A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài niệm Tết xưa với chiếc áo bông chần của người Hà Nội

Suốt quãng thời gian dài, chiếc áo gắn liền với ký ức người Hà Nội xưa đã chìm vào quên lãng nhưng vài năm trở lại đây, áo chần bông đã xuất hiện trở lại với diện mạo mới, gần gũi hơn với cuộc sống.

 Áo chần bông xuống phố đón Xuân. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Trong tiết trời Xuân rực rỡ, những chiếc áo chần bông thấp thoáng trên phố lại dẫn ký ức của nhiều người dân Hà Nội thế hệ 7X trở về trước chìm đắm hoài niệm về Tết xưa.

Khi Tết đến Xuân về, người già, trẻ nhỏ mừng vui hớn hở được khoác lên mình chiếc áo chần bông.

Bà Nguyễn Kim Khánh, 75 tuổi ở phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ mỗi khi Tết đến, các bà, các mẹ thường diện áo chần bông, đội khăn nhung the đen, bên trong mặc áo cánh, lạnh thì thêm cả chiếc áo len đan hạt gạo.

Hình ảnh đó theo suốt những năm tháng tuổi thơ của bà và trở thành hoài niệm không thể quên.

Rồi những năm 60, cửa hàng mậu dịch ở Hà Nội đã bán áo bông trần cho trẻ em, áo được may bằng vải chéo Nam Định, mặc mềm mại, hoa văn sặc sỡ. Ngày xưa, có áo bông chần là quý lắm, chỉ được mặc vào dịp quan trọng như Tết.

“Sau này, phân phối tem phiếu, áo bông trần vắng bóng, thay dần bằng áo len đan. Nhưng mấy năm gần đây, áo bông trần xuất hiện nhiều trên phố, cả thanh niên cũng diện và yêu thích loại áo này. Lớp người cổ như tôi vui lắm bởi thấy hình ảnh thanh xuân của mình trong đó, thu hẹp khoảng cách giữa hiện đại và quá khứ,” bà Khánh cho hay.

Thời đó, dù cuộc sống khó khăn, vất vả đến đâu nhưng ai nấy đều cố dành dụm để sắm cho mình, cho người thân tấm áo chần bông mới diện Tết.

Suốt quãng thời gian dài, tưởng chừng chiếc áo gắn liền với ký ức người Hà Nội xưa đã chìm vào quên lãng nhưng vài năm trở lại đây, áo chần bông đã xuất hiện trở lại với diện mạo mới, gần gũi hơn với cuộc sống.

Nhiều nhà thiết kế thời trang tên tuổi cũng nhập cuộc, góp phần “hồi sinh” áo chần bông với diện mạo mới quyến rũ và hấp dẫn muôn phần. 

Đam mê sản phẩm chần bông, nhà thiết kế Xuân Thu chia sẻ cả tuổi thanh xuân của mẹ chị gắn với công việc chần bông áo khoác.

Thời bao cấp, cả xã hội mặc áo chần bông và chiếc áo thời đó thường nặng vì chất liệu bông dày, thường sử dụng vải thô hay kiểu vải chăn con công để chần bên ngoài. Mỗi chiếc áo phải mất nhiều ngày để chần thủ công và có được một chiếc áo chần bông mặc mùa đông, ai cũng quý, phải mặc nhiều năm mới dám thay.

Ngày nay, áo chần bông Xuân Thu vẫn được làm thủ công ở các công đoạn. Để có một chiếc áo chần bông, có khi phải mất cả tuần để hoàn thiện.

Hiện áo chần bông đã được cải tiến, không còn là chiếc áo chỉ để giữ ấm cho cơ thể mà còn phải đẹp.

Do làm thủ công nên không chiếc áo nào giống nhau, luôn có những họa tiết đường chần, sắc chỉ, sắc áo khác nhau.

 Mẹ và bé cùng diện áo chân bông.  Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Có mẫu thiết kế vận dụng cả các khối hình học trong toán học vào áo chần bông để tạo sự riêng biệt. Kỹ thuật chần bông giờ cũng khác, nhẹ, mềm và tinh tế hơn.

Nhiều mẫu áo chần bông của Xuân Thu được làm từ chất liệu vải tự nhiên cao cấp, mật độ sợi dệt dày hơn để tấm áo đi cùng năm tháng, có thể là “chiếc áo 3 đời,” Nhà thiết kế Xuân Thu cho biết.

Theo xu hướng từng giai đoạn, áo chần bông mang nhiều kiểu dáng, mẫu mã phá cách với nhiều màu sắc và họa tiết để phù hợp với thị hiếu của người dùng.

Nhiều năm qua, các mẫu áo chần bông được nhiều nhà thiết kế Việt Nam đưa trở lại trong thời trang ứng dụng.

Áo chần bông giờ đây không chỉ mặc để giữ ấm qua mùa đông, mà còn có thể kết hợp với váy, áo dạ hội, thậm chí là đồ jean... Nhưng với áo dài, áo chần bông được coi như “đặc sản.” 

Nhà thiết kế Xuân Thu mong muốn thực hiện dòng sản phẩm thời trang cao cấp, đưa những chiếc áo chần bông bình dân của thời bao cấp trở thành sản phẩm thời trang cao cấp và có thể xuất khẩu.

“Tôi muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phần lớn mẫu áo của tôi đều cố gắng sử dụng những chất liệu vải từ làng nghề với các hoa văn họa tiết Việt Nam. Nhiều chất liệu phải đặt hàng riêng từ các làng nghề với yêu cầu cao về chất lượng, màu sắc. Tôi muốn sản phẩm thời trang cao cấp của Việt Nam phải được thể hiện ở ngay chính sự tinh xảo của các nghệ nhân Việt Nam,” nhà thiết kế Xuân Thu chia sẻ.

Mới đây, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đã tổ chức Tuần lễ triển lãm bộ sưu tập “Chín tầng mây” của Trịnh Fashion tại Khu Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là lần thứ 5 Trịnh Fashion tổ chức không gian triển lãm áo chần bông.

Điểm nhấn của triển lãm chính là các loại đường chần bông truyền thống đến sáng tạo và các nút điểm đường chần của riêng Trịnh Fashion.

Các đường chần được trình bày thông qua những thiết kế hoàn thiện từ đường chần cơ bản như chần ô vuông, chần ô cờ, chần ô trám đến đường chần khác biệt như chần hạt gạo, chần ô dọc, ngang, chần theo họa tiết hoa, phố cổ, tranh vẽ...

Nét đẹp tự nhiên của bộ sưu tập không chỉ đến từ những chất liệu lụa làng nghề Việt Nam mà còn đến từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân thủ công khi từng chiếc cúc, từng đường thêu đều là các tác phẩm thủ công tỉ mỉ.

Ẩn trong vẻ ngoài tưởng chừng giản dị là bộ sưu tập tinh xảo, cầu kì, nơi vẻ đẹp không chỉ là các giá trị thẩm mỹ bên ngoài mà còn là cả giá trị văn hóa, giá trị truyền thống và giá trị nhân văn.

Mong muốn gìn giữ và phát triển phục trang truyền thống, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy đã có hành trình sáng tạo và làm mới thiết kế áo chần bông trên nền truyền thống và hơn thế nữa là quảng bá sản phẩm “made in Việt Nam” này với bạn bè quốc tế.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy chia sẻ cách chần bồng hồi xưa cứ lễ từng mũi kim như lễ ốc. Các bà, các cô chần rất thành thạo và có thể không cần nhìn vẫn chần được. Những nút chần rất nhỏ và sợi mảnh.

“Nhưng giờ cách chần bông mới của tôi có kỹ thuật cao hơn. Nó sẽ mất thời gian gấp hai lần cách chần bông xưa. Đường chần sẽ tạo thành điểm nhấn trên áo bằng cách sử dụng đường chỉ dày hơn. Kích thước đường chần và màu sắc của các sợi chỉ cũng được tính toán kỹ lưỡng,” nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy tiết lộ.

Từ những sáng tạo đầy mới mẻ, nhà thiết kế họ Trịnh tạo ra nhiều loại đường chần khác nhau như đường chần ô cầu, ô trám, đường chần hạt gạo đổi màu, đường chần so le, đường chần theo hoạ tiết, chần bông kết hợp kỹ thuật thêu tay..., tạo ra nhiều thiết kế ấn tượng với nhiều phong cách khác nhau. 

Đặc biệt, kết cấu của áo bông chần là kết nối 3 lớp vải bằng sợi chỉ mỏng manh. Những nốt chần bông này rất quan trọng kết nối các lớp với nhau. Nó cho liên tưởng đến kết nối giữa các thế hệ, giữa hiện đại và truyền thống.

Cơn gió se se lạnh của những ngày Tết làm càng làm nhiều người nhớ đến tấm áo chần bông - món đồ ao ước của các bà, các mẹ một thời xưa cũ.

Trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, sự “hồi sinh” của áo chần bông đã tạo hiệu ứng yêu thích, nhung nhớ cho cả thế hệ trẻ khi nhiều bạn lựa chọn trang phục này trong những dịp lễ quan trọng.

Truyền thống của một Hà Nội rất xưa như hiện hữu gần gũi, thân quen, lan tỏa từ tình yêu của tấm áo bông chần./.

Theo TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu