Đến Tây Nguyên xem lễ hội đua voi
Tháng 3 Âm lịch, khi mà màu sắc rực rỡ và hương thơm của những bông hoa rừng lan tỏa khắp nơi và lôi cuốn hàng đàn ong rừng đi tìm mật, cũng là lúc mà các buôn làng của người dân Tây Nguyên bắt đầu tổ chức lễ hội đua voi độc đáo.
Lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên
Con voi là loài vật gần gũi với người dân Tây Nguyên, được bà con yêu quý. Voi không những được thuần dưỡng để lấy sức kéo, chuyên chở hàng hóa mà còn được đồng bào xem như những người bạn hay thành viên trong mỗi gia đình. Theo truyền thống nơi đây, con voi thể hiện sức mạnh của bộ tộc, sự sung túc của gia đình, chỉ có những gia đình giàu có mới có voi được thuần dưỡng từ voi rừng. Hiện nay, chỉ có Tây Nguyên mới còn voi, nhưng số lượng cá thể đang bị giảm sút đáng kể.
Hàng năm, trước khi bước vào một mùa vụ mới, các buôn làng ở Tây Nguyên thường tổ chức lễ hội đua voi với ý nghĩa nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của người dân bản địa, mong muốn cho một mùa màng bội thu, hạt lúa đầy nhà, mang lại ấm no cho tất cả buôn làng, đồng thời thể hiện tình cảm với người bạn voi yêu quý.
Theo người dân địa phương, trước lễ hội đua voi một thời gian, voi được đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ để ăn uống no nê, được bồi dưỡng thêm chuối chín, đu đủ chín, mía cây, bắp ngô, khoai lang và hầu như voi không phải làm những việc nặng để giữ sức. Vì vậy, khi vào đấu trường, con voi nào cũng rất khỏe mạnh, sung sức.
Đến những bản làng Tây Nguyên vào dịp lễ hội đua voi, du khách sẽ được đắm mình trong không khí nhộn nhịp, náo nức ở khắp các buôn làng. Những chàng quản tượng nườm nượp đưa voi đến vùng cỏ xanh để chăm sóc, trong khi đó những cô gái sắm sửa lễ vật để cầu cúng cho lễ hội đua voi diễn ra thuận lợi.
Vào sáng sớm của ngày hội đua voi, đoàn người của buôn làng theo già làng đến bến nước để làm lễ cúng, cảm tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm mới. Để voi luôn khỏe mạnh và thể hiện lòng yêu quý với chúng, lễ cúng sức khỏe cho voi luôn được thực hiện hàng năm. Lễ vật là 3 ché rượu cần, một con heo và một bầu nước. Lễ xong mọi người ca hát nhảy múa hân hoan để bắt đầu cuộc thi voi trong những tiếng cồng chiêng thúc giục.
Hấp dẫn hội đua voi
Lễ hội đua voi được tổ chức tại một khu đất trống, khá bằng phẳng, bãi đua có chiều dài khoảng 400 – 500m, chiều ngang rộng chừng 30 con voi xếp hàng.
Trong sự reo hò, cổ vũ của khán giả, theo lệnh điều khiển của nài voi (tiếng địa phương gọi là mơ-gát), lần lượt các chú voi nối đuôi nhau rồi xếp thành hàng phía trước Ban giám khảo, các chú voi từ từ quỳ phục làm động tác chào Ban giám khảo và khán giả. Sau đó, từng tốp voi vào vị trí xuất phát.
Sau một hồi tù và vang lên báo lệnh xuất phát, các chú voi bật lên như lò xo, phóng về phía trước trong tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, làm cho lễ hội đua voi náo nhiệt, rộn rã đến lạ thường.
Thông thường, trên mỗi con voi cường tráng có hai chàng mơ-gát dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ kiểu tướng lĩnh ngày xưa. Chàng mơ-gát ngồi phía trước đầu voi điều khiển voi bằng một thanh sắt nhọn, dài độ 1m, (tiếng địa phương gọi là kreo) dùng để đâm mạnh vào da, thúc voi tăng tốc độ. Anh chàng mơ-gát thứ hai ngồi ở phía sau thì dùng chiếc búa gỗ nện mạnh vào mông voi để thúc voi chạy nhanh và thẳng đường. Công việc này nhìn thì đơn giản nhưng đòi hòi cả hai chàng mơ-gát phải có sự phối hợp ăn ý với nhau. Và muốn voi hiểu được ý của người điều khiển thì đó là cả một quá trình huấn luyện.
Trong trận đua, tiếng chiêng, tiếng trống gióng lên làm cho đàn voi như được tiếp thêm sức mạnh. Tiếng bước chân rầm rập của đàn voi làm xới tung cả bãi đất trống. Những cành lá khô bay xáo xác, tiếng gió rít mạnh cùng với tiếng cồng chiêng âm vang, làm vang vọng cả núi rừng cao nguyên bạt ngàn.
Cuộc đua phải qua nhiều vòng, để chọn ra được một chú voi chiến thắng về đích trước. Những chú voi đoạt giải được gắn hoa, mang đai đỏ cho người và voi. Voi thắng cuộc và các chàng mơ-gát được thưởng 1 con lợn và 7 ché rượu quý. Dân làng dự hội sẽ tặng cho chú voi thắng cuộc những cây mía hay ống đường. Sau cuộc đua, cả buôn làng lại kéo nhau về nhà rông để ăn uống, nhảy múa trong nhịp cồng chiêng cho tới sáng.
Lễ hội đua voi truyền thống, dân dã không chỉ chứa đựng màu sắc thể thao, tinh thần thượng võ mà còn phản ánh nếp sống mạnh mẽ, hồn hậu của người dân nơi núi rừng đại ngàn.
Thu Dương