A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ăn cơm chúa, múa tối ngày

Chúa cho ăn, chúa cho mặc, thì cứ hát, cứ múa cho vui tai thích mắt chúa trọn ngày! Đó là tư tưởng phục vụ và trả công của những người "nghệ sĩ chuyên nghiệp" ngày xưa. Họ được chúa nuôi để đàn hát, nhảy múa làm trò tiêu khiển mà lại! Tinh thần đó được phản ánh qua câu thành ngữ ăn cơm chúa múa tối ngày. Chúa trong câu thành ngữ này là ông chủ quyền quý nói chung, mà trước hết là các bậc vua chúa.

Bởi chung, ngày xưa các bậc vua chúa đều có đội ca kĩ, các cung tần mĩ nữ múa hát mua vui. Nhưng chẳng cứ gì vua chúa mới có đám ca hát này mà ngay cả các lãnh chúa từng vùng cũng có. Rồi, chúa đôi khi cũng chỉ là những người ở thôn xã, bỏ tiền ra thuê các con hát, gánh hát phục vụ trong một thời gian ngắn, nhân dịp lễ, tết hay nhân các công chuyện lớn trong gia đình, trong họ hàng. Dẫu được hát, được múa trong cung vua, phủ chúa hay trong các điền trang, các nhà quyền quí ở thôn quê, thì bọn họ đều là tôi tớ được họ nuôi nấng, có cơm ăn, áo mặc, do đó cũng có phận sự phục vụ các ông chúa bà chủ.

Có lẽ, thoạt tiên, thành ngữ ăn cơm chúa múa tối ngày chỉ phản ánh một hiện thực là đội ca kĩ suốt ngày đêm múa hát phục vụ vua chúa, và các gia chủ. Cùng với hiện thực đó còn là tinh thần trách nhiệm, bổn phận của kẻ tôi đòi đối với chủ, và không ngoại trừ tinh thần "yêu ngành yêu nghề" và cảm hứng nghệ thuật với họ. Thế nhưng, trong mắt người đời, những con người này thuộc lớp người bị coi là thấp hèn, là "xướng ca vô loài".

Lại nữa, sự múa may quay cuồng suốt ngày, đối với người ngoài cuộc, chẳng có nghĩa lý gì mà chỉ là chuyện tầm phào và vô tích sự. Kẻ đứng ngoài cuộc, hẳn là chẳng ai tin trong lời hát kia, trong điệu múa nọ là kết quả của tinh thần tận tâm, tận lực, là sự say mê, yêu thích với cảm hứng nghệ thuật do bản mệnh ngành nghề đưa đến. Ngược lại, họ dễ dàng gán ghép hoạt động của người nghệ sĩ cũ tính chất chán chường, cố cho xong chuyện, cho hết ngày để khỏi thất thố với đồng tiền, bát cơm, manh áo của chủ bỏ ra. Thực hư thế nào chỉ có bản thân các ca sĩ, các vũ nữ mới biết đích thực, chân xác.

Dẫu vậy, với quan sát riêng, nhận thức riêng với cách đánh giá riêng của người đời thì vẫn cứ tồn tại hiển nhiên một thực tế là ăn cơm chúa múa tối ngày, biểu thị lối làm quấy quá cho xong chuyện, cho hết ngày, lối làm việc chỉ chú ý tới thời gian mà không chú ý đến hiệu quả. Cách làm ăn đó không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay, cho nên cần phải đả phá, loại bỏ.

“Công trường không phải là nơi ăn cơm chúa múa tối ngày, tiền công ở công trường cũng không phải là nước sông gạo chợ mà là ở đâu cũng mồ hôi nước mắt của nhân dân cả thôi” (Bàng Sĩ Nguyên, “Niềm vui”).


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu