Đặc sắc nghệ thuật điêu khắc tượng Phật của người Việt
Tượng thuộc dòng chảy nghệ thuật điêu khắc mang tính nhân dạng, khắc họa chân dung, diễn tả hiện thực đời sống con người, đồng thời cũng mang đầy tính siêu thực, trừu tượng với vô vàn chi tiết biến ảo của trí tưởng tượng. Hệ thống tượng Phật trong những ngôi chùa Việt (điển hình ở Bắc Bộ) vô cùng sinh động, bất kỳ pho tượng nào cũng là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, phản ánh những suy nghĩ, tư tưởng nhân sinh.
Tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057 |
Tượng Phật trong dòng chảy văn hóa
Trước khi đạo Phật có mặt ở Việt Nam, đã có những tín ngưỡng bản địa như đạo Mẫu, tín ngưỡng Tứ Pháp, song quá trình Phật giáo hóa tín ngưỡng bản địa, hòa nhập với tín ngưỡng bản địa đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng của đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Với tấm lòng tôn kính và mong muốn hiện thực hóa hình ảnh Đức Phật cùng các chư vị Bồ Tát, các nghệ nhân đã tạc nên các pho tượng có tính mỹ thuật mang đậm nét dân gian, đa dạng về loại hình, kiểu dáng, hoa văn trang trí, mang tính đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử khác nhau, với những chất liệu khác nhau, thể hiện thần thái của Đức Phật.
Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, tuy số lượng hiếm hoi và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057. Lần theo sử sách, nhiều tài liệu ghi về việc đúc những pho tượng bằng đồng vào thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật khổng lồ do Minh Không đúc trên núi chùa Quỳnh Lâm - một trong những Thiên Nam tứ đại khí. Thế nhưng thật đáng tiếc, ngày nay không còn pho tượng bằng đồng và gỗ nào của thời Lý còn tồn tại. Tượng Phật thời Lý còn sót lại rất hiếm, tượng Phật thời Trần dường như không còn. Sau thời Lý, những tượng Phật bằng đá và điêu khắc đá nói chung tự nhiên thô phác hẳn. Điển hình là ba pho tượng Tam Thế chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh) được cho là từ thế kỷ 15 và những pho tượng chầu lăng mộ Lam Kinh (Thanh Hóa).
Tượng Phật Bà Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) |
Pho tượng được coi là kiệt tác nghệ thuật bậc nhất trong nghệ thuật tạc tượng Việt Nam là pho Phật Bà Quan Âm thiên thủ thiên nhãn của chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 3,7m, vành hào quang rộng 2,1m và bệ tượng dày 1,15m. Phật được tạc trong dáng nữ giới với khuôn mặt đôn hậu, điềm tĩnh siêu thoát, chứa đựng nhiều ẩn ngữ, triết lý sâu sa. Từ khuôn mặt nhìn chính diện ở hai bên có hai khuôn mặt nữa (thể hiện tam thế), trên mũ có ba tầng đầu với 8 khuôn mặt khác nhau (ba tầng trời) và trên đỉnh có một pho tượng A Di Đà (niết bàn). Ngoài hai đôi tay chính chắp trước ngực theo kiểu “liên hoa hợp chưởng” và được đặt trên đùi theo kiểu “thiền định”, còn có 40 cánh tay lớn nằm ở hai bên. Đằng sau lưng Phật có 958 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo những vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang cho tượng. Trong lòng mỗi bàn tay của tượng đều chạm một con mắt, tạo ra ý nghĩa kép, những cánh tay vừa tỏa hào quang độ lượng của Phật, nhìn thấu cõi nhân gian, vừa tượng trưng cho những bàn tay dang ra cứu vớt mọi nỗi thống khổ. Với nghìn con mắt và nghìn bàn tay, Phật Bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm để cứu giúp chúng sinh. Phật Bà ngồi hành đạo trong tư thế thư thái ung dung, vạt áo cà sa rủ mềm xuống bệ, cơ hồ như phủ lên muôn loài, thuần phục Tràng Ba Long Vương dữ tợn đội tòa sen đưa Phật Bà vượt qua biển. Trên tượng có ghi: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo. Nam Đông Giao, Thọ Nam – Trương tiên sinh phụng khắc”. Đây là bức tượng duy nhất trong hệ thống tượng cổ Việt Nam có ghi niên đại năm tạc, tên người tạc.
Và người ta cũng không quên ngôi chùa Tây Phương ở Hà Nội là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Đặc biệt là sự sinh động của 18 pho tượng La Hán được tạo ra dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc truyền thống Chàng Sơn - làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng của xứ Đoài. Các pho tượng La Hán chính là tác phẩm để những nghệ nhân xưa truyền tải vào đó những nỗi thống khổ nhất của kiếp người mà họ và biết bao đời đã từng trải qua, quằn quại trong đêm trường của xã hội phong kiến. Ngày nay, đứng trước những pho tượng La Hán sống động khiến chúng ta phải cúi mình, thán phục tài nghệ của những người thợ xưa.
Chùa Việt Nam không chỉ bài trí tượng Phật, mà còn có nhiều loại tượng khác: Tượng các vị danh nhân có công với nước, tượng Diêm vương, Ngọc Hoàng, tượng Hậu, tượng Thánh, Kim Cương, Tứ Trấn... tất cả đều do sự tài hoa của nghệ nhân dân gian tạo nên với những nhân tướng vừa gần gũi với nhân dân mà vẫn mang nét huyền bí, linh thiêng của các bậc tôn thánh.
Theo dòng chảy lịch sử những bức tượng nói chung, tượng Phật nói riêng thể hiện quan niệm nhân sinh của từng thời kỳ lịch sử, do đó ở mỗi pho tượng bên cạnh nét chung còn thể hiện quan niệm thẩm mỹ riêng như màu sắc, đường nét, trang phục,…. khác nhau. Thông qua những pho tượng cổ chúng ta có thể nhìn lại quá khứ của cha ông cùng với quan niệm triết lý nhân sinh gắn với đạo Phật và sự tài hoa của những người thợ dân gian.
Những quy tắc mỹ thuật dân gian trong tạc tượng Phật
Khi tìm hiểu về nghệ thuật tạc tượng của nghệ nhân dân gian xưa, người ta thường tìm về những di tích thờ tự ở miền Bắc, đặc biệt là các ngôi chùa cổ, bởi hệ thống tượng ở đây vô cùng đa dạng, không những về loại hình mà còn về chất liệu. Các pho tượng cổ chủ yếu được tạc từ chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, đây là loại gỗ “thiêng”, rất được ưa chuộng trong việc chế tác các đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục, lại có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Ngày nay, bên cạnh những nguyên liệu cổ truyền, người ta đã sử dụng cả bê-tông để chế tác tượng, vì nguyên liệu này vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao.
Người người thợ làng nghề truyền thống Sơn Đồng đang chế tác tượng |
Tạo hình tượng Phật được tiến hành theo hai lối, hoặc dựa vào cuốn Tạc tượng lượng độ kinh, được biên soạn bằng chữ Hán lưu hành trong giới Phật giáo và các phường thợ, hoặc làm theo lối dân gian hoàn toàn cảm nhận và học mẫu mã từ vài chùa nổi tiếng. Các quy tắc tạc tượng trong cuốn sách trên được tóm tắt thành vài công thức đơn giản cho các thợ điêu tô (thợ điêu khắc-điêu là khoét đục xuống, tô là đắp phủ lên) thực hiện. Đó là: Tọa tứ lập thất – tỷ lệ chiều cao một tượng đứng bằng bảy đầu, ngồi bằng bốn đầu; Nhất diện phân lưỡng kiên-chiều ngang của mặt bằng nửa chiều ngang hai vai; Nhất diện phân tam trùng – ba khoảng cách bằng nhau trên mặt, từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. Và ngoài ra còn quy định chi tiết đến tận ngón chân ngón tay, các thế tay bắt quyết….
Tuy nhiên, mọi công thức chỉ mang tính tương đối, mỗi người thợ đều có những bí quyết riêng. Làm nhiều thành thuận tay quen mắt, nên từng hình mẫu Phật đã nhập sâu vào tâm khảm người thợ. Chỉ cần nhìn khúc gỗ nguyên liệu, nghe những yêu cầu của khách đặt hàng, người thợ đã tự phác họa ngay trong đầu về kích thước, hình hài pho tượng.
Tượng với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng. Ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nổi danh các phường thợ làm tượng gỗ như: Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên. Làng La Xuyên (huyện Ý Yên, Nam Định) không những lừng danh về nghề tạc tượng từ lâu đời mà ngày nay còn nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, tủ chùa... Tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) có 2 làng nghề tạc tượng trứ danh, đó là làng Chàng Sơn (ở huyện Thạch Thất) và làng Sơn Đồng (ở huyện Hoài Đức). Làng Chàng Sơn có tới 98% dân số theo đạo Phật, nghề mộc ở đây nổi tiếng khắp xứ Đoài, chủ yếu là tạc tượng Phật, mà bộ sản phẩm trứ danh suốt nhiều đời nay chính là “các vị La Hán chùa Tây Phương”. Những làng nghề chế tác đá lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đá ở Bắc Bộ phải kể đến: làng Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội); Làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)... Những làng nghề đúc đồng lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đồng ở miền Bắc có: làng nghề Tống Xá, Vạn Điểm (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định); Ngũ Xá (Hà Nội); Đại Bái (Bắc Ninh)...
Có thể nói, hệ thống tượng thờ ở các nơi thờ tự của người Việt chúng ta hết sức phong phú và đa dạng. Các tác phẩm điêu khắc dân gian này mang nhiều giá trị độc đáo, không chỉ giúp người xem hiểu thêm về tín ngưỡng thờ cúng của người Việt mà còn thể hiện sự tài hoa của bàn tay và khối óc cha ông ta xưa. Trên mỗi bức tượng tôn nghiêm còn thể hiện sự tôn kính và cả những ước vọng, niềm tin của nhân dân đối với các bậc thánh, thần, Phật,… Do đó các pho tượng tạo cảm giác rất gần gũi và thiêng liêng đối với nhân dân.
Cảnh Tiên (tổng hợp)