Chuyện người đẽo mặt nạ gỗ
Từ chiếc mặt nạ với nhiều sắc thái khác nhau, những người ở làng phút chốc được hóa trang thành “người rừng” thời xa xưa. Trong tiếng cồng chiêng náo nhiệt, già A Yưk, làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) - người chế tác nên những chiếc mặt nạ gỗ phấn khởi: “Có mặt nạ gỗ, lễ hội sinh động, vui vẻ hơn nhiều”.
Làm mặt nạ gỗ cho làng
Sinh ra và lớn lên ở làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim, như bao người khác, ông Yưk không bỏ lỡ bất kể lễ hội nào của người Gia Rai. Trong lễ hội, dù vẫn cùng người làng mặc đồ thổ cẩm, đánh chiêng, đánh cồng, múa xoang nhịp nhàng, song ông Yưk vẫn thấy thiếu thiếu điều gì đó. Lục kí ức từ những lễ hội ngày xưa, ông chợt nhận ra: Thiếu mặt nạ gỗ trong lễ hội. Thế rồi, để giữ lại nét văn hóa truyền thống, ông quyết tâm làm mặt nạ gỗ phục vụ lễ hội.
Ngày cả làng nghe ông bày tỏ việc làm mặt nạ gỗ, từ già đến trẻ, ai nấy đều đồng tình. Thế nhưng, bà con khá lo ngại, bởi ngoài ông Yưk, không ai biết mặt nạ được làm từ loại cây gì và phải đục đẽo ra sao. Khi ấy, biết rằng, chỉ có bản thân mới có thể làm được mặt nạ để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, ông cứ thế chọn cây và cặm cụi làm.
Ròng rã 2 tuần liền, ông A Yưk ngồi đục, đẽo mấy chục chiếc mặt nạ cho cả đội cồng chiêng và đội múa xoang của làng. Làm xong các mặt nạ, tay ông phồng rộp hết, nhưng thấy bà con phấn khởi, ông cũng mừng lây. “Mình làm để lưu giữ nét văn hóa truyền thống, để phục vụ làng chứ không lấy công cán gì. Có mặt nạ, lễ hội sẽ vui nhộn, giống xưa rồi”- ông trải lòng.
Hàng chục chiếc mặt nạ được đục đẽo thô sơ từ cùng một loại cây rừng, thoạt nhìn, cứ ngỡ chúng giống hệt nhau, nhưng nếu nhìn kỹ, ta thấy mỗi chiếc mặt nạ đều mang một nét riêng, dấu ấn riêng.
Giống như các sản phẩm văn hóa khác, mặt nạ phản ánh cuộc sống của người dân. Bày mặt nạ ra giữa nhà, chỉ vào từng chiếc, ông bảo: “Đây là mặt người già trong làng, trán hơi nhăn, răng rụng. Đây là mặt trẻ em đang cười hớn hở, vui tươi. Đây là mặt người phụ nữ với mái tóc dài. Đây là chiếc mặt nạ thể hiện gương mặt cười tươi, hạnh phúc...”.
Những chiếc mặt nạ với nhiều sắc thái khác nhau sẽ giúp lễ hội thêm sinh động. Ông A Yưk nói rằng, mỗi chiếc mặt nạ gỗ sẽ thể hiện niềm vui từ người già đến trẻ em; thể hiện tình đoàn kết, thắm thiết của cả làng.
Nỗi niềm với mặt nạ gỗ
Người ở làng đều biết đến ông A Yưk bởi sự tài hoa. Có một thời, ông nổi tiếng khắp làng, khắp xã và cả thành phố Kon Tum vì tay nghề đục đẽo tượng. Chỉ từ một chiếc rìu, chiếc đục, khúc gỗ, ông có thể chế tác ra những bức tượng với nhiều hình dáng, kiểu cách, thể hiện được những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Gia Rai. Và rồi, họ càng khâm phục ông hơn khi ông có thể tái hiện được vẻ đẹp của những chiếc mặt nạ gỗ giống như xưa các cụ hay kể.
Không phải ngẫu nhiên mà cả làng, cả xã chẳng ai có thể làm được mặt nạ gỗ. Bởi người làm, ngoài việc hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, còn phải biết cách “thổi hồn” qua từng đường nét. Ông A Yưk nói rằng, trong quá trình làm, ông phải suy nghĩ rất nhiều, chứ không phải cứ có vật liệu, dụng cụ là làm được mặt nạ. Nhiều lúc, ông làm rồi phải bỏ vì thấy mặt nạ không vừa ý. Cũng có lúc, khi sản phẩm gần hoàn thiện, gỗ lại nứt, hư, phải bắt đầu làm lại từ đầu.
Học cách làm từ ngày xưa, ông sử dụng cây dâu xer - một loại cây với gỗ nhẹ, bền, ít bị nứt để làm mặt nạ. Không sử dụng các loại máy móc, ông chỉ dùng đục, cưa, rựa để làm. Ông bảo, phải đục đẽo thật nhẹ nhàng nếu không sẽ làm mặt nạ bị nứt, bị hư. Đặc biệt, những bộ phận chính trên mặt nạ là mắt, mũi, miệng, và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với những đường nét tinh tế. “Mắt của người già khác với mắt của trẻ con. Mình phải làm thật kỹ để nhìn vào, người khác có thể phân biệt được. Với những mặt nạ của phụ nữ, ngoài đường nét khác biệt, mình còn sử dụng những tấm vải đen để làm tóc, tạo ra sự nữ tính, dịu dàng” - ông A Yưk chia sẻ.
Trừ khoảng thời gian đi tìm cây gỗ để làm, ông mất hơn 2 tiếng để hoàn thành việc đục, đẽo một chiếc mặt nạ. Nhưng cũng có lúc phải trăn trở, suy nghĩ mãi mới nảy sinh ý tưởng mới, mới làm xong chiếc mặt nạ.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, việc ông A Yưk nặng lòng với mặt nạ gỗ được nhiều người biết đến. Nhiều người tìm đến ông, khi thì hỏi chuyện, khi lại đặt mua để sưu tầm hoặc phục vụ cho lễ hội làng. Mỗi chiếc mặt nạ, ông Yưk bán với giá 90.000 đồng. Ông Yưk thổ lộ, nói là bán nhưng thực chất mình chỉ lấy tiền công và vật dụng thôi. Điều ông mừng là người dân trân quý những điều xa xưa, quý sự mộc mạc, chân chất trong từng chiếc mặt nạ.
Cũng bởi thế, vừa qua, có đoàn khách từ Hà Nội vào, ông A Yưk đã tặng cho đoàn 3 chiếc mặt nạ. Trong niềm vui, ông nói rằng, chỉ cần nhìn thấy họ vui mừng, ông đã hạnh phúc.
Những chiếc mặt nạ với nhiều sắc thái được trưng bày trên tường trở thành điểm nhấn sinh động trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của ông A Yưk. Gần 60 tuổi, ngoài con cái, cháu chắt đủ đầy, tài sản vô giá của ông A Yưk chính là những chiếc mặt nạ. Bất cứ khi nào, khi có thời gian rảnh, ông lại đục, lại đẽo những chiếc mặt nạ gỗ để vừa phục vụ các lễ hội, vừa làm thỏa đam mê của chính mình và nhằm góp phần giữ gìn nét văn hóa đang có nguy cơ bị mai một.
Cũng có lúc, ông A Yưk muốn bày cách làm mặt nạ gỗ cho người ở làng, cho con trai của mình, nhưng chẳng có ai chịu học. Một phần, làm mặt nạ gỗ vừa khó, vừa yêu cầu tỉ mỉ; phần khác, việc làm chỉ thỏa đam mê chứ không mang lại thu nhập. “Mình sợ, mai này, khi mình mất đi, sẽ không còn ai biết làm mặt nạ gỗ?”- già A Yưk giãi bày.
Ngồi nhìn già A Yưk kể chuyện về mặt nạ, trưởng thôn A Byam bày tỏ niềm biết ơn: May còn già A Yưk biết làm mặt nạ, thế hệ trẻ sau này mới hiểu và biết đến mặt nạ gỗ. Giờ đây, có những chiếc mặt nạ, các lễ hội ở làng cũng thêm đặc biệt, ấn tượng hơn.
Hoài Tiến/ Báo KonTum