A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đôi quang gánh

Quang gánh là một sản phẩm được sáng tạo trong quá trình lao động của người Việt Nam, là một trong những biểu tượng cho nông thôn Việt Nam. Quang gánh không chỉ dùng để chuyên chở hàng hóa mà còn “chở cả tâm hồn người Việt” ở nơi thôn quê.

Từ rất lâu, đôi quang gánh đã trở thành một vật dụng thân quen của người dân Việt Nam. Quang gánh đã đồng hành, hỗ trợ cho những người dân lao động trong những công việc hàng ngày từ gánh lúa gạo, gánh nước đến gánh con đi làm. Nó giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa một cách gọn gàng và thuận tiện nhất. Không ai rõ chiếc quang gánh có mặt tại Việt Nam từ khi nào. Nhưng chắc chắn nó chính là một sản phẩm gắn liền và được sáng tạo nên từ nền sản xuất nông nghiệp.

Bộ quang gánh gồm chiếc đòn gánh và một đôi quang đặt ở hai đầu đòn gánh. Đòn gánh được làm bằng tre còn đôi quang có thể làm bằng nhiều chất liệu như mây, tre, dây thép... hoặc bện bằng thừng. Bộ quang gánh tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nó vừa nhẹ, vừa gọn, đi đâu người dân quê cũng có thể đem theo bên mình được.

Chiếc đòn gánh làm bằng tre, điều này có rất nhiều lý do, một trong những lý do là vì vùng Đông Nam Á với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới chính là quê hương của các loại cây thuộc họ tre trúc. Hơn nữa, cây tre vừa có tính dẻo dai, vừa rắn chắc, lại vừa nhẹ, đây là những đặc tính ưu việt mà không phải loại cây nào cũng có.

Quá trình chọn tre để làm đòn gánh cũng tương đối thú vị. Đầu tiên phải chọn cây tre thật già để đảm bảo độ chắc, rắn ở thân và ở các mắt, sau đó là phải khỏe, không có vết xước, không có mối mọt. Sau khi gọt đẽo thành hình đòn gánh rồi thì người ta vùi vào tro nóng để tăng độ dẻo, có nơi còn ngâm xuống bùn ao hoặc nước biển để chống mối mọt.

Tuy nhiên, tùy vào khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng mà có chất liệu riêng. Ví dụ ở Bắc Trung Bộ, đòn gánh được làm từ loại tre gai. Tre phải là tre gốc, vừa chắc, vừa dẻo. Thân đòn gánh bẹ lớn (đặc điểm này nhằm vừa để phân tán lực cho bờ vai đỡ nhói, vừa đảm bảo khả năng chịu lực mà vẫn dẻo, không gãy), hai đầu đòn gánh được khắc mấu để giữ chặt đầu gióng. Loại đòn gánh tre có sức chịu nặng rất cao, phù hợp với sự tảo tần, chịu khó của bà con. Phan Thiết, La Gi lại có loại đòn gánh gỗ, thân mảnh mai, hai đầu thon nhỏ có gắn mấu đồng. Gỗ để làm đòn gánh ở vùng cực Nam Trung Bộ có tên gọi gỗ rõi. Rõi có thớ thịt ăn dọc, màu nâu tươi, gánh rất dẻo. Có thể truyền từ đời này sang đời khác.

Gia đình ông Gụ là một gia đình có truyền thống với hơn 40 năm sống với nghề làm quang gánh ở vàng Vác, Thanh Oai, Hà Nội. Ông Gụ cho biết, để làm ra những chiếc đòn gánh tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực chất là một công việc rất mất thời gian và trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Những thanh tre để làm nên chiếc đòn gánh phải là những gốc tre già và thẳng. Tre được chọn sẽ được ngâm dưới nước trong vòng hai tháng sau đó đem đi phơi khô và được hun khói để tăng thêm độ chắc chắn. Mỗi gốc tre sẽ được chẻ thành hai mảnh rồi đẽo, uốn cho thật thẳng tạo thành đòn gánh.

Nhìn chiếc quang gánh ai cũng nghĩ có thể dễ dàng sử dụng nhưng thực tế người sử dụng cũng phải mất thời gian học và cách làm quen mới có thể gánh được.

Người gánh phải đặt đòn gánh trên vai thật chuẩn xác, vai người gánh phải được đặt chính giữa chiếc đòn gánh, hai bên chiếc quang phải được chia đều trọng lượng sao cho thật cân bằng và bước đi phải thật uyển chuyển thì mới dễ di chuyển.

Hình ảnh đôi quang gánh cùng với chiếc nón lá, áo tứ thân, bà ba hay áo dài…  đã tạc nên một trong những hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, của làng quê truyền thống Việt Nam. Hình ảnh đó nó trở nên hết sức thân thuộc gần gũi mà có lẽ chính vì vậy mỗi khi người ta muốn tái hiện, sân khấu hóa… cảnh lao động ở làng quê Việt Nam, người ta chỉ cần cho diễn viên đội nón lá, mặc bộ áo nhuộm nâu non rồi khoác đôi quang gánh là đủ.

Tưởng chừng đôi quang gánh sẽ lùi vào lịch sử khi cơ giới hóa, công nghệ hóa đang ngày một chiếm ưu thế và phổ biến nhưng khi đến với các thành phố lớn ở Việt Nam người ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc quang gánh cùng bà con lao động trên các con phố, hàng quán vỉa hè cho đến những ruộng đồng nơi thôn quê tạo thành một bức tranh nhuốm màu xưa cũ mang đậm nét đặc trưng của người Việt Nam.

Đôi quang gánh đã là một đề tài để những người làm nghệ thuật khai thác. Những nhà nhiếp ảnh, họa sỹ đã rất thành công khi sử dụng hình ảnh đôi quang gánh để giới thiệu về đất nước Việt Nam cần cù trong lao động.

Hạo Nhiên (tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu