Đao đao, nhạc cụ đơn sơ, độc đáo của người Khơ Mú
Phụ nữ Khơ Mú độc tấu đao đao |
Dấu ấn trong đời sống của cư dân nông nghiệp vùng núi phía Bắc
Đao đao (đao) hay thăm đao đao từ lâu luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của người Khơ Mú và người Thái ở vùng núi phía Bắc. Được làm từ một ống nứa, nguyên liệu tự nhiên gần gũi và gắn bó thân thuộc với người Khơ Mú, đao đao vốn là 1 công cụ sản xuất vô cùng sáng tạo của người Khơ Mú.
Chính vì ngôi nhà truyền thống của người Khơ Mú là dạng nhà sàn, mái lợp cỏ gianh - loại thực vật sinh trưởng mạnh mẽ, che phủ tốt khi phơi khô và liên kết với nhau bằng tre, nứa và lạt. Đo gianh, chải gianh là công việc thường xuyên, gắn liền với việc làm nhà, bảo dưỡng mái nhà của đồng bào. Ống nứa nhỏ này được đồng bào sử dụng trong quá trình kết gianh làm mái nhà là một dụng cụ hữu dụng, kết tinh tri thức dân gian qua quá trình lao động lâu dài.
Việc cải tiến vật dụng, công cụ lao động thành nhạc cụ của người Khơ Mú trở thành một nhạc cụ thực thụ là cả một quá trình dài và là sáng tạo mang tính đột phá. Nó thể hiện tư duy sáng tạo văn hóa của người Khơ Mú nói riêng, các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung.
Để có một cây đao đao tốt, người Khơ Mú cũng đã dành nhiều công sức, trí tuệ và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc chọn nguyên liệu, cách diễn tấu và bảo quản.
Mỗi nơi, mỗi vùng, người Khơ Mú lại có những tìm tòi sáng tạo để phù hợp với điều kiện thiên nhiên, nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ cũng như tập quán sinh hoạt văn hóa của mình.
Dụng cụ lao động cất tiếng hát
Đao đao có đường kính trung bình khoảng 3 - 4 cm, chiều dài khoảng 40 - 50 cm và có bảy bộ phận trên thân gồm: thân đao, thành ống, cột hơi, vách ngăn, hai khe trên thân đao, lỗ bấm tạo, hai chiếc lam đao. Sự thay đổi kích thước của lam đao và sự tác động của thành ống tạo ra cao độ khác nhau trong âm thanh phát ra. Ban đầu, đồng bào sử dụng đao đao đơn thuần để đi tiết tấu đệm cho múa, hát. Sau này đao đao được khoét và tăng dần số lượng lỗ bấm trên thành ống cũng như trên vách ngăn để trở thành nhạc cụ đi giai điệu. Ngoài ra, đao đao còn có khả năng diễn tấu hình thái âm nhạc hai bè trên cùng một nhạc cụ và nhiều bè với nhiều cây đao đao với nhau.
Lỗ bấm trên đao đao |
Khi diễn tấu, người sử dụng sẽ dùng tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ, đập phần đầu của nhạc cụ vào mu bàn tay để âm thanh vang lên. Điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào được tạo nên từ tiết tấu của nhạc cụ tạo nhịp cho các bước di chuyển, kết hợp với động tác của đôi bàn tay và toàn bộ cơ thể. Khi múa và diễn tấu đao đao, đồng bào dùng chiêng và trống đệm theo.
Đao đao đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khơ Mú, ở các không gian diễn tấu và việc sáng tạo âm nhạc. Đao đao có đủ bốn chức năng, từ đệm cho múa và hát, đến độc tấu và hòa tấu.
Đao đao - dụng cụ cất tiếng hát |
Theo ông Quàng Văn Cá (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Chỉ phụ nữ mới dùng đao đao để vui chơi giải trí trong các lễ hội, lúc đi nương rẫy hay khi rảnh rỗi, đao đao có thể giúp đồng bào quên đi mệt nhọc. Các cô gái khi giao duyên cũng dùng đao đao để thể hiện tình cảm của mình. Đao đao còn để đuổi chim muông phá hoại mùa màng, đánh thức con trẻ buổi sớm mai. Quan trọng hơn, đao đao còn được sử dụng trong một số nghi lễ. Tuy nhiên có một điều kiêng kỵ là đao đao không được phép sử dụng gần với vị trí của hai bếp thiêng trong nhà của người Khơ Mú”.
Sự đặc biệt của đao đao
Sự độc đáo của nhạc cụ này đã tạo nên tính đặc biệt của nó. Chỉ là ống nứa khá đơn sơ, cả nguyên liệu, hình dạng, chế tác diễn tấu nhưng đao đao lại phức tạp ở nguồn phát âm.
Vì nhạc cụ này có sự kết hợp của cả hai nguồn âm thanh của thân vang và hơi cho nên các nhà nghiên cứu âm nhạc trong và ngoài nước không thống nhất được về việc xác định nguồn phát âm nên chưa xếp loại thuộc bộ nhạc cụ nào. Việc khai thác hai nguồn âm khác nhau trong cùng một nhạc cụ và âm sắc đặc biệt của đao đao không có ở bất cứ nhạc cụ nào khác với sự pha trộn giữa tiếng rè của lam đao với âm thanh trầm bổng của ống hơi. Mặt khác, kỹ thuật luyến âm trên nhạc cụ này cũng là một nét độc đáo hiếm thấy ở các nhạc khí thân vang khác.
Đồng bào Khơ Mú cũng tìm được cách bảo quản đao đao hết sức độc đáo. Với loại làm bằng nguyên liệu tươi, nó được ngâm vào nước sạch hoặc để vào chỗ có dòng nước chảy. Loại làm bằng nguyên liệu khô, nó được bỏ vào trong một chiếc ống tre hay nứa có đậy nắp, gác lên nơi cao ráo. Để khắc phục tình trạng tách thêm của hai khe và điều chỉnh độ hở của hai khe - tạo độ ngân, độ vang tốt nhất cho đao đao, đồng bào buộc sợi dây len hay sợi tóc trên thân đao đao.
Không chỉ mang những nét độc đáo và được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng do việc chế tác và tìm kiếm nguyên liệu cũng như cách diễn tấu đơn giản, đao đao còn kết tinh trong nó những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Theo Langvietonline.vn