A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn sách lá buông của người Chăm

Chữ viết của người Chăm xuất hiện lần đầu tiên trên bia ký Đồng Yên Châu (Trà Kiệu - Quảng Nam) vào thế kỷ thứ IV. Người Chăm viết chữ trên nhiều chất liệu khác nhau, như khắc chữ trên đá, gỗ, kim loại, viết chữ trên giấy, da thú, tre và vải. Trong đó, có việc khắc chữ trên chất liệu lá buông. Đến nay, các chức sắc người Chăm vẫn còn sử dụng trong giao tiếp hành chính, ghi chép địa bạ, luật tục, văn chương và kinh kệ.

Các chức sắc Chăm Bàlamôn xướng kinh trên đền tháp

Từ di sản

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Chăm ở Việt Nam có 178.948 người, sinh sống nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, người Chăm ở Ninh Thuận có 67.517 người, ở Bình Thuận có 39.557 người. Đây là hai địa bàn còn lưu trữ kinh sách lá buông (Agal bac), sử dụng kinh sách lá buông để hành lễ trên đền tháp và phục vụ cúng lễ cho cộng đồng.

Nguyên liệu chính để làm ra những bộ Agal bac là lá buông. Lá buông được bấm lỗ ở hai đầu và một lỗ ở chính giữa để xâu dây chỉ giúp liên kết từng chiếc lá chặt trong một quyển sách. Từng chiếc lá buông không có đánh số thứ tự trang nên sợi chỉ có chức năng giữ lá buông theo trật tự sắp xếp cố định. Mỗi lần mở kinh ra đọc từ trang đầu đến trang cuối. Sau đó, được xếp lại như ban đầu và dùng sợi dây chỉ buộc lại bộ sách lá buông như một quyển sách.

Nội dung chính viết trong các Agal bac của người Chăm là các đề tài tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn cách hành lễ và những lời khuyên răn dành cho các chức sắc. Việc khắc chữ trên lá buông đòi hỏi một kỹ năng nhất định, cần có sự tập trung, tỉ mỉ và khéo léo....

Theo nội dung được chuẩn bị sẵn, người khắc chữ ngồi vào bàn dùng một miếng gỗ bằng phẳng lót dưới lá buông, tay cầm con dao nhỏ, khắc mũi dao vào lá buông. Quá trình khắc chữ, hoàn thành hết một chiếc lá như một trang giấy mới dừng tay. Cứ như thế, cho đến khi khắc xong nội dung một quyển kinh. Khi kết thúc một nội dung, chuyển sang một nội dung mới, người khắc chữ thường khắc hình xoắn ốc để đánh dấu, kết thúc một câu khắc dấu hai vạch thẳng đứng để kết thúc ý hoặc xuống hàng.

Ông Nại Cao Liêm - Phó Cả sư ở thôn Vụ Bổn (xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) và bộ kinh sách lá buông do gia đình ông đang gìn giữ

Đến bảo tồn...

Hiện nay, nạn chảy máu cổ vật làm kinh sách lá buông lần lượt biến mất khỏi cộng đồng, số lượng kinh sách lá còn lại rất ít. Trong khi đó, kỹ thuật viết chữ trên chất liệu lá buông của người Chăm đã bị thất truyền.

Tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận chỉ còn lưu trữ 12 thư tịch viết trên chất liệu lá buông. Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận có 7 bộ kinh lá buông đang lưu trữ và phục vụ trưng bày, giới thiệu. Tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm tỉnh Bình Thuận đang lưu trữ 4 quyển thư tịch lá buông. Còn Bảo tàng tỉnh Bình Thuận lưu trữ 5 quyển sách lá buông.

Nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn (Tp. Phan Thiết, Bình Thuận) có gần 100 hiện vật thư tịch cổ. Trong đó, có 4 quyển thư tịch viết bằng tiếng Chăm trên chất liệu lá buông. Quan niệm của các bảo tàng, nhà trưng bày, nhà sưu tầm xem sách lá buông người Chăm là cổ vật nên mang ra giới thiệu phục vụ khách tham quan. Họ không có hoạt động nghiên cứu, tiến hành đọc và dịch nội dung ghi chép trong quyển kinh sách lá.

Trước nguy cơ mai một di sản kinh sách lá buông, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Thư viện Quốc gia, Bảo tàng và các cơ sở tôn giáo đang tiến hành nghiên cứu, bảo tồn kinh sách lá buông thông qua các diễn đàn hội thảo khoa học, truyền thông, dự án bảo tồn thư tịch quý hiếm. Tuy nhiên, di sản sách lá buông của người Chăm lại rất ít các nhà khoa học chú trọng khai thác nội dung và tìm tòi về kỹ thuật chế tác. Những bộ kinh sách lá buông của người Chăm bị thất lạc, biến mất khỏi cộng đồng trở thành tài liệu quý hiếm, món đồ cổ vật.

Chữ viết trên lá buông

Để bảo tồn và phát huy di sản sách lá buông của người Chăm nói riêng và ở Việt Nam nói chung, trước hết cần có cuộc khảo sát, điều tra và thống kê số lượng các quyển kinh lá buông đang lưu hành hiện nay. Từ đó, có cơ sở để thực hiện số hóa, giúp công tác lưu trữ và bảo tồn di sản sách lá cho thế hệ mai sau. Mặt khác, cần số hóa là phương pháp cứu các quyển lá buông đang bị rách, nát, mối mọt, côn trùng gây hại và sự tác động của môi trường theo thời gian.

Bên cạnh đó, cần mở lớp truyền dạy kỹ thuật viết chữ trên lá buông cho đối tượng chức sắc, người tham gia thực hành cúng lễ, các chuyên viên bảo tàng, chuyên viên nghiên cứu văn hóa Chăm để họ truyền dạy lại cho người dân.

Các nhà khoa học, nhà quản lý và chức sắc tôn giáo cần có sự hợp tác đọc, dịch và xuất bản nội dung ghi chép trên chất liệu lá buông để phục vụ tư liệu cho các chức sắc hành lễ; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của sách lá buông đã được chế tác từ hàng trăm năm trước; nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản ngôn ngữ và chữ viết của người Chăm.

Bá Minh Truyềnbaodantoc.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu