quan niệm người vợ lý tưởng là phải nết na, chăm làm; người chồng có sức khỏe, cày bừa thành thạo...


Mặc dù được tự do lựa chọn bạn đời, nhưng bố mẹ lại có quyền quyết định trong hôn nhân của con cái. Xưa kia, phần lớn nam nữ thanh niên Mường kết hôn ở độ tuổi 13- 14, họ cho rằng xây dựng gia đình sớm sẽ có nhiều thuận lợi như ông bà còn đủ sức khỏe để chăm nom con cháu, người già sẽ có con cháu chăm sóc, đỡ đần. Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình mà người ta quyết định đến tuổi kết hôn và thời gian thực hiện hôn lễ. Trong trường hợp thiếu người lao động, gia đình nhà gái đề nghị nhà trai ở rể hoặc nhà trai thiếu nhân lực lao động, họ thường tổ chức lấy vợ cho con trai sớm hơn để có người làm việc, đỡ đần trong gia đình.

Tiêu chuẩn để chọn một người vợ lý tưởng là những người chịu khó, chăm chỉ làm ăn, nói năng nhẹ nhàng, biết cấy hái, làm bông dệt vải, thành thạo các công việc nội trợ và đối xử lễ phép với bố mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm. Nếu làm dâu trưởng thì phải có khả năng đảm đương các công việc trong ngày lễ tết, nhanh nhẹn và giao tiếp tốt. Với người Mường, một cô gái có nhan sắc nhưng lại lơi lỏng trong việc dệt vải, may vá sẽ bị dư luận chê bai. Các bậc cha mẹ thường căn dặn con trai mình chọn vợ điều quan trọng là nết ăn ở, chăm làm, đối xử tốt với mọi người trong gia đình. Chính vì vậy bố, mẹ thường căn dặn con trai mình: “Đừng tham nón rẻ mà đội trời mưa, đừng tham người đẹp mà thưa việc làm”.

Trước khi tiến tới hôn nhân, nhà trai nhờ người đi lăm thiểng để dò hỏi, tìm hiểu cụ thể về hoàn cảnh gia đình, tính cách, con người của cô gái. Người Mường cũng có cách riêng để tìm hiểu tính nết của cô gái, đó là việc thông qua hiểu biết về mẹ đẻ của cô, vì họ nghiệm thấy rằng người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành tính cách cũng như khả năng giáo dục đứa con sau này.

Với người Mường, người chồng lý tưởng là có sức khỏe, cày bừa thành thạo, biết đan lát các dụng cụ gia đình. Một trong những tiêu chuẩn hàng đầu khi kén rể là gốc gác gia đình, tránh những nhà có tiếng xấu hoặc bệnh tật di truyền. Cũng giống như nhà chàng trai, gia đình cô gái cũng nhờ người đến thăm dò gia cảnh, bản thân chàng trai trước khi quyết định có gả con gái. Vì vậy người Mường có câu “Lấy du xem tông, lấy cháu nhòm họ”.

Có thể nói, trong hôn nhân có những định hướng và tiêu chuẩn nhất định, một góc độ nào đó nó là sức mạnh, sự bền vững trong phong tục, lễ nghi của dân tộc mà mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng phải tuân theo. Người Mường quan niệm, trong đám cưới dù đối với người nông dân hay quan lang, dù nhà giàu hay nhà nghèo, dù đám cưới giản dị nhất hay đám cưới xa hoa thì thứ tự các cuộc thăm viếng sơ bộ, đồ lễ, nghi thức kèm theo các lần trao đổi, xác nhận lễ ăn hỏi, đánh dấu ngày cô dâu về nhà chồng luôn phải tuân theo nhiều nghi lễ phản ánh văn hóa, lối sống, chuẩn mực ứng xử của tộc người.

(Theo LangViet)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu