A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến Hậu Giang, đừng quên thưởng thức sỏi… mầm

Sỏi mầm - món ăn tưởng như có họ với “mầm đá” của Trạng Quỳnh và không có thật trên đời lại là đặc sản độc đáo, lạ lùng của Hậu Giang.

Sỏi mầm là đặc sản riêng có của Hậu Giang. Điều đặc biệt, sỏi dùng để chế biến chứ không phải nguyên liệu nấu ăn nhưng vẫn được dùng để gọi tên món ăn, làm tăng phần tò mò và quyến rũ thực khách, dù chưa một lần được nếm thử hương vị. Đừng ngạc nhiên nếu thấy bồi bàn phục vụ bạn một suất ăn có cả những viên sỏi đặt trên chiếc lá rộng, được bày biện đẹp mắt trong lòng đĩa. Không dùng để ăn, nhưng sỏi là “hồn cốt” của món ăn “độc nhất vô nhị” ta đang nói tới đây.

Thực chất “sỏi mầm” là thịt lợn rừng được chế biến theo một cách đặc biệt. Mỗi suất ăn bao gồm 3-4 viên sỏi được nung thật nóng, để thực khách dùng “nướng” chín thịt heo rừng. Bởi thế cũng có người gọi “sỏi mầm” là món lợn rừng nướng sỏi. Không phải món ăn cầu kỳ, nhưng muốn thưởng thức “sỏi mầm” ngon thì phải có nguyên liệu “chuẩn” và sự khéo léo của đầu bếp khi tẩm ướp thịt. Thịt phải là thịt lợn rừng được người dân tộc nuôi thả trên đồi núi. Vì phải tự kiếm ăn trong môi trường tự nhiên, năng vận động nên thịt lợn rừng săn chắc, thơm ngon, ít mỡ, thích hợp để làm sỏi mầm.

 Sỏi mầm còn được gọi là thịt lợn nướng sỏi

Thịt được đem về ngay sau khi “ngả lợn” còn tươi nguyên, được sơ chế và treo lên cho ráo nước. Để giữ nguyên vị đậm đà, tươi ngon của thịt thì không nên rửa nước mà thấm khô bằng khăn sạch. Làm thế thì sẽ không bị nhão mà giữ được độ săn chắc, tươi ngon. Tiếp đó, người đầu bếp sẽ thái thịt với độ mỏng vừa phải rồi ướp cùng các loại gia vị như: bột ngọt, tiêu, tỏi, ớt, mùi tàu (ngò gai), hành… trong khoảng 15 phút để thấm đều vào thịt. Vậy là nguyên liệu đã được chuẩn bị xong. Phần tiếp theo sẽ do thực khách tự đảm nhiệm nấu nướng và thưởng thức. Món ăn được bê ra bàn dần dần khơi gợi lên sự hứng thú của thực khách. Đầu tiên sẽ là đĩa sỏi. Những viên sỏi nung nóng già được đặt trên lá sung ở vị trí trung tâm đĩa, xung quanh là nhiều loại rau sống ăn kèm, gồm: cải bắp thái sợi, xà lách, rau thơm, ớt tươi.

Mới vậy thôi cũng khiến du khách ứa nước miếng trong lúc chờ đợi đĩa thịt lợn rừng tẩm ướp thơm ngon cùng bát nước mắm chấm tiếp tục được mang lên bàn nhậu. Trong khi ấy, mùi lá sung cùng các loại rau thơm thanh mát và tiếng lá sung nổ lách tách dưới những viên sỏi nóng bỏng càng khiến thực khách thèm thuồng được nếm thử “sỏi mầm”. Để thưởng thức, thực khách chỉ cần trải đều miếng thịt lên mặt sỏi để “nướng”, sức nóng từ viên sỏi sẽ giúp làm chín thịt. Tiếng xèo xèo ngay lập tức vang lên khiến bữa ăn của bạn thêm rộn ràng và được mong chờ hơn hết. Điều thú vị là thực khách sẽ được tự tay nướng thịt mà không cần dùng lửa, không sợ khói ám vào người. Tùy theo khẩu vị mà thực khách sẽ điều chỉnh thời gian để lật mặt thịt, nướng xém vàng hay vừa chín tới. Quãng thời gian chờ đợi thịt chín, bạn sẽ bị “tra tấn” một cách dịu ngọt trong mùi thơm ngày một đậm đà gia vị hấp dẫn lan tỏa trong không gian. Thịt nướng chín được cuốn trong rau xà lách cùng các lại rau thơm, chấm cùng nước mắm chua cay ngọt.

Cắn một miếng thịt cuốn, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon không thể chối từ của sỏi mầm. Vị ngọt thơm đặc trưng của thịt lợn rừng quyện với hương thơm thanh mát, cái ngọt giòn, cay cay của rau thơm cùng vị chua dịu đượm đà của mắm ớt là “trái ngọt” thu được sau thời gian đợi chờ tưởng lâu như một thế kỷ. Nhất là khi thưởng thức sỏi mầm trong không gian thoáng đãng của miền sông nước, bạn sẽ thấy được thú vui trong cách thưởng thức ẩm thực dân dã mà tinh tế, mộc mạc mà độc đáo của người miền Tây nói chung, người Hậu Giang nói riêng.

(Phương Nga/timeoutvietnam.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu