Con trâu trong kiến trúc nhà rông của người Giẻ Triêng
Trên những rẻo cao mù sương, thấp thoáng giữa núi đồi là những ngôi nhà rông cao vút, biểu tượng níu giữ hồn làng của người Giẻ Triêng mang nét độc đáo riêng nhờ lối kiến trúc và triết lý nhân sinh liên quan đến con trâu.
Theo truyền thống của người Giẻ Triêng, khi tìm được một địa điểm để lập làng mới, việc đầu tiên của đồng bào Giẻ Triêng là phải tìm ra địa điểm để xây dựng ngôi nhà rông. Dân làng sẽ cùng nhau chung tay để xây dựng nhà rông - ngôi nhà lớn của cộng đồng mình, nơi để tụ họp bà con, để bàn bạc và giải quyết những câu chuyện của cả buôn làng.
Với người Giẻ Triêng ở Kon Tum và cả ở Quảng Nam, mái nhà rông là nơi quan trọng nhất của buôn làng.
Cùng được làm từ vật liệu (gỗ, tranh, tre, mây…) có trong tự nhiên như nhà rông của các DTTS khác, nhưng nơi giữ hồn làng của người Giẻ Triêng lại mang nét độc đáo riêng nhờ lối kiến trúc và tâm linh liên quan đến con trâu. Dù kích thước lớn - nhỏ khác nhau, nhưng nhà rông của người Giẻ Triêng đều mang dáng dấp con trâu nằm ngang. Trong đó, hai đầu mái cao của nhà rông có hình hai chiếc sừng trâu.
Bên cạnh đó, nhà rông của người Giẻ Triêng còn đáng chú ý bởi hệ thống cột, kèo được xử lý kết nối với nhau bằng các mộng gỗ và bằng những sợi mây rừng không chỉ bền chắc mà còn mang tính thẩm mỹ cao nhờ các nút thắt hình bông hoa, mạng nhện. Qua thời gian và những thay đổi của đời sống, người Giẻ Triêng trên rẻo cao này vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của nhà rông.
Một điều đặc biệt với cộng đồng người Giẻ Triêng, đó là tất cả các thành viên đều chung sức để xây dựng “ngôi nhà chung” của dân làng, sau đó mới dựng ngôi nhà của chủ làng, đến các gia đình có vị trí ở trong làng, sau đó là đến những người neo đơn, đàn bà góa bụa không có điều kiện để tự làm nhà… Đến khi tất cả các ngôi nhà đã được hoàn thành, đồng bào Giẻ Triêng mới tiến hành làm lễ mừng nhà rông mới.
Trong lễ hội của người Giẻ Triêng, cây nêu giống như một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, mà ở đó hội tụ đầy đủ các yếu tố từ hội họa, điêu khắc và nghề thủ công truyền thống...được dựng trước nhà rông. Những cành nêu trĩu nặng tượng trưng cho một vụ mùa bội thu, những bông lúa, những quả bắp trĩu hạt. Cây nêu chính vươn thẳng lên trời cao tượng trưng cho con đường đến với Yang (trời), chuyển những lời cúng của người chủ lễ, lời cúng của già làng, chuyển lời cầu xin của bà con lên đến thần linh với mong muốn có một cuộc sống no đủ, vui vẻ và hạnh phúc, không có chiến tranh hay dịch bệnh xảy ra, làm ăn mùa sau luôn luôn được nhiều thóc lúa hơn mùa trước; trâu, bò, gà, heo luôn nằm chật gầm sàn.
Già làng A Níc (làng Ping Lang, xã Đăk Blô) bộc bạch, theo truyền thống, mừng nhà rông mới, người Giẻ Triêng bắt buộc phải thực hiện nghi thức đâm trâu. Nhưng hiện nay, để loại bỏ dần những hủ tục và tiết kiệm cho dân làng theo sự vận động của chính quyền địa phương, lễ hội đâm trâu đã được bãi bỏ, và chỉ còn làm phần tượng trưng theo đúng phong tục mà thôi.
Sau khi kết thúc thủ tục đâm trâu tượng trưng, mọi người cùng thưởng thức rượu cần, ăn cơm lam cuốn lá rừng. Rồi họ cùng nhau nhảy múa, hát vang những bài ca truyền thống mừng ngôi nhà mới của mình. Những phụ nữ cùng nhau múa những điệu múa mộc mạc đơn giản nhưng vô cùng sinh động. Khi toàn thể cộng đồng đã tiến vào nhà rông, cùng đánh cồng chiêng, cùng múa điệu bông rốk, cùng uống rượu thiêng... để mừng làng mới, mừng nhà mới, và mừng một vụ mùa bội thu sắp tới.
Già làng A Níc (làng Ping Lang, xã Đăk Blô) tự hào: “Trong ngôi nhà rông cổ truyền của người Giẻ Triêng, cột được làm bằng những cây gỗ tốt, mái tranh, trang trí nhiều hoa văn, trên nóc nhà hai bên có sừng trâu to biểu tượng của sức mạnh... Nhưng dù làm bằng gỗ, lợp tranh, hay bằng bê tông cốt thép, lợp tôn để chống chọi mua gió, thời gian tốt hơn thì đồng bào vẫn có nhà rông làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là nơi già làng, trưởng thôn cùng lũ làng bàn bạc chuyện đại sự, như: phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị địa phương... đó là điều đáng quý”.
Minh Ngọc/ baodan toc.vn