A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca trù – di sản "thính phòng" của người Việt

Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị mai một, sau 13 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nghệ thuật Ca trù của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để khẳng định sức sống mạnh mẽ của mình. Đến nay, nghệ thuật Ca trù truyền thống đặc biệt này đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đặc biệt cả giới trẻ và số lượng các câu lạc bộ ca trù cũng ngày một nhiều hơn.

Dấu ấn bác học của Ca trù

Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lí sống của người Việt.

Cho đến nay chưa ai biết chính xác Ca trù có từ bao giờ, chỉ biết nó bắt đầu thịnh hành từ thế kỉ 15. Trước đây, nghệ thuật Ca trù gắn liền với hoạt động của các giáo phường, một tổ chức hành nghề mang tính chuyên biệt của những người hành nghề ca hát, và thường diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán. Nghệ thuật ca trù không những đóng góp vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước phong kiến trong việc đón tiếp ngoại giao.

Ca trù có lối hát phong phú và đa dạng. Bài hát chủ yếu là các tác phẩm thuộc những thể thơ văn tiêu biểu của người Việt nhưng phổ biến nhất vẫn là “hát nói”, một thể văn vần có tính cách tự do phóng khoáng, và có tính văn học cao. Lời lẽ, ca từ của Ca trù mang tính ít lời nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, sâu lắng. Nội dung có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi hùng ca, triết lí, giáo huấn… Bởi vậy, trong nghệ thuật Ca trù, từ soạn giả (người soạn lời bài hát), ca nương, kép đàn (nghệ sĩ biểu diễn) cho đến người thưởng thức (quan viên) thường là bậc văn sĩ, trí thức, những người tài hoa về thơ văn, âm nhạc.

Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công…, là một loại hình nghệ thuật mang đậm tính “thính phòng”, có sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca, âm nhạc, và đôi khi có cả múa và trò diễn.

Linh hồn của Ca trù chính là ca nương, nữ hát chính có thanh sắc vẹn toàn, được đào tạo bài bản, công phu, vừa hát vừa gõ nhịp phách, kĩ thuật hát rất tinh tế, điêu luyện, nắn nót, trau chuốt từng câu, từng lời. Kế tiếp là nhạc công, thường gọi là kép đàn. Người này chơi đàn đáy luyến láy, nhặt khoan, lúc thánh thót, lúc ngân nga rất hòa nhịp với giọng hát của ca nương. Một phần không thể thiếu khác đó là người nghe, gọi là quan viên. Trong số các quan viên ấy người nào sành âm luật, thanh nhạc, vũ đạo… thì được mời ngồi cầm trống chầu. Quan viên cầm trống chầu vừa giữ vai trò là người thẩm âm, giữ nhịp, vừa để biểu hiện sự khen-chê, thưởng-phạt bằng cách thể hiện qua cách gõ trống của mình mỗi khi nghe ca nương, kép đàn trình diễn. Vì thế mỗi khi nghe đào kép thể hiện lúc nhặt lúc khoan, lúc tha thiết lúc dặt dìu, lúc cứng cỏi lúc đài các... quan viên sẽ tùy theo cảm nhận, cảm xúc của mình để có cách gõ trống chầu khác nhau. Do đó tiếng trống chầu thể hiện rất rõ trình độ của người thưởng thức cũng như tài nghệ của người biểu diễn.

Có thể nói, xem một buổi diễn Ca trù người ta thấy ở đó không chỉ có sự tinh tế, tài hoa, tao nhã mà còn có cả sự sang trọng và quý phái vừa giống như nghi lễ của các Geisha truyền thống Nhật Bản lại vừa giống như màn trình diễn đầy kịch tính của những vở Opera phương Tây.
 

Du khách nghe CLB Ca trù Thăng Long giới thiệu về nghệ thuật Ca trù trước khi xem biểu diễn. Ảnh: Tất Sơn/VNP

Mặc dù được đánh giá là loại hình nghệ thuật bác học, có sức ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam nhưng Ca trù cũng có những bước thăng trầm theo lịch sử, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bị lãng quên, mai một. Vì thế, năm 2009, UNESCO đã ghi danh Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Từ đó đến nay, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng Nhà nước, các tổ chức quốc tế và đặc biệt là của chính những nghệ nhân, người yêu nghệ thuật Ca trù, loại hình nghệ thuật này từng bước được hồi sinh mạnh mẽ.

Hồi sinh Ca trù

Ngày 23/2/2020, Google đã đưa hình ảnh minh họa không gian biểu diễn nghệ thuật Ca trù của Việt Nam lên tính năng Google Doodle như một sự vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo của thế giới. Trong phần giới thiệu của mình, dưới bức tranh màu sắc tươi tắn thể hiện ba nghệ nhân Ca trù ngồi nghiêm cẩn trên chiếu hoa, Google đã giới thiệu, đại ý rằng: Ca trù là một thể loại âm nhạc truyền thống từng có thời gian được tôn sùng nhất của Việt Nam. Ban đầu nó là một trò giải trí phổ biến của giới quý tộc trong hoàng cung, sau đó xâm nhập dần vào đời sống thị dân Hà Nội. Việc bảo tồn nghệ thuật Ca trù rất khó khăn do tính chất truyền nghề vốn được giữ kín theo lối truyền khẩu truyền thống của các nghệ nhân xưa; may mắn là thể loại này gần đây đã hồi sinh nhờ nỗ lực tập trung của các tổ chức nhà nước và các cơ quan quốc tế.
 

Theo các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, Ca trù hiện đã có bước phục hồi khá mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của các nhà nghiên cứu, năm 2010 cả nước có khoảng 63 câu lạc bộ Ca trù với khoảng 769 người (bao gồm 513 ca nương, 256 kép đàn và người đánh trống chầu). Các câu lạc bộ này hoạt động tương đối thường xuyên và có kế hoạch luyện tập, truyền nghề khá bài bản cho các thế hệ sau.

Ngoài ra, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện cũng đang lưu trữ được 7 điệu múa Ca trù, 42 bài bản Ca trù, 26 văn bản Hán Nôm về Ca trù và khoảng 25 cuốn sách viết về Ca trù. Đây là nguồn tư liệu quý rất có ích cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Ca trù của các cơ quan chức năng và nhà nghiên cứu.

Nghệ thuật Ca trù hiện có mặt ở 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tp. Hồ Chí Minh

Thủ đô Hà Nội được coi là cái nôi của nghệ thuật Ca trù và cũng là địa phương được đánh giá dẫn đầu về mặt tổ chức, nghiên cứu và số nghệ nhân tài năng. Năm 2009 Hà Nội mới chỉ có 9 câu lạc bộ Ca trù, đến nay đã là 16 câu lạc bộ, trong đó 50 người có khả năng truyền dạy và 220 người đang thực hành tại các cơ sở. Ca trù của Hà Nội không chỉ phát triển về số lượng câu lạc bộ mà còn phát triển cả về mặt chất lượng tổ chức, đào tạo và biểu diễn. Các câu lạc bộ đã nghiên cứu, phục hồi biểu diễn được hơn 30 làn điệu hát, nghi thức diễn xướng và điệu múa cổ, ngoài ra  còn sáng tác mới thêm được 18 làn điệu để biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nếu như trước đây các câu lạc bộ hầu như không có địa điểm biểu diễn cụ thể, hoạt động biểu diễn cũng không thường xuyên thì nay đã có điểm diễn, lịch diễn và lịch truyền dạy đều đặn trong tháng. Ví như các điểm biểu diễn ở Bích Câu đạo quán, đền Quan Đế, đình Kim Ngân… hoạt động hàng tuần, thu hút một số lượng không nhỏ người dân và khách du lịch đến thưởng thức.

Một canh hát tại đình Quan Đế, Hà Nội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Tất Sơn/VNP

Một số câu lạc bộ Ca trù nổi tiếng của Hà Nội có thể kể đến như : Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội (hoạt động tại đình Kim Ngân, quận Hoàn Kiếm), Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà (27 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Câu lạc bộ Ca trù Đồng Chữ (huyện Chương Mỹ), Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức), Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (huyện Phú Xuyên)… Trong số đó câu lạc bộ Thái Hà vốn là một trong những giáo phường danh tiếng đất Kinh kỳ xưa, tính đến nay đã có 7 đời làm nghề và truyền dạy Ca trù. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động làm sống lại nghệ thuật Ca trù bằng cách thường xuyên tổ chức biểu diễn tại nhiều nơi và cả ở những sự kiện văn hóa đặc biệt. Đặc biệt, câu lạc bộ còn được Quỹ Ford và Cục Nghệ thuật Biểu diễn tài trợ tham gia truyền dạy Ca trù cho gần 30 câu lạc bộ ca trù ở các địa phương. Nhiều người nước ngoài đến từ các nước Anh, Pháp, Mỹ cũng tìm đến xin học hát hoặc tìm hiểu tư liệu để nghiên cứu hay làm luận án về Ca trù…

Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai, vượt qua bao gian nan, thử thách, thậm chí có cả những định kiến không hay của xã hội, nghệ thuật Ca trù của Việt Nam đã dần bước qua thời kì khó khăn để trở lại với công chúng bằng chính bản sắc và vẻ đẹp chân thiện mĩ vốn có của mình. Với sự hồi sinh mạnh mẽ ấy, hi vọng Ca trù sẽ sớm được đưa ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của UNESCO để có thể phát triển vững bền làm rạng danh thêm cho nền âm nhạc của quốc gia, dân tộc./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt, Tất Sơn/ Báo Ảnh Việt Nam


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu