A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc đáo lễ hội Lùng tùng của đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc

Lễ hội Lùng tùng - Lễ xuống đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc mở đầu cho một mùa xuân mới, mùa màng bội thu.

Cứ vào dịp đầu năm mới, đồng bào dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc lại rộn ràng tổ chức Lễ hội Lùng tùng - Lễ xuống đồng.

Lễ hội Lùng tùng là lễ hội truyền thống của đồng bào Thái, mang tính chất nghi lễ nông nghiệp, mở đầu cho mùa sản xuất mới, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…

Trước ngày tổ chức Lễ hội Lùng tùng, các già làng chuẩn bị các công việc cho ngày hội như chuẩn bị lễ cúng thần linh bao gồm lợn luộc, gà luộc, xôi màu, hoa quả, tiền vàng, trầu cau, bánh, rượu, mật ong, cá nướng, cá muối chua... và chọn thửa ruộng ở nơi bằng phẳng, rộng rãi, thuận tiện cho tổ chức nghi thức xuống đồng, cũng là nơi tổ chức các trò chơi và văn nghệ dân gian.

Các bản cũng chọn ra những con trâu khỏe, chiếc cày tốt để thực hiện những đường cày đầu tiên của năm mới.

Nghi lễ đầu tiên, bản mường thường mở một lễ cúng, trong đó già làng hoặc ông mo (thầy cúng) phải làm lễ xin báo cáo thần linh, thổ địa, sau đó mới tổ chức lễ cúng Nàng Han ngay tại bản. Nàng Han được coi là vị đại diện cho lực lượng thần linh bảo vệ bản mường, cúng xong thì đoàn người rước cờ trống và lễ vật cúng Nàng Han ra mảnh ruộng được chuẩn bị cho lễ hội.

Trong lễ cúng, dân bản sắp thêm 4 mâm cúng là các mâm cúng chúng sinh; cúng thành hoàng làng; cúng thần linh các cõi tiên giới và dưới biển, dưới đất; cúng các thần núi, thần rừng, thần đất.

Sau khi thực hiện xong phần cúng các vị thần mới tiến hành các nghi thức cày bừa, gieo hạt… cầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu cho người dân được khỏe mạnh.

Phần hội tiếp đó là chương trình văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, sau đó bà con và du khách được tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh đu, tó má lẹ, kéo co…

Than Uyên (tỉnh Lai Châu) là- vùng đất cư trú của dân tộc Thái từ lâu đời. Người Thái nơi đây có nhiều lễ hội như: Lễ hội Lùng Tùng, lễ hội Hạn Khuống, lễ hội Kin Pang, lễ hội Xòe Chiêng…

Riêng lễ hội Lùng Tùng từng được tổ chức lần cuối vào năm 1958 sau đó dần bị mai một. Đến năm 2018, lễ hội này được Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phục dựng, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nói chung.

Năm nay, Lễ hội Lùng Tùng tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu được tổ chức ở xã Mường Cang vào ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết) tại cánh đồng bản Cang Mường.

Đây là hoạt động giao lưu, thể hiện tinh thần kết nối cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, quảng bá, giới thiệu hình ảnh của huyện Than Uyên tới du khách trong và ngoài tỉnh.

Sau phần lễ, phần hội được bắt đầu bằng nghi thức người già làng có uy tín trong bản, trong xã đánh trống và chiêng khai hội. Ngay sau đó, đại diện chính quyền cùng người dân bản xuống đồng thực hiện nghi thức cày bừa, gieo hạt, mở đầu một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được khỏe mạnh.

Tại lễ hội, nhân dân và du khách được tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ với những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc Thái như tung còn, đánh yến, bắn nỏ, tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy, vòng xòe, thưởng thức ẩm thực địa phương. 

Được thiên nhiên ban tặng, huyện Than Uyên có những cánh đồng lúa trù phú như Mường Than, Mường Cang... Nơi đây cũng có nhiều sản vật địa phương, hệ thống cảnh quan thiên nhiên như sông hồ, rừng xanh, núi cao, gắn liền với những bản làng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú...

Đây là lợi thế lớn để huyện Than Uyên phát triển du lịch, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng./.

Theo Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu